xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Máy điều hòa sắp hết thời?

GIA HÒA

Các nước châu Á vẫn chậm đón nhận những giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường

Máy điều hòa nhiệt độ đang là thiết bị không thể thiếu trong nhiều ngôi nhà khắp châu Á. Tuy nhiên, một số công ty kiến trúc đang thăm dò những phương thức khác để giúp con người vừa sống trong môi trường mát mẻ vừa không phải trả quá nhiều tiền điện như khi dùng sản phẩm nói trên.

Kiến trúc sinh khí hậu

“Điều quan trọng đối với mọi thiết kế nhà ở hiện đại là kết hợp những yếu tố tận dụng khí hậu sinh học. Trong bối cảnh nhu cầu nhà cửa không ngừng gia tăng và dân số ngày càng đông đúc tại đô thị, cần bảo đảm sự gia tăng này không thúc đẩy việc sử dụng năng lượng và nước sạch” - Giám đốc Myles McCarthy của Công ty Nghiên cứu và Cố vấn Carbon Trust (Anh) nhận định với đài CNN. Trong nỗ lực giải bài toán khó này, Công ty T3 Architecture Asia (có văn phòng đặt tại Việt Nam và Pháp) chọn hướng phát triển theo lối kiến trúc sinh khí hậu. Bằng cách tận dụng địa hình, thời tiết cũng như cây cối, đội ngũ thiết kế của công ty này khéo léo chọn hướng nhà, giúp tạo ra môi trường thoải mái tự nhiên bên trong nhà.

T3 Architecture Asia đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới để xây khu nhà ở giá rẻ và thân thiện với môi trường cho 350 hộ gia đình ở TP HCM. Không căn hộ nào cần tới máy điều hòa nhiệt độ dù thời tiết nóng. Ông Charles Gallavardin, Giám đốc của T3 Architecture Asia, cho rằng không cần chi tiền cho điều hòa không khí, thậm chí là ở những nơi có khí hậu nóng, miễn là công trình được thiết kế hợp lý.

Điều này được thể hiện tại khu nhà trên, nơi có hành lang ngoài trời, mái che thông gió, vật liệu sợi thủy tinh cách nhiệt và các vật liệu tự nhiên. Thiết kế này nhằm bảo đảm các ngôi nhà có sự thông gió và ánh sáng tự nhiên. “Chúng tôi cố gắng tránh sử dụng những tấm cửa kính lớn làm mặt tiền hướng về phía Đông hoặc Tây. Vì như vậy, căn nhà sẽ không khác gì một cái lò nướng trong điều kiện khí hậu nóng bức ở vùng nhiệt đới” - ông Gallavardin nói.


Dự án nhà của T3 Architecture Asia tại TP HCMẢnh: T3 ARCHITECTURE ASIA

Dự án nhà của T3 Architecture Asia tại TP HCMẢnh: T3 ARCHITECTURE ASIA

Đủ kiểu xanh hóa

Nhìn chung, ông Gallavardin đánh giá các nước châu Á chậm đón nhận những giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường. “Điều tôi thấy ở đa số nước châu Á là họ chuộng xu hướng xanh hóa. Họ đặt cây xanh ở mặt tiền khu nhà, lắp thêm tấm pin năng lượng mặt trời và gọi đó là tòa nhà xanh. Thế nhưng, đó không hẳn là một tòa nhà xanh đúng nghĩa. Trong một số trường hợp, nó còn phản tác dụng” - ông Gallavardin nhận xét.

Điều đáng khích lệ là kiểu kiến trúc sinh khí hậu đang được thử nghiệm ngày càng nhiều trên thế giới. Chẳng hạn như công trình Biophilic Boarding House của Công ty Andyrahman Architect (Indonesia) được đánh giá cao vì những bức tường có lỗ thông khí, giúp giữ mát ngôi nhà trong điều kiện nhiệt đới ở TP Surabaya. Trong khi đó, Công ty Perkins & Will (Mỹ) cũng áp dụng giải pháp sinh khí hậu cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thượng Hải ở Trung Quốc. Công trình này vừa cung cấp điều hòa không khí cho những khu vực trưng bày để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật vừa có cửa sổ tự động và giếng trời để thông gió cho các khu vực khác. Nhờ vậy, bảo tàng tiết kiệm được 15% năng lượng tiêu thụ so với một bảo tàng được thiết kế theo kiểu truyền thống.

Ấn tượng không kém là thiết kế sử dụng tro núi lửa, sợi cây xương rồng lê gai, tường thạch cao cách nhiệt, đất sét… của kiến trúc sư Bart Conterio ở Ý. Căn nhà được xây nhằm giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Nội thất làm từ những vật liệu không sử dụng phụ gia hóa chất, nhựa hay dung môi. Chưa kể màu sắc của ngôi nhà nằm trên bờ biển Địa Trung Hải này rất phù hợp với môi trường biển.

Còn tại Morocco, Công ty Kiến trúc Philippe Barriere xây dựng ngôi nhà thân thiện với môi trường để triển lãm các tác phẩm nghệ thuật. Những tiêu chuẩn của khu nhà sinh khí hậu được áp dụng như hiên râm mát, hệ thống năng lượng mặt trời thụ động, thông gió chéo... Cũng với tiêu chí xanh hóa, kiến trúc sư người Pháp Patrice Bideau xây dựng căn nhà kết hợp với hồ bơi không sử dụng hóa chất, khu vườn, sử dụng chất liệu cách nhiệt nhằm đạt được hiệu quả thân thiện môi trường.

Tốn nhiều năng lượng

Các hệ thống sưởi ấm và làm mát đang “ngốn” đến 40% lượng năng lượng tiêu thụ của toàn thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) ước tính đến năm 2050, nhu cầu về máy điều hòa không khí ở châu Á chiếm đến 80% nhu cầu của thế giới. “Tại những vùng ngoại ô ở Nam Á và Đông Nam Á, máy điều hòa nhiệt độ vẫn còn hiếm. Tuy nhiên, thiết bị này đang được sử dụng nhiều ở các đô thị, góp phần làm lượng điện tiêu thụ tăng vọt tại đó” - nhà nghiên cứu Marlyne Sahakian của Trường ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) lo ngại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo