img

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, hai bên sẽ rà soát và thống nhất các biện pháp cụ thể để đây là dấu mốc "mở ra giai đoạn mới" của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật.


Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 1.

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30-4 đến 1-5. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức tháng 10-2021, đồng thời đáp lễ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11-2021.

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, tháng 11-2021 - Ảnh: VGP

Chuyến thăm hết sức quan trọng này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được đánh giá đang ở trong giai đoạn hợp tác, phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Hai người tiền nhiệm của đương kim Thủ tướng Kishida Fumio là nguyên Thủ tướng Abe Shinzo và nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm sau khi nhậm chức. Từng là Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Việt - Nhật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức.

Về phần mình, Thủ tướng Kishida Fumio đã là thành viên và Tổng thư ký của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt trong hàng chục năm. Ông đã thăm Việt Nam 3 lần trên các cương vị khác và đóng góp tích cực vào việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014.

Cụ thể, Thủ tướng Kishida Fumio từng thăm Việt Nam vào tháng 7-2014 và 5-2016 trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, tháng 5-2018 trên cương vị Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách. Thủ tướng Kishida Fumio từng chia sẻ rằng với ông, "Việt Nam là một đất nước đặc biệt và có lương duyên với Nhật Bản".

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 3.

Chuyến thăm sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, thúc đẩy triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11-2021 - Ảnh: VGP

Chuyến thăm lần này nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, thúc đẩy triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính (từ ngày 22 đến 25-11-2021); tăng cường sự tin cậy chính trị Việt Nam - Nhật Bản và quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên cơ sở "tình cảm, chân thành, tin cậy"; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9-1973. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển hết sức tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực nhờ sự tương đồng về văn hóa và các lợi ích chiến lược. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5-2016).  Từ tháng 3-2014, Việt Nam và Nhật Bản nâng tầm quan hệ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á.

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 4.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đang phát triển rất tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, đối tác thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại.

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, quốc phòng an ninh, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác giữa các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực thông qua nhiều cơ chế quan trọng, cũng như tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương của Liên Hiệp Quốc, ASEAN, APEC... Hai nước cũng đã hợp tác trong việc phòng, chống, giảm thiểu những hậu quả của đại dịch Covid-19 đạt được nhiều kết quả.

Trong quan hệ song phương, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là bạn, đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm, sự trân trọng, quý mến và tin cậy lớn dành cho đất nước và con người Nhật Bản. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới; và sẵn sàng cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Việt Nam hiện là đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Điều này được minh chứng khi Việt Nam là một trong số ít các nước mà Nhật Hoàng đến thăm. Việt Nam - Nhật Bản có quan hệ gần gũi và hai nước hiện cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung.


Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 5.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, chuyến thăm của Thủ tướng Fumio Kishida được trông đợi đạt những kết quả kết quả toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược, tạo ra những dấu ấn lớn giúp tăng cường, củng cố quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, thúc đẩy triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999, góp phần không ngừng nâng cao kim ngạch thương mại song phương. Đến năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 20 tỉ USD (tăng 4,4%) và nhập siêu 2,52 tỉ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim nghạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 11,2 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt gần 5,4 tỉ USD, tăng 10,1% và nhập khẩu đạt gần 5,8 tỉ USD , tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.

img
img
img

Vải thiều Bắc Giang tập kết tại sân bay để xuất sang Nhật tháng 5-2021 - Ảnh: Minh Châu

Nhật Bản cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn bậc nhất tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhận thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tin cậy và an toàn cho nguồn vốn đầu tư của mình. Lũy kế đến tháng 3-2022, Nhật Bản có 4.828 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64 tỉ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2021, Nhật Bản có 9 dự án cấp mới và 8 lượt góp vốn mua cổ phần, đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD.

Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến 12-2019 là 2.578 tỉ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỉ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ngài Kitaoka Shinichi, tháng 11-2021. Ảnh: VGP

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt hơn 450.000 người, sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, Fukuoka.

Chuyến thăm cho thấy Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Kishida tiếp tục đặc biệt coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, cũng như dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, đối tác quan trọng và tin cậy của Nhật Bản.

Chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam cũng như củng cố mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân Thủ tướng Kishida với các Lãnh đạo Việt Nam, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước trên cơ sở tình cảm, chân thành, tin cậy.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo cấp cao hai nước nhiều lần nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Với chuyến thăm đáp lễ này của Thủ tướng Kishida, hai bên đều bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, phát triển toàn diện hơn nữa, tích cực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản trong năm 2023.

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật - Ảnh 8.

Trước đó trong chuyến thăm vào tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc Việt Nam và tỉnh Tochigi Nhật Bản. Ảnh: VGP

Trở lại thăm Việt Nam lần này trên cương vị mới, trong chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ gặp gỡ với các Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; tiếp Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt; dự Hội nghị hợp tác đổi mới công nghệ, chuyển đổi số....

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết hai bên sẽ rà soát và thống nhất các biện pháp cụ thể để chuyến thăm của Thủ tướng Kishida là dấu mốc "mở ra giai đoạn mới" của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực một cách thực chất như thúc đẩy kim ngạch thương mại, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, xuất khẩu sang Nhật, thúc đẩy chương trình vốn vay ODA thế hệ mới, đầu tư chất lượng cao, tăng cường chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, hợp tác phát triển vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, phát triển nguồn nhân lực, đô thị thông minh, hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân... đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Tiểu sử Thủ tướng Kishida Fumio

Ngày sinh: 29-7-1957

Nơi sinh: Tokyo (tuy nhiên đơn vị bầu cử là tỉnh Hiroshima, quê nội)

Học vấn: Tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Waseda năm 1982

Quá trình công tác

Năm 1982: Làm việc tại Ngân hàng tín dụng dài hạn Nhật Bản

Năm 1987: Thư ký cho Hạ Nghị sĩ Kishida Fumitake (bố)

Tháng 7-1993: Lần đầu trúng cử Hạ nghị sĩ (đến nay đã trúng cử 10 kỳ)

Năm 1997: Trưởng Ban Thanh niên, đảng Dân chủ Tự do (LDP)

Năm 1999: Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Nội các Obuchi lần 2)

Năm 2000: Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Nội các Mori)

Năm 2001: Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, KHCN (Nội các Koizumi)

Năm 2005: Chủ tịch Ủy ban Y tế, Lao động, Phúc lợi xã hội, Hạ viện

Tháng 8-2007 đến 8-2008: Quốc Vụ khanh phụ trách Okinawa và Lãnh thổ Phương Bắc, Chính sách chất lượng cuộc sống, Khoa học và Công nghệ và Cải cách quy chế, Sáng kiến "Tái thử thách" (Nội các Abe lần 1 và Nội các Fukuda)

Năm 2008: Bộ trưởng phụ trách vấn đề người tiêu dùng (Nội các Fukuda); Bộ trưởng phụ trách Phát triển vũ trụ (Nội các Fukuda)

Năm 2011 - 2012: Chủ tịch Ủy ban Đối sách Quốc hội, đảng LDP

Tháng 12-2012 đến 7-2017: Bộ trưởng Ngoại giao (Nội các Abe lần 2 và 3)

Tháng 7 đến 8-2017: Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Quốc phòng

Tháng 8-2017 đến 9-2019: Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách, đảng LDP.

Tháng 9-2021: Chủ tịch đảng LDP

Tháng 10-2021: Thủ tướng thứ 100 (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao)

Ngày 10-11-2021 đến nay: Thủ tướng thứ 101 của Nhật Bản

*Hiện ông Kishida vẫn đang là Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt.

Dương Ngọc - Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên