xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kích hoạt cuộc chiến chống tin giả

HUỆ BÌNH - XUÂN MAI

Singapore là quốc gia mới nhất gia nhập chiến dịch chống tin giả toàn cầu trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter và Google bị chỉ trích vì ngăn chặn tin giả chưa hiệu quả

"Đạo luật chống tin giả và thao túng trên mạng" được trình lên quốc hội Singapore vào tối 1-4 (giờ địa phương) và dự kiến trở thành luật sau 1-2 tháng.

Nhiều nước siết luật chống tin giả

Dự luật nói trên cho phép chính phủ ra lệnh gỡ bỏ những nội dung không chính xác đăng tải trên các mạng xã hội, tổ chức truyền thông hoặc cá nhân. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà chức trách sẽ quyết định khi nào nên có hành động trước nội dung bị xem là giả mạo. Theo tờ The Straits Times (Singapore), trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, những người truyền bá thông tin sai lệch trên mạng có mục đích gây tổn hại đến lợi ích công có thể đối mặt án tù lên đến 10 năm và bị phạt 738.500 USD theo dự luật mới nói trên.

Sau khi dự luật được công bố, Facebook thể hiện sự đồng tình với chính phủ Singapore "về cam kết giảm sự lan truyền của thông tin giả có chủ đích trên mạng". Những rắc rối mà Facebook gặp phải bắt đầu từ năm ngoái sau khi Công ty Tư vấn chính trị Cambridge Analytica có trụ sở ở Anh bị phát hiện lợi dụng trang mạng của Facebook để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Kênh CNBC dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Singapore K. Shanmugam cho hay trong các cuộc trao đổi với chính phủ Singapore, nhiều công ty công nghệ bày tỏ mong muốn được thẳng tay xóa thông tin giả khỏi trang web của họ, thay vì đăng cải chính theo yêu cầu của chính phủ.

Nỗ lực nhiều năm trong cuộc chiến chống tin giả trên mạng, Singapore được kỳ vọng cứng rắn hơn so với Malaysia - quốc gia đã bãi bỏ luật chống tin giả chỉ vài tháng sau khi ban hành vào tháng 4-2018. Nội dung Đạo luật chống tin giả ở Malaysia bị cho là quá rộng, hình sự hóa cả hành vi làm tin giả và hành vi chia sẻ tin giả, bất kể người chia sẻ có biết đấy là tin giả hay không. Bên cạnh đó, đạo luật còn bị chất vấn về thời điểm ban hành, chỉ khoảng một tháng ngay trước kỳ bầu cử ở Malaysia diễn ra vào tháng 5-2018 và lúc chính phủ bị bủa vây trong các cáo buộc tham nhũng.

Cùng nỗi lo nguy cơ tin giả tác động đến cuộc bầu cử, vào cuối tháng 6-2017 (trước kỳ bầu cử ở Đức vào tháng 9 cùng năm), Đức đã ban hành Đạo luật chế tài mạng internet (NetzDG), yêu cầu các mạng xã hội (MXH) phải gỡ bỏ các "nội dung trái luật" nếu không muốn bị phạt số tiền lên đến 50 triệu euro. Để thực thi luật này, các trang MXH hoạt động tại Đức như Facebook, Google hay Twitter buộc phải thuê thêm hàng ngàn nhân viên kiểm tra các nội dung có khả năng vi phạm luật. Chính phủ Singapore được cho là xem NetzDG của Đức như một hình mẫu chống tin giả.

Kích hoạt cuộc chiến chống tin giả - Ảnh 1.

Singapore thực hiện chiến dịch chống tin giả cứng rắn nhằm ngăn truyền bá thông tin sai lệch có mục đích gây tổn hại đến lợi ích công Ảnh: The Straits Times

Facebook "lên nòng" chống tin giả

Trước áp lực ngày càng tăng từ khắp nơi trên thế giới về việc MXH lớn nhất hành tinh này bị lạm dụng vào mục đích chính trị và lan truyền thông tin sai lệch, hôm 1-4, Facebook cho biết đã gỡ bỏ 712 tài khoản và 390 trang mạng ở Ấn Độ và Pakistan vì "hành vi không trung thực". Theo hãng tin Reuters, nhiều tài khoản trong số này có liên kết với Đảng Quốc đại (INC) - đảng đối lập chính của Ấn Độ - và quân đội Pakistan chỉ vài ngày trước khi cuộc tổng tuyển cử bắt đầu ở Ấn Độ.

Đây được xem là động thái hiếm hoi của Facebook tại quốc gia có hơn 300 triệu người dùng. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các đối thủ chính trị của ông sử dụng tài khoản Facebook chính thức để gửi thông điệp tới hàng triệu người theo dõi thì hàng ngàn trang Facebook chưa được xác minh cũng chia sẻ các bài viết ủng hộ hoặc chỉ trích các chính trị gia. Ông Nathaniel Gleicher, Trưởng Phòng Chính sách an ninh mạng của Facebook, nói với trang Indian Express: "Chúng tôi đang xem xét những trang Facebook cá nhân và tổ chức được thiết kế trông như độc lập nhưng thực chất lại có liên kết với một tổ chức hoặc đảng chính trị cố ý che giấu mối liên hệ này".

Ông Gleicher nói thêm Facebook đã xóa tài khoản dựa trên hành vi chứ không phải nội dung đã đăng. Qua điều tra của Facebook, quản lý cấp cao của MXH này còn phát hiện những cá nhân sử dụng các tài khoản giả và đăng bài chỉ trích Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi. Hai trong số các mẩu tin được chia sẻ trên Facebook là những bài đăng chỉ trích các sáng kiến của Thủ tướng Modi và kêu gọi ủng hộ Đảng Quốc đại và chủ tịch đảng này là ông Rahul Gandhi.

Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin WhatsApp (thuộc sở hữu của Facebook) hôm 2-4 thông báo sẽ ra mắt dịch vụ cho phép người Ấn Độ kiểm tra tính xác thực của thông tin. WhatsApp đang hợp tác với công ty địa phương Proto để phân loại các tin nhắn được người dùng gửi đến dịch vụ mới trên là đúng hay sai, gây hiểu lầm hoặc tranh cãi. Họ cũng sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu về nội dung như vậy để hiểu rõ hơn về thông tin sai lệch.

Trước đó, hôm 11-3, WhatsApp cũng đã thực hiện bước đi của riêng mình trong nỗ lực giải quyết tin giả, bằng việc chặn mọi tin nhắn được gửi đi cùng lúc cho hơn 5 cá nhân hoặc nhóm. Bà Katie Harbath, Giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan đến chính trị toàn cầu của Facebook, nói với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) về nhóm phụ trách vấn đề bầu cử đã làm việc trong suốt ít nhất 18 tháng tại mỗi quốc gia châu Á trong mùa bầu cử lớn năm nay, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan… Hiện công ty này đã tiến hành các chương trình chống thông tin sai lệch tại Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Pakistan, Thái Lan và Singapore.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn tin giả nói trên. Theo bà Claire Wardle, người đồng sáng lập Tổ chức Nghiên cứu tin giả First Draft (Mỹ), khó khăn trong việc giám sát bầu cử ở châu Á là quy mô. Chuyên gia này lý giải: "Thách thức ở châu Á là số lượng người sử dụng mạng xã hội cao hơn rất nhiều so với khu vực khác. Những khó khăn khác lại đến từ ngôn ngữ". 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo