xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa lớn từ drone

Xuân Mai

Drone có thể làm vỡ kính chắn gió buồng lái, thậm chí gây hỏng động cơ và khiến máy bay hành khách rơi nếu xảy ra va chạm

Sự phổ biến của thiết bị bay không người lái (drone) không chỉ đe dọa sự an toàn của máy bay hành khách mà còn dễ bị bọn khủng bố sử dụng trong các cuộc tấn công chớp nhoáng.

Đe dọa an toàn hàng không

Ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), vừa lên tiếng cảnh báo mối đe dọa của drone nhằm vào máy bay dân sự là “có thật và ngày càng tăng”, nhất là khi con người bắt đầu khám phá những ứng dụng mới tiềm tàng của công nghệ này. “Chúng ta không thể cho phép drone đe dọa sự an toàn của hàng không thương mại. Đây là vấn đề có thật khi chúng tôi nhận được nhiều báo cáo của phi công về việc drone xuất hiện ở những nơi không mong muốn, nhất là khu vực quanh các sân bay” - ông Tyler nhận định tại một sự kiện hàng không ở Singapore gần đây.

Theo kênh Channel NewsAsia (Singapore), IATA lo ngại drone bay ở độ cao thấp gần sân bay có thể đe dọa hoạt động cất cánh, hạ cánh của máy bay thương mại. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần bảo đảm phổ sóng vô tuyến được sử dụng để điều khiển drone không gây nhiễu hệ thống kiểm soát không lưu. Vì thế, ông Tyler kêu gọi nhà chức trách ban hành quy định về drone trước khi có bất kỳ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, đồng thời xử lý những trường hợp gây nguy hiểm cho người khác. Ông Tyler cho biết Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) và các bên có liên quan đang thảo luận để tìm giải pháp cho thực trạng nói trên.

Ông Tyler không chỉ cảnh báo suông bởi Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA) hôm 3-3 cho biết một máy bay Airbus A320 của hãng Air France suýt đụng phải drone ở độ cao 1.500 m khi trong quá trình giảm độ cao để hạ cánh tại sân bay Charles de Gaulle vào ngày 19-2. Trước đó, nhà chức trách hàng không Anh ghi nhận 4 vụ suýt va chạm giữa drone và máy bay dân sự tại các sân bay nước này hồi tháng 1. Hiệp hội Phi công Anh (BALPA) hôm 2-3 đã thúc giục Bộ Giao thông và Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) nước này ủng hộ việc nghiên cứu những hậu quả có thể có khi xảy ra vụ drone đâm vào máy bay hành khách.

 

Sự phổ biến của drone đang đe dọa gây ra không ít hiểm họaẢnh: The Australian
Sự phổ biến của drone đang đe dọa gây ra không ít hiểm họaẢnh: The Australian

 

Trước mắt, BALPA cho rằng drone có thể làm vỡ kính chắn gió buồng lái, thậm chí gây hỏng động cơ và khiến máy bay rơi nếu xảy ra va chạm. Hồi năm 2009, một chiếc máy bay từng bị hỏng 2 động cơ sau khi va chạm đàn ngỗng ở TP New York - Mỹ. Khi đó, phi công đã cho hạ cánh khẩn cấp xuống sông và may mắn cứu sống được tất cả hành khách. Theo BALPA, nếu máy bay trên đâm phải drone, mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn khi thiết bị này sử dụng pin lithium có thể gây cháy nổ trong lúc va chạm.

Vũ khí khủng bố mới?

Bên cạnh mối đe dọa trên, Cơ quan Phân tích tình báo Open Briefing (Anh) còn cảnh báo nguy cơ các tổ chức khủng bố sử dụng drone để thực hiện tấn công ở châu Âu và Mỹ. Theo cơ quan này, chuyện các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda dùng drone tấn công những sự kiện đông người ở phương Tây chỉ còn là vấn đề thời gian nếu nhà chức trách không có hành động nào ngăn chặn chúng.

“IS đang sử dụng drone ở Iraq và Syria thu thập thông tin tình báo để nắm bắt tình hình chiến trường. Chúng đang cạnh tranh trực tiếp với al-Qaeda và nôn nóng thực hiện cuộc tấn công gây thương vong lớn nhằm vào các mục tiêu phương Tây. Một vụ tấn công bằng drone nhắm vào sự kiện thể thao lớn có thể gây hậu quả vô cùng khủng khiếp” - ông Chris Abbott, Giám đốc điều hành Open Briefing, nhận định với trang Daily Beast. Ngoài ra, drone có thể mang vũ khí hóa học, thả thuốc độc để gây ô nhiễm nguồn nước hoặc thả một “quả bom bẩn” chứa phóng xạ.

Theo ông Abbott, khó khăn ở đây là không có một biện pháp riêng lẻ nào có thể ứng phó hiệu quả mối đe dọa này. Thay vào đó, cần có một hệ thống phòng thủ nhiều lớp, khởi đầu từ việc ban hành quy định quản lý, bắt buộc người sở hữu drone đăng ký, hạn chế sử dụng loại drone kích thước lớn và có nhiều tính năng. Sau đó, nhà chức trách cần đưa vào sử dụng những hệ thống có thể cảnh báo sớm một vụ tấn công của drone và gây nhiễu những kênh được dùng để điều khiển thiết bị này. Lớp phòng thủ cuối cùng là những hệ thống có khả năng ngăn chặn và bắn hạ drone.

 

Các nước siết chặt quản lý

Chính phủ Mỹ hồi tháng 12-2015 đã ban hành quy định bắt buộc người chủ sở hữu drone phải đăng ký với Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) trước khi sử dụng. Còn tại Anh, các nhà lập pháp đang đề xuất lập “hàng rào địa lý”, theo đó, những khu vực như sân bay, tòa nhà chính phủ, bến cảng, nhà máy điện hạt nhân, lưới điện… được xem là vùng cấm bay đối với drone. Ngoài ra, mọi drone buộc lắp đặt phần cứng để tự động không đi vào những khu vực cấm này.

Trong khi đó, theo kênh Channel NewsAsia, một đạo luật thông qua ở Singapore hồi năm ngoái quy định người dân phải xin phép nếu muốn sử dụng drone có trọng lượng từ 7 kg trở lên hoặc dùng thiết bị này vào những mục đích thương mại, như chụp hình cưới, khảo sát… Luật còn cấm drone mang những vật liệu nguy hiểm như vũ khí, hóa chất, chất phóng xạ. Người vi phạm có nguy cơ “bóc lịch” đến 5 năm hoặc nộp phạt 71.000 USD hoặc vừa phải ngồi tù vừa bị phạt tiền.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo