24/12/2018 06:32

Indonesia tan nát vì sóng thần

Người dân được khuyến cáo tránh xa bờ biển quanh eo biển Sunda do lo ngại nguy cơ xảy ra một trận sóng thần khác ngày 25-12

Ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương và hàng trăm người mất tích trong vụ sóng thần tấn công bờ biển quanh eo biển Sunda - Indonesia tối 22-12 (giờ địa phương), sau đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau.

Tan hoang

Giới chức trách cho biết cơn sóng thần xuất hiện khoảng 21 giờ 30 phút (giờ địa phương) hôm 22-12 và cảnh báo số thương vong có thể còn tiếp tục tăng. Theo đài BBC, số người chết được ghi nhận tại các khu vực Pandeglang, Lampung và Serang.

Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cho biết hàng trăm tòa nhà bị hư hại, đồng thời cảnh báo người dân tránh xa bờ biển quanh eo biển Sunda do lo ngại về nguy cơ xảy ra một cơn sóng thần khác cũng như tình trạng thủy triều dâng cao còn tiếp tục đến ngày 25-12. Hàng ngàn người dân đã buộc phải sơ tán lên vùng đất cao hơn.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joko Widodo nhanh chóng yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan triển khai các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc cho những người bị thương, đồng thời gửi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân. 

Tuy nhiên, nhiều mảnh vỡ từ nhà cửa hư hại, hàng loạt xe hơi lật úp và cây ngã đổ đã ngăn chặn nhiều con đường khiến lực lượng tìm kiếm cứu hộ gặp khó khăn khi tiếp cận những vùng bị thiệt hại. 

Các thiết bị hạng nặng cũng đang được vận chuyển đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng để tìm kiếm các nạn nhân, song song đó, các trạm trú ẩn và bếp ăn công cộng cũng được thiết lập phục vụ những người sơ tán. Hai nước láng giềng Malaysia và Úc cho biết sẵn sàng hỗ trợ Indonesia sau vụ thảm họa.

Ban đầu, giới chức Indonesia cho rằng đó không phải sóng thần mà là thủy triều dâng cao và kêu gọi người dân bình tĩnh. Sau đó, ông Nugroho viết lời xin lỗi trên mạng Twitter rằng do không xảy ra động đất nên rất khó xác định nguyên nhân vụ việc từ sớm.

Indonesia tan nát vì sóng thần - Ảnh 1.

Thi thể các nạn nhân trong vụ sóng thần được đặt tại một cơ sở y tế ở tỉnh Banten - Indonesia hôm 23-12 Ảnh: REUTERS

Không một cảnh báo

Theo cơ quan địa chất Indonesia, núi lửa Anak Krakatoau có dấu hiệu hoạt động tăng mạnh trong nhiều ngày qua, phun ra những đám tro bụi lên cao hàng ngàn mét. Cơ quan địa chất Indonesia ghi nhận Anak Krakatau thức tỉnh khoảng 16 giờ (giờ địa phương) hôm 22-12 kéo dài khoảng 12 phút phun cột tro cao hàng trăm mét lên trời và phun trào lần nữa ngay sau 21 giờ (giờ địa phương). Theo hãng tin Reuters, khoảng nửa giờ sau khi núi lửa thức tỉnh thì xuất hiện sóng thần.

Giới chức trách cho hay cơn sóng thần bị kích hoạt bởi thủy triều dâng cao bất thường do trăng tròn và trận lở đất dưới đáy biển sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào. Anak Krakatau là một hòn đảo núi lửa nhỏ nổi lên từ đại dương nửa thế kỷ sau vụ núi lửa Krakatau phun trào vào năm 1883 làm chết hơn 36.000 người. 

Ông Nugroho cho biết sự kết hợp giữa các yếu tố trên gây sóng thần ập vào các bãi biển quanh eo biển Sunda, ở Nam Sumatra và mũi phía Tây của đảo Java trong khi cơ quan địa chất Indonesia vẫn tiếp tục xác định diễn biến của thảm họa.

Nhà nghiên cứu núi lửa Jess Phoenix nhận định với đài BBC khi núi lửa thức tỉnh, mắc ma chảy xuống đáy biển phá vỡ lớp đất đá lạnh và châm ngòi vụ lở đất. Cũng theo Trung tâm Thông tin Sóng thần quốc tế, mặc dù tương đối hiếm nhưng các vụ phun trào núi lửa dưới biển vẫn có thể gây ra sóng thần do sự dịch chuyển đột ngột của dòng nước hoặc mất ổn định mái dốc. 

Trong khi đó, ông Ben van der Pluijm, nhà địa chất động đất và là giáo sư tại Trường ĐH Michigan (Mỹ), cho rằng việc núi lửa Anak Krakatau bị "sụp đổ một phần" có thể là nguyên nhân dẫn đến sóng thần. 

Chưa có người Việt bị ảnh hưởng bởi sóng thần ở Indonesia

Thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết ngay sau khi xảy ra trận sóng thần tối 22-12 tại eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào, Đại sứ quán đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Indonesia để tìm hiểu thông tin và được biết chưa ghi nhận thông tin có người Việt Nam bị ảnh hưởng trong thảm họa trên.

Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để nắm tình hình người Việt Nam bị ảnh hưởng (nếu có) nhằm kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết; cập nhật trên cổng thông tin về tình hình và số đường dây nóng để công dân Việt Nam có thể liên hệ khi cần trợ giúp.

Đại sứ quán đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần. Đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán qua đường dây nóng: +62 21 31907165 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân +84981848484.

D.Ngọc

Xuân Mai

Tin liên quan

Viết bình luận

Nga "đáp trả" ICC vì lệnh bắt giữ Tổng thống Putin
20/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Công tố viên và các thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã trở thành mục tiêu của một vụ án hình sự.
Thái Lan giải thể Quốc hội trước tổng tuyển cử tháng 5
20/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã ban hành sắc lệnh hoàng gia về việc giải thể Quốc hội nước này.
Chủ tịch Tập Cận Bình phản ứng vụ 9 người Trung Quốc bị giết ở Trung Phi
20/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi “trừng phạt nghiêm khắc” những kẻ chịu trách nhiệm vụ tấn công ở Cộng hòa Trung Phi khiến 9 người Trung Quốc thiệt mạng và 2 người bị thương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Nga
20/3/2023 548 1k
(NLĐO) – Hãng thông tấn TASS đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow - Nga lúc 12 giờ 59 phút (giờ địa phương).
Trước chuyến thăm Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cách giải quyết xung đột ở Ukraine

Trước chuyến thăm Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cách giải quyết xung đột ở Ukraine

(NLĐO) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tổ chức đối thoại bình đẳng, hợp lý và thực tế như một cách để kết thúc cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine