xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đằng sau câu chuyện dầu tăng giá

Xuân Mai

Quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ có nguy cơ siết chặt nguồn cung, đẩy giá dầu lên cao gây ra đợt lạm phát mới cho nền kinh tế thế giới

Giá dầu tăng hôm 3-4 sau khi liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm theo cơ chế tự nguyện sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến hết năm nay, trong đó Ả Rập Saudi, nước dẫn đầu OPEC, sẽ giảm 500.000 thùng/ngày.

Trước đó, OPEC+ dự kiến duy trì quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12. Như vậy, với quyết định bất ngờ hôm 2-4, OPEC+ sẽ cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu của toàn thế giới.

Phản ứng với thông báo trên, giá dầu WTI của Mỹ tăng lên 79,69 USD/thùng trong khi dầu thô Brent có lúc tăng lên 84,02 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 3-4.

Ông Vivek Dhar, nhà phân tích năng lượng tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (Úc), cho rằng: "Sự hưởng ứng của các thành viên lớn nhất trong OPEC+ cho thấy việc tuân thủ cắt giảm sản lượng có thể diễn ra mạnh mẽ hơn so với trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc các thị trường dầu mỏ có khả năng chứng kiến khoảng 1% nguồn cung dầu toàn cầu hoặc hơn nữa bị cắt giảm từ tháng 5".

Quyết định cắt giảm sản lượng đẩy giá dầu tăng cao hơn và dự kiến làm tăng giá xăng, gây thêm căng thẳng ở nhiều quốc gia khi giá nhiên liệu cao đang là gánh nặng lớn. Giá dầu tăng cũng sẽ làm phức tạp hơn cho nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Ông Clifford Bennett, nhà kinh tế trưởng tại Nhà môi giới tài chính ACY Securities (Úc), nhận định: "Điều này sẽ tạo ra cả làn sóng chính trị trên khắp châu Âu và lạm phát cao hơn ở Mỹ, dẫn đến áp lực mới đối với Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong việc tiếp tục tăng lãi suất một cách mạnh mẽ".

Đằng sau câu chuyện dầu tăng giá - Ảnh 1.

Các bồn chứa dầu tại nhà máy lọc dầu ở TP Beaumont, bang Texas - Mỹ Ảnh: REUTERS

Theo tờ South China Morning Post, giá dầu tăng cũng có khả năng làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Mỹ, quốc gia đã kêu gọi Ả Rập Saudi và các đồng minh khác tăng sản lượng trong bối cảnh Washington cố hạ giá dầu và siết chặt nguồn thu từ dầu của Nga.

Tổng thống Joe Biden bày tỏ thất vọng trước "quyết định thiển cận của OPEC+" trong khi thế giới vẫn đang chật vật với tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Theo Bloomberg, hồi năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh xả lượng dầu kỷ lục trong kho dự trữ dầu thô chiến lược của Mỹ để giúp giảm giá dầu.

Lý giải cho động thái mới đây, Ả Rập Saudi cho rằng việc giảm sản lượng là biện pháp phòng ngừa nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính việc giảm sản lượng dầu góp phần làm tăng doanh thu từ dầu của Ả Rập Saudi và OPEC+.

Ông Andy Critchlow tại Công ty Phân tích S&P Global Platts (Mỹ) cho rằng quyết định cắt giảm tự nguyện của các thành viên OPEC+ dẫn đến suy đoán rằng Mỹ đang dần đánh mất sự ảnh hưởng của mình ở khu vực đối với các nhà sản xuất dầu lớn trong OPEC như Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, những quốc gia là khách hàng truyền thống của Mỹ.

 Chuyên gia này nhận định không thể xem xét vấn đề này tách biệt với tình hình địa chính trị ở Trung Đông, nơi đang chứng kiến các nhà sản xuất dầu lớn xích lại gần Trung Quốc và Nga. Họ thích hoạt động trong thế giới đa cực thay vì bị ràng buộc hoàn toàn vào sự phụ thuộc của Mỹ.

Nhà phân tích Tina Teng tại Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) nói với đài CNBC: "Cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại và Nga cắt giảm sản lượng dầu được xem như động thái trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, kế hoạch mới của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên mốc 100 USD thêm lần nữa".

 Tuy nhiên, bà Teng cảnh báo động thái mới của OPEC+ có thể đảo ngược đà giảm của lạm phát, qua đó làm phức tạp quyết định về lãi suất của các ngân hàng trung ương trong thời gian tới.

FED đã tăng lãi suất vào tháng trước từ 4,75% đến 5% và dự kiến tăng thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp vào tháng 5 tới. Bà Vandana Hari, nhà sáng lập Công ty Phân tích thị trường năng lượng Vanda Insights (Singapore), nhận định giá dầu cao hơn có thể làm giảm nhu cầu, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát dai dẳng, dẫn đến tăng thêm rủi ro suy thoái. 

Nhận định giá dầu tăng mạnh, ông Bob McNally, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan Energy Group (Mỹ), cho rằng giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng nếu nhu cầu của Trung Quốc trở lại mức 16 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay và nguồn cung của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt.

Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá dầu Brent tăng lên mức 95 USD/thùng vào cuối năm nay và chạm mốc 100 USD vào năm 2024.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo