xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại thêm thảm kịch máy bay

LỤC SAN

Nhiều ý kiến khác nhau chung quanh chuyện có xảy ra nổ trước khi máy bay A321 rơi hay không

Nhà chức trách Nam Sudan hôm 4-11 xác nhận một máy bay vận tải An-12, do Nga sản xuất, bị rơi không bao lâu sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Juba của nước này.

Rơi trúng ngư dân

Theo thông tin ban đầu, sau khi cất cánh, phi hành đoàn đã quyết định quay trở lại sân bay vì máy bay hỏng hóc. Báo South Sudan Tribune dẫn nguồn tin từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Nam Sudan cho biết máy bay An-12 có thể rơi do chở quá tải hoặc trục trặc kỹ thuật.

Hiện trường vụ rơi máy bay vận tải An-12 ở Nam Sudan Ảnh: REUTERS
Hiện trường vụ rơi máy bay vận tải An-12 ở Nam Sudan Ảnh: REUTERS

Một phần đuôi máy bay và các mảnh vỡ khác nằm vương vãi dọc theo 2 bờ sông Nile Trắng, chỉ cách đường băng sân bay Juba 800 m, theo đài RT (Nga). Người phát ngôn của tổng thống Nam Sudan, ông Ateny Wek Ateny, cho biết máy bay chở tổng cộng 18 người, bao gồm 12 hành khách người Nam Sudan và 6 thành viên phi hành đoàn (5 người Armenia và 1 người Nga). Ba hành khách may mắn sống sót, trong đó có 1 em bé. Ông này cũng xác nhận máy bay gặp nạn thuộc về hãng hàng không địa phương Allied Services Limited.

“Con số này do tháp không lưu địa phương chuyển cho chúng tôi” - ông Ateny trả lời Reuters. Trước đó, các nhân chứng nói với Reuters rằng họ đếm được 41 thi thể nạn nhân tại hiện trường. Khi được hỏi về điều này, ông Ateny cho hay có thể có người chết trên mặt đất nhưng không biết chính xác. Reuters cũng dẫn lời một cảnh sát có mặt tại hiện trường nói máy bay đã rơi xuống gần khu vực các ngư dân đang làm việc và chưa rõ có bao nhiêu người trên mặt đất thiệt mạng. Theo báo MK (Nga), thư ký báo chí Đại sứ quán Nga ở Nam Sudan và Bộ Ngoại giao Nga đang kiểm tra thông tin về vụ tai nạn.

Trong khi đó, theo báo KP, các công ty Nga vận chuyển hàng hóa ở châu Phi khẳng định máy bay bị nạn ở Nam Sudan không thuộc quyền quản lý của họ. Cố vấn Bộ trưởng Giao thông Nga, bà Zhanna Terekhova, xác nhận chiếc máy bay không có tên trong danh sách của Cơ quan Hàng không Nga, còn phi hành đoàn là những người làm thuê, theo hãng tin RIA Novosti. Theo dữ liệu trên các diễn đàn hàng không, chiếc An-12 xấu số hoạt động ở thành phố cảng Magadan (hiện thuộc Nga) từ thời Liên Xô. Từ năm 1996-2002, nó nằm lưu kho, sau đó 1 công ty hàng không ở đảo quốc São Tomé và Príncipe (nằm giữa Đại Tây Dương) mua về. Từ năm 2007-2014, nó hoạt động ở Armenia và Công ty Asia Airways của Tajikistan đã mua lại năm ngoái.

Nổ hay không?

Thảm kịch trên xảy ra 4 ngày sau vụ rơi máy bay Nga ở bán đảo Sinai - Ai Cập làm 224 người thiệt mạng. Giữa Nga và Ai Cập đang có bất đồng khi Cairo bác bỏ tuyên bố của giới chức Nga rằng chiếc máy bay A321 số hiệu 7K9268 đã bị vỡ tung trên không trung trước khi rơi xuống đất. Một chuyên gia Ai Cập khẳng định các thi thể nạn nhân cũng không có dấu hiệu cho thấy có sự tác động từ bên ngoài. Nhận định trên đi ngược lại khẳng định trước đây của giới chức hãng hàng không Kogalymavia, theo đó chỉ có “yếu tố bên ngoài” mới có thể làm máy bay rơi.

Thêm vào đó, tình trạng thương tích của các nạn nhân cũng gây tranh cãi, nhất là khi chưa có thông tin chính thức. Một nguồn tin ở Sinai tiết lộ với đài CNN rằng hầu hết thi thể không có vết bỏng lớn nào còn theo hãng tin Tass (Nga), các xét nghiệm sơ bộ trên thi thể các nạn nhân không phát hiện dấu vết chất nổ. Thế nhưng, ông David Soucie, cựu điều tra viên của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, cho rằng điều đó không loại bỏ khả năng 1 vụ nổ đã xảy ra.

Ngoài ra, báo Telegraph dẫn lời “một bác sĩ Ai Cập đã kiểm tra phân nửa thi thể nạn nhân” cho biết khoảng 1/5 số thi thể này bị bỏng nặng trước khi chết. Qua đó, ông cho rằng một đám cháy đã bùng phát trong khi máy bay vẫn còn trên không nhưng không thể kết luận nguồn gốc ngọn lửa. Tuy nhiên, theo đài Russia 24, đuôi của máy bay A321 - được tìm thấy cách các mảnh vỡ khác khoảng 5 km - không có dấu vết bị lửa đốt cháy.

Bà Mary Schiavo - nhà phân tích hàng không của đài CNN, cựu tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ - nhấn mạnh khoảng cách của đuôi máy bay với các mảnh vỡ khác hé lộ nó đã bị tách rời khỏi máy bay trước khi vụ nổ xảy ra và trước khi lửa bùng cháy. Bà Schiavo nhận định có gì đó không ổn với công tác sửa chữa sau khi phần đuôi chiếc A321 va chạm với đường băng lúc nó hạ cánh xuống Cairo năm 2001. “Việc sửa chữa tồi không khác gì kích hoạt quả bom hẹn giờ và nó có thể làm rơi máy bay sau đó 2 thập niên” - bà nói.

Tiếp tục tìm kiếm

Trong lúc phía Ai Cập công bố kết thúc tìm kiếm tại hiện trường vụ rơi máy bay thì lực lượng cứu hộ Nga tiếp tục lục tung khu vực này. Báo Vzglyad ngày 4-11 đưa tin Nga mở rộng khu vực tìm kiếm ra 40 km2. Với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, nhân viên Bộ Các Tình huống khẩn cấp Nga sẽ lùng sục từng mét đất nhằm thu nhặt mọi phần thi thể nạn nhân, vật dụng cá nhân của họ và mảnh vỡ máy bay. Trong một diễn biến khác, 2 nhóm có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng công bố 1 đoạn băng video và 1 đoạn ghi âm mới nhận trách nhiệm vụ A321 rơi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo