xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Máu loang ở quần đảo Falkland

NGÔ SINH

Argentina và Vương quốc Anh khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1990 nhưng không nước nào thay đổi lập trường về chủ quyền đối với quần đảo Falkland

Thủ tướng Anh Theresa May vừa kêu gọi Argentina bàn bạc chuyện thực hiện nhiều chuyến bay hơn đến quần đảo Falkland, hiện do Anh cai quản, đồng thời dỡ bỏ các quy định hạn chế về việc thăm dò dầu mỏ trong khu vực - theo báo The Guardian đưa tin hôm 10-8.

Đàm phán không kết quả

Quần đảo Falkland nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Argentina 483 km, là một lãnh thổ hải ngoại tự chủ của Liên hiệp Anh và Bắc Ireland nhưng Argentina vẫn tuyên bố chủ quyền. Anh khẳng định chủ quyền Falkland từ năm 1690 và họ đã nắm chủ quyền thực tế đối với quần đảo này gần như liên tục từ năm 1833. Argentina từ lâu cũng đã tranh chấp chủ quyền với người Anh và đã nắm quyền kiểm soát quần đảo này trong một thời gian trước năm 1833.

Argentina cho rằng nước này có chủ quyền với Falkland (họ gọi là Malvinas) vì được thừa hưởng từ quốc vương Tây Ban Nha vào đầu những năm 1800. Khẳng định chủ quyền của Argentina còn dựa trên cơ sở sự gần gũi về không gian của quần đảo này với lục địa Nam Mỹ. Còn Anh dựa vào quyền quản lý Falkland lâu đời và theo nguyên tắc tự quyết của cư dân quần đảo vốn gần như tất cả đều có nguồn gốc Anh.


Anh và Argentina tranh chấp chủ quyền ở Falkland bất chấp quyền tự quyết của cư dân quần đảo này. Ảnh: MERCO PRESS

Anh và Argentina tranh chấp chủ quyền ở Falkland bất chấp quyền tự quyết của cư dân quần đảo này. Ảnh: MERCO PRESS

Theo đài BBC, Falkland được phát hiện vào những năm 1500. Sau đó, năm 1690, một thuyền trưởng người Anh được coi là người đầu tiên đặt chân lên đây. Từ đó, Pháp và Anh đưa người đến Falkland sinh sống.

Anh khẳng định chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Falkland năm 1765, trong khi Pháp chuyển giao khu định cư của mình cho Tây Ban Nha năm 1767. Dù không còn định cư ở đây từ năm 1774 vì lý do kinh tế, người Anh chưa bao giờ từ bỏ sự khẳng định chủ quyền của mình. Trong khi đó, Tây Ban Nha rời bỏ Falkland năm 1811 khi rút đơn vị đồn trú của mình về lục địa Nam Mỹ để hỗ trợ đàn áp các cuộc nổi loạn, bỏ mặc quần đảo hoang vắng cho các tàu thuyền đánh cá của người Anh và người Mỹ tình cờ ghé qua.

Năm 1820, Argentina mới giành độc lập đã tuyên bố chủ quyền ở Falkland và sau đó xây dựng khu định cư. Vương quốc Anh thiết lập quyền kiểm soát ở đây năm 1833 nhờ đã tuyên bố chủ quyền trước và họ đã đánh đuổi đơn vị đồn trú Argentina đi. Sau đó, hầu hết cư dân Argentina đã dần dần rời khỏi Falkland và những người Anh đến định cư sau này là số dân thường trú đầu tiên trên quần đảo.

Argentina tiếp tục khẳng định chủ quyền và đã “làm dữ” vào thập kỷ 1960. Năm 1965, Liên Hiệp Quốc xác định vùng lãnh thổ này là một “vấn đề thuộc địa” và kêu gọi cả 2 quốc gia thương lượng tìm giải pháp. Thế nhưng, các cuộc đàm phán suốt hơn 17 năm đã không thể giải quyết được vấn đề này.

Mời Giáo hoàng hòa giải

Cuộc tranh chấp leo thang năm 1982 khi Argentina xâm lấn Falkland nhằm thiết lập chủ quyền. Cuộc xung đột nổ ra, kéo dài 74 ngày và kết thúc với sự kiện Argentina đầu hàng ngày 14-6-1982, trả lại quyền kiểm soát cho Vương quốc Anh. Chiến tranh Falkland làm 649 binh sĩ Argentina, 255 binh sĩ Anh và 3 cư dân quần đảo thiệt mạng. Nói chung, cư dân Falkland đương thời thích thuộc về Anh hơn và họ đã có được quốc tịch Anh theo đạo luật 1983 sau khi nước này chiến thắng trong cuộc chiến.

Cuộc xung đột trên là giai đoạn chính trong cuộc đối đầu kéo dài về chủ quyền ở quần đảo Falkland, có tác động mạnh với cả 2 quốc gia và là chủ đề của nhiều cuốn sách, bộ phim, ca khúc, bài báo… Mối quan hệ giữa Anh và Argentina được phục hồi năm 1989 sau cuộc gặp gỡ ở Madrid - Tây Ban Nha với tuyên bố chung của 2 chính phủ.

London và Buenos Aires khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1990 nhưng Falkland vẫn tiếp tục là một điểm nóng, 2 bên vẫn bất đồng về quyền quản lý các chuyến bay đến quần đảo này và quyền đánh cá tại đây. Theo báo The New York Times, không nước nào thay đổi lập trường rõ ràng về chủ quyền đối với Falkland. Thậm chí, năm 1994, Argentina còn đưa tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này vào hiến pháp.

Sau hội nghị thường niên ở New York - Mỹ của Ủy ban Phi thực dân hóa Liên Hiệp Quốc năm 2013 - vốn kêu gọi Anh và Argentina thương thuyết, cả 2 bên đã tỏ rõ quan điểm của mình. Anh nhấn mạnh bất kỳ cuộc thương thuyết nào đều phải có mặt đại diện quần đảo Falkland nhưng Argentina đã bác bỏ điều kiện này.

Tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman lúc đó đã bác bỏ luận điểm của Anh cho rằng Buenos Aires không có quyền trên quần đảo Falkland. Ông Timerman cũng chế giễu lập trường của người Anh về sự tham gia các cuộc đàm phán của người đại diện quần đảo.

Hơn 30 năm sau khi người Argentina chiếm đóng Falkland và các lực lượng Anh tái chiếm, cuộc tranh chấp giữa 2 nước lại leo thang căng thẳng. Cuộc tranh chấp này dường như đã trở nên căng thẳng hơn khi Anh phản đối ý tưởng mời Giáo hoàng Francis, người Argentina, hòa giải và phía Argentina bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý tháng 3-2013 với kết quả cư dân quần đảo muốn tiếp tục thuộc về Anh.

Đối đầu liên tục

Năm 2009, cuộc tranh chấp lại được khơi dậy và vào tháng 5, Anh bác bỏ đề nghị đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo Falkland từ Argentina. Tháng 12 năm đó, quốc hội Argentina thông qua đạo luật tuyên bố chủ quyền đối với Falkland và dĩ nhiên, Anh đã bác bỏ. Tháng 2-2010, căng thẳng dâng cao hơn khi một công ty Anh bắt đầu thăm dò dầu mỏ gần vùng biển Falkland.

Cuối năm 2011, chính phủ Argentina gia tăng áp lực lên phía Anh bằng cách thuyết phục các thành viên khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur không cho phép tàu thuyền treo cờ Falkland đi qua cảng nước họ. Đầu năm 2012, Anh điều động tàu khu trục mới nhất HMS Dauntless tuần tra bờ biển Falkland. Đáp lại, Argentina chính thức đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc kiện Anh quân sự hóa khu vực này. Gần đây, đầu năm 2016, tân chính phủ Argentina đã cam kết thúc ép Anh trả lại Falkland.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-8

Kỳ tới: Quan hệ Ấn - Pakistan về đâu?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo