xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không hiểu nổi ông Duterte

HUỆ BÌNH

Mỹ nói sẽ tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết đối với đồng minh Philippines, hy vọng Manila cũng làm điều tương tự

Giới chức Philippines hôm 21-10 lại phải lên tiếng “nói lại cho rõ” và tìm cách “giảm nhẹ thiệt hại” sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte một ngày trước đó tuyên bố cắt đứt quan hệ với Washington, cả về kinh tế lẫn quân sự.

“Thiếu khôn ngoan”

Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez hôm 21-10 khẳng định Manila vẫn duy trì quan hệ kinh tế và thương mại với Washington nói riêng và phương Tây nói chung. “Tổng thống Duterte không nói về việc cắt đứt (quan hệ với Mỹ)… Tổng thống chỉ nhấn mạnh mong muốn tăng cường hơn nữa các mối quan hệ với Trung Quốc và khu vực ASEAN…” - ông Lopez giải thích, đồng thời cho rằng Manila đang quá phụ thuộc vào một bên. Theo đài CNN, tổng kim ngạch thương mại Mỹ - Philippines vào năm ngoái đạt mức 18 tỉ USD. Các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 4,7 tỉ USD vào Philippines. Lượng kiều hối người Philippines ở Mỹ gửi về quê nhà chiếm gần 1/3 tổng lượng kiều hối (17,6 tỉ USD) từ đầu năm đến giờ.

Trong khi đó, bà Maria Banaag, một quan chức tại văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines, khuyên công chúng đợi hướng dẫn từ chính ông Duterte và Bộ Ngoại giao Philippines trước khi diễn giải tuyên bố “chia tay” Mỹ nói trên. Đài CNN cho biết không ít người dân Philippines bị sốc khi hay tin trên. “Có lẽ tổng thống chỉ nói đùa” - nhân viên bán hàng Marisa Laguitan (59 tuổi) bày tỏ.

Một số chính khách đối lập cũng chỉ trích tuyên bố của ông Duterte. Thượng nghị sĩ Leila De Lima gọi đương kim tổng thống Philippines là “người hoang tưởng” khi xếp mình ngang hàng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario cảnh báo: “Gạt đồng minh tin cậy lâu năm sang một bên để vội vàng ôm chầm lấy một láng giềng hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế là điều vừa thiếu khôn ngoan vừa khó hiểu”.

Đó có lẽ cũng là tâm trạng của giới chức Mỹ. Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Washington sẽ tìm kiếm lời giải thích từ Manila về phát biểu “trái ngược với mối quan hệ rất gần gũi” giữa hai nước mà ông Duterte vừa đưa ra. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Manila, bà Molly Koscina, cũng nhận xét phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines gây ra “sự bất ổn không cần thiết”.

Bà Koscina tái khẳng định Mỹ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết đối với đồng minh Philippines, đồng thời hy vọng phía Manila cũng làm điều tương tự. Đây cũng là cam kết được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra cùng ngày.


Người dân biểu tình ủng hộ chính sách ngoại giao “độc lập” của Tổng thống Rodrigo Duterte tại thủ đô Manila - Philippines hôm 21-10. Ảnh: Reuters

Người dân biểu tình ủng hộ chính sách ngoại giao “độc lập” của Tổng thống Rodrigo Duterte tại thủ đô Manila - Philippines hôm 21-10. Ảnh: Reuters

Tiềm ẩn nguy cơ

Trong lúc này, quan hệ Philippines - Trung Quốc tiếp tục tan băng khi 2 nước ra tuyên bố chung hôm 21-10, theo đó nhất trí không đe dọa hoặc dùng vũ lực trong việc xử lý vấn đề biển Đông. Hai bên cũng đồng ý không để tranh chấp biển Đông cản trở những lĩnh vực khác của quan hệ song phương. Bằng cách đồng ý trở lại bàn đàm phán về biển Đông, Philippines đã nhận được các khoản vay ưu đãi có tổng giá trị 9 tỉ USD. Ngoài ra, hai nước còn ký kết các thỏa thuận kinh doanh trị giá 4,5 tỉ USD, theo trang Inquirer.net.

Đài CNN nhận định tuyên bố “chia tay” Mỹ của ông Duterte không chỉ tiềm ẩn nguy cơ làm gián đoạn quan hệ Mỹ - Philippines mà còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Washington với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được Tổng thống Barack Obama xem là trụ cột trong chiến lược xoay trục của mình. Theo Reuters, có khả năng bước đi của ông Duterte đe dọa cả Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao vốn cho phép Mỹ đồn trú luân phiên tàu, máy bay và nhân viên quân sự tại 5 căn cứ ở Philippines. “Câu hỏi quan trọng lúc này là liệu ông Duterte có ngăn Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự đặt tại Philippines hay không? Nếu có, đây sẽ là đòn mạnh giáng vào Washington” - chuyên gia Robert Manning của Tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương lo ngại.

Nhật Bản lo lắng

Nhật Bản lo ngại việc Philippines xoay trục sang Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh bành trướng hung hăng hơn ở biển Đông, theo tạp chí Nikkei ngày 21-10.

Tạp chí này của Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo đang hợp tác với Washington và nhiều nước khác để gây áp lực buộc Bắc Kinh chấp thuận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hồi tháng 7 qua, trong đó không công nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông. Philippines là bên khởi kiện Trung Quốc nhưng Manila - dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte - lại đang tỏ ra không mấy mặn mà với phán quyết có lợi đó.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 20-10 khẳng định biển Đông là vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và thịnh vượng khu vực. “Chúng tôi muốn hợp tác với các nước khác, bao gồm Philippines, để đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn” - ông Suga tuyên bố. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng với nước này. Theo 3 nguồn tin riêng của Reuters, ông Abe đã lên kế hoạch gặp riêng tổng thống Philippines ở Tokyo vào tuần tới nhằm tìm cách giữ ông Duterte đứng về những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông. Cuộc gặp trên dự kiến diễn ra tại cơ dinh của ông Abe ở Tokyo vào tối 26-10 sau một cuộc gặp mặt lớn và chính thức hơn với các quan chức cấp cao trong phái đoàn của Philippines. Các nguồn tin cho biết thủ tướng Nhật thường không tổ chức một cuộc họp nhỏ hơn kế sau cuộc họp chính thức như thế. Ngoài ra, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cũng sẽ tiếp đón ông Duterte trong một bữa tối thân mật vào ngày 25-10.

Một quan chức chính phủ Nhật cho biết Tokyo muốn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp và tự do hàng hải song nhiều khả năng Thủ tướng Abe sẽ không cố can thiệp vào căng thẳng giữa ông Duterte với Washington hay thảo luận về phán quyết của PCA. Quan hệ đối tác với Philippines vốn là một phần quan trọng trong chiến lược của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Hồi tháng 9, Thủ tướng Abe đã đồng ý cung cấp 2 tàu tuần tra cho Philippines để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển nước này.

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo