xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

Thu Hằng

GDP quý III/2015 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009

Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 19-10 chứng kiến sự sụt giảm, các thị trường khác ở châu Á cũng khá ảm đạm sau khi nền kinh tế số 2 thế giới công bố mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Trung Quốc - Shanghai Composite - khép lại phiên giao dịch với mức giảm 0,1%, trong khi chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm 0,9%, còn các chỉ số S&P/ASX 200 (Úc) và Kospi (Hàn Quốc) không biến động.

Sáng cùng ngày, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố GDP quý III/2015 chỉ tăng trưởng 6,9% càng củng cố thêm những nghi ngại của giới phân tích về khả năng Bắc Kinh đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay.

Dù con số vừa công bố là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 2009 - thời điểm diễn ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu - nhưng vẫn cao hơn mức 6,8% được giới chuyên gia quốc tế dự báo trước đó.

Ông Yusuke Sakai, chuyên gia cấp cao của Công ty T&D Asset Management, nhận định dù con số này “không đến nỗi nào nhưng vẫn không thể xua tan những lo ngại về kinh tế Trung Quốc”.

 

Kinh tế Trung Quốc vẫn đang èo uột Ảnh: THX
Kinh tế Trung Quốc vẫn đang èo uột Ảnh: THX

 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cấp cao Lưu Lợi Cương của Ngân hàng ANZ Banking Group cảnh báo kinh tế Trung Quốc vẫn đang èo uột với nhiều nguy cơ chưa được giải quyết. “Chúng ta không nên lạc quan thái quá. Tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống” - ông Lưu nhấn mạnh, đồng thời dự báo GDP Trung Quốc cả năm 2015 sẽ chỉ đạt 6,4%.

Theo NBS, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 9-2015 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này trong tháng 8 là 6,1%. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm 2015 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2000.

Sự sụt giảm của những dữ liệu nêu trên cũng phản ánh diễn biến đáng thất vọng trong hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư của Trung Quốc. Theo chiến lược gia thị trường của Tập đoàn Tài chính IG (Anh) Evan Lucas, kết quả này cho thấy Bắc Kinh đang chi tiêu nhiều hơn bình thường để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Điều này không giúp ích gì nhiều cho các nền kinh tế bên ngoài Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào cuối tuần rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ thừa nhận giới lãnh đạo nước này đang lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế số 2 thế giới. “Là một nền kinh tế liên hệ mật thiết với các thị trường quốc tế, Trung Quốc không thể miễn nhiễm với sự ì ạch của kinh tế toàn cầu” - ông nhận định.

Lời thừa nhận hiếm hoi này được đưa ra trước khi ông Tập Cận Bình lên đường bắt đầu chuyến công du 4 ngày tại Anh hôm 19-10. Báo Guardian của Anh đưa tin trong chuyến thăm đầu tiên tới xứ sở sương mù trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Tập mang theo hàng chục tỉ USD với các kế hoạch đầu tư thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương 2 nước.

 

Đâu đâu cũng thấy tham nhũng

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) vào cuối ngày 18-10 công bố báo cáo mới cáo buộc một số quan chức hàng không cấp cao sử dụng tiền công sai mục đích, nhận hối lộ và quà tặng trái phép.

Cụ thể, các quan chức Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) dùng tiền công ty để trang trải các chuyến đi nước ngoài không cần thiết và chi tiêu vào chuyện riêng. Trong khi đó, một số “sếp” tại Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) nhận hối lộ, tiền lại quả từ nhà cung cấp hoặc đi nghỉ mát, chơi golf bằng tiền công ty. Theo hãng tin Reuters, hành vi nhận hối lộ cũng bị CCDI phát hiện tại Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, các hãng hàng không China Eastern Airlines và Air China.

Báo cáo cũng nêu những sai phạm tại Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) và tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. CCDI cho biết đang điều tra 3 quan chức NDRC bị nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - một uyển ngữ ám chỉ tội tham nhũng. Trong khi đó, tờ Nhân Dân Nhật báo bị cáo buộc dùng tiền ngân sách sai mục đích và bưng bít thông tin để đổi lại các khoản hối lộ. “Một số văn phòng đại diện sử dụng tiền ngân sách dành cho tờ báo để kiếm lợi từ những dự án phát triển. Một số văn phòng khác nhận tiền hối lộ để đăng hoặc che đậy thông tin hay dùng thông tin để tống tiền” - báo cáo của CCDI cho biết nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Phương Võ

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo