xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ chỉ đe chứ không đánh?

Hoàng Phương

Tổng thống Donald Trump không nhận được nhiều ủng hộ từ 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản về lựa chọn tấn công quân sự Triều Tiên

Sau vụ không kích căn cứ không quân Syria vào tuần rồi, quân đội Mỹ hôm 13-4 tiếp tục có hành động gây chú ý khác, lần này là thả quả bom phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí xuống mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan.

Ra oai?

Một số nhà phân tích nhanh chóng chỉ ra rằng bằng cách bật đèn xanh cho việc sử dụng bom GBU-43, được mệnh danh là “mẹ của các loại bom”, lần đầu tiên trong chiến trận, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn muốn phát đi thông điệp đe dọa đến Triều Tiên. Theo họ, thông điệp này có thể là Mỹ sẵn sàng sử dụng những vũ khí dữ dội nhất nếu thấy cần và điều kiện cho phép.

Tờ New York Daily News cho hay GBU-43 được phát triển nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân ngầm, tương tự những cơ sở Triều Tiên được cho là đang vận hành. Thời điểm diễn ra vụ ném “bom mẹ” cũng đáng chú ý - chỉ 2 ngày trước khi Triều Tiên kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhà sáng lập đất nước. Đã xuất hiện cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân sớm nhất là vào cuối tuần này để chào mừng ngày lễ trọng đại nhất nước nói trên.

Không lâu sau vụ thả “bom mẹ”, đài NBC News dẫn lời một số quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói Washington sẵn sàng tấn công phủ đầu bằng vũ khí truyền thống nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân. Theo những nguồn tin này, Mỹ hiện triển khai 2 khu trục hạm có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk ở khu vực, trong đó 1 chiếc chỉ cách địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên gần 500 km. Ngoài ra, máy bay ném bom Mỹ còn đồn trú trên đảo Guam. Và vào cuối tuần rồi, nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson được lệnh chuyển hướng đến bán đảo Triều Tiên. Một vụ tấn công phủ đầu như thế có thể sử dụng tên lửa, bom bên cạnh chiến dịch tấn công trên mạng và triển khai lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất.

Theo đài RT, Lầu Năm Góc không bác bỏ hoặc xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump nói với Reuters rằng thông tin của NBC News là “hoàn toàn không đúng”. Nhiều người cũng tin rằng khả năng xảy ra tấn công phủ đầu nói trên là không cao. Trước hết, việc tiến hành nó phụ thuộc chủ yếu vào sự đồng thuận của chính phủ Hàn Quốc. Washington cần thuyết phục Seoul rằng một hành động như thế là đáng để mạo hiểm giữa lúc có nỗi lo Bình Nhưỡng sẽ tấn công cả nước láng giềng nếu bị khiêu khích.

Triều Tiên vừa tiến hành tập trận giữa lúc căng thẳng leo thang ở khu vựcẢnh: DAILY MAIL
Triều Tiên vừa tiến hành tập trận giữa lúc căng thẳng leo thang ở khu vựcẢnh: DAILY MAIL

Triều Tiên cứng rắn

Tuy nhiên, theo trang Bloomberg, ông Trump không nhận được nhiều ủng hộ từ 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản về lựa chọn tấn công Triều Tiên bởi nỗi lo về những tổn thất nghiêm trọng cả về an ninh lẫn kinh tế. Những ngày gần đây, Seoul và Tokyo đều liên tục nhắc Washington không vội vã đơn phương hành động mà phải tham vấn họ trước khi quyết định ra tay, nếu có. Ngay cả Trung Quốc cũng cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào Triều Tiên còn rủi ro hơn nhiều so với vụ không kích Syria.

Nỗi lo trên không có gì lạ bởi Triều Tiên sẽ không khoanh tay đứng nhìn như Syria nếu bị tấn công. Một báo cáo mới đây của công ty tình báo Stratfor (Mỹ) cho rằng phản ứng tức thì nhất của Bình Nhưỡng khi đó là bắn đạn pháo về phía Seoul và các khu vực xung quanh, nơi sinh sống của hơn phân nửa trong số 51 triệu dân Hàn Quốc. Lý do là, theo báo cáo, hệ thống pháo của Triều Tiên dọc biên giới vận hành nhanh hơn lực lượng không quân, hải quân hoặc tên lửa đạn đạo - có thể bắn đến Hàn Quốc, Nhật Bản và căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực.

Bên cạnh đó, bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng vài lần phát đi tín hiệu rằng mình nghiêng về một giải pháp ngoại giao bất chấp một loạt động thái triển khai quân và phô trương sức mạnh nói trên. Chẳng hạn, hôm 13-4, ông Trump bày tỏ niềm tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ “nỗ lực” để giúp giải quyết bài toán khó mang tên Triều Tiên. Ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), đánh giá ông Trump dường như thích phát tín hiệu đến đối thủ nhưng điều này không có nghĩa ông sẽ ra lệnh tấn công Triều Tiên. Bằng chứng, theo ông Kazianis, là yếu tố “bom mẹ” dài 9,17 m và nặng 10,3 tấn nói trên được thiết kế để thả từ máy bay vận tải MC-130, không phù hợp để sử dụng ở Triều Tiên.

Điều dư luận lo ngại lúc này là với sự khó đoán của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên cộng với hàng loạt lời lẽ công kích, đe dọa qua lại, bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Trả lời hãng tin AP hôm 14-4, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song Ryol cảnh báo nước này sẵn sàng chiến tranh với Mỹ nếu bị khiêu khích. Ngoài ra, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và thử vũ khí hạt nhân bất cứ khi nào các nhà lãnh đạo thấy thích hợp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo