xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở lối áp sát vắc-xin Covid-19

XUÂN MAI

Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch cung cấp vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam sau khi nhận được lời đề nghị

Nghị sĩ Masahisa Sato hôm 5-6 cho biết chính phủ Nhật Bản đang đàm phán với Việt Nam về việc hỗ trợ vắc-xin Covid-19.

Theo đài NHK, Nhật Bản muốn gửi vắc-xin cho Việt Nam sớm nhất là trong tháng này không cần thông qua khuôn khổ phân phối quốc tế, bước đi mà các quan chức Tokyo cho rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Theo báo Japan Times, Nhật Bản dự kiến cung cấp loại vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển). Trước đó, Reuters cho biết Nhà Trắng hôm 3-6 công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vắc-xin ngay trong tháng này cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo kế hoạch chi tiết, Mỹ sẽ cung cấp gần 19 triệu liều cho COVAX, chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX của Liên Hiệp Quốc. Thông qua COVAX, khoảng 7 triệu liều sẽ được bàn giao cho khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Các nước tham gia COVAX đến nay đã hỗ trợ 150 triệu liều nhưng chương trình này vẫn thiếu ít nhất 200 triệu liều. Ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho rằng các quốc gia giàu có cần khẩn trương cung cấp nhiều vắc-xin hơn nữa cho COVAX để bù đắp lỗ hổng từ sự chậm trễ trong sản xuất và gián đoạn nguồn cung.

Theo ông Aylward, một vấn đề đáng lo ngại là dù các nước cam kết chia sẻ vắc-xin nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số đó được phân phối trong vòng 3 tháng tới, khoảng thời gian được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Mở lối áp sát vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế kiểm tra trước khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Buenos Aires - Argentina hôm 4-6 Ảnh: REUTERS

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một số nước và vùng lãnh thổ đang đẩy mạnh sản xuất vắc-xin nước ngoài tại các cơ sở trong nước.

Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan (Trung Quốc) Chen Shih-chung hôm 5-6 cho biết hòn đảo này đang thảo luận với các công ty Mỹ để sản xuất vắc-xin, sau động thái tương tự với các công ty châu Âu. Song song đó, Đài Loan cũng đặt hàng 5 triệu liều vắc-xin của Công ty Moderna (Mỹ) và 10 triệu liều từ Công ty AstraZeneca (Anh - Thụy Điển).

Tại Thái Lan, Siam Bioscience, hãng dược thuộc sở hữu của Hoàng gia Thái Lan, bắt đầu sản xuất vắc-xin của hãng AstraZeneca để phục vụ nhu cầu trong nước. Hôm 4-6, Bộ Y tế Thái Lan cho biết đã nhận 1,8 triệu liều vắc-xin AstraZeneca được sản xuất nội địa đầu tiên và số vắc-xin này sẽ được triển khai trong hoạt động tiêm chủng hàng loạt vào ngày 7-6 tới.

Tương tự, Tổng thống Argentina Alberto Fernández hôm 4-6 xác nhận vắc-xin Sputnik V của Nga sắp được sản xuất hàng loạt ở nước ông. Tuyên bố được đưa ra khi ông Fernández cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi lễ khởi động dây chuyền sản xuất vắc-xin Sputnik V ở Argentina thông qua video trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF).

Công ty dược phẩm địa phương Laboratorios Richmond SA, có trụ sở tại Buenos Aires, sẽ bắt đầu sản xuất sớm nhất có thể. Ông Marcelo Figueiras, chủ tịch của Laboratorios Richmond SA, hy vọng nhà máy sớm sản xuất lên đến 500.000 liều Sputnik V mỗi tuần nhưng cho biết điều này phụ thuộc vào lượng hoạt chất do Nga gửi đến. Argentina là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên phê duyệt Sputnik V vào tháng 12 năm ngoái.

Cũng phát biểu trong buổi lễ trực tuyến cùng ngày, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết nước này bắt đầu sản xuất 4 triệu liều Sputnik V. Theo Đài truyền hình Serbia (RTS), những liều vắc-xin Sputnik V đầu tiên do Viện Virus, vắc-xin và Huyết thanh Serbia sản xuất sẽ được phân phối đến các điểm tiêm chủng trên khắp nước này trong vòng 10 ngày.

Sau Belarus, Serbia là quốc gia châu Âu thứ hai ngoài Nga sản xuất Sputnik V. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết vắc-xin Sputnik V sản xuất tại Serbia và Argentina sẽ đáp ứng nhu cầu ở 2 nước này trước khi xuất khẩu.

Phát biểu tại SPIEF hôm 4-6, Tổng thống Putin thông tin nước này có kế hoạch cung cấp gói tiêm phòng tính phí cho du khách nước ngoài đến Nga. Trong khi đó, chứng kiến nhu cầu của hàng ngàn người trong khu vực, một số công ty Mỹ Latin đã triển khai các gói "du lịch tiêm phòng" cho những hành khách muốn sang Mỹ tiêm vắc-xin Covid-19. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo