08/05/2020 23:59

Covid-19 phủ bóng thỏa thuận Mỹ - Trung

Đại dịch Covid-19 làm dấy lên hoài nghi về khả năng Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ

Các nhà đàm phán cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã điện đàm hôm 8-5 cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giai đoạn một của thỏa thuận thương mại được ký kết hồi tháng 1-2020. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, trong cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhất trí thực hiện thỏa thuận thương mại hai nước và tăng cường hợp tác về sức khỏe cộng đồng.

Theo đài CNBC, cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư trên toàn cầu bày tỏ lo ngại căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc đã bị kéo vào một cuộc chiến thương mại trong hai năm qua và hai nước lần lượt áp đặt hàng loạt mức thuế lên hàng hóa của nhau trước khi căng thẳng được xoa dịu nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một. 

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước dường như tồi tệ trở lại trong những tuần gần đây khi Washington và Bắc Kinh tranh cãi về một loạt vấn đề, bao gồm nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19).

Covid-19 phủ bóng thỏa thuận Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Một cần cẩu nâng container lên tàu chở hàng tại cảng TP Khải Đông, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc hồi tháng 3Ảnh: Reuters

Đại dịch Covid-19 cũng làm dấy lên hoài nghi liệu Trung Quốc có thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giai đoạn một hay không, bao gồm việc mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ trong hai năm. Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại nếu chính quyền Bắc Kinh không đáp ứng các điều khoản thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dọa áp thuế lên Trung Quốc để trả đũa cách xử lý của nước này đối với dịch Covid-19.

Trước diễn biến tích cực hôm 8-5, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có dấu hiệu khởi sắc. Ông Jeremy Stretch, chuyên gia tại Ngân hàng đầu tư CIBC World (Canada), nhận định: "Mối đe dọa về nguy cơ đổ vỡ các cuộc đàm phán hiện nay ít nhất đã được ngăn chặn nhờ cuộc điện đàm đã phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng mặc cho Tổng thống Donald Trump vẫn giữ quan điểm về sự bùng phát của dịch Covid-19".

Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Công ty Verisk Maplecroft (Anh) cho rằng đại dịch sẽ thúc đẩy sự gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Hugo Brennan, nhà phân tích về châu Á tại Verisk Maplecroft, dự báo Covid-19 sẽ là vấn đề bất đồng chính giữa hai nước trong 12 tháng tới. 

Bất chấp Mỹ, Anh, Úc chỉ trích Trung Quốc phản ứng chậm và thiếu minh bạch về dịch bệnh trong giai đoạn đầu, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thậm chí đang tận dụng cuộc khủng hoảng dịch bệnh như một cơ hội để nâng cao vị thế và mở rộng ảnh hưởng bằng cách cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.

Cơ quan Tình báo Kinh tế (Anh) cảnh báo nếu các quốc gia phát triển không thay đổi hướng đi và theo đuổi chính sách kinh tế đổi mới sau khủng hoảng đại dịch, khoảng cách giữa một phương Tây đang phát triển chậm lại và phương Đông năng động về kinh tế có thể sẽ càng nới rộng. 

Xuân Mai

Tin liên quan

Viết bình luận

Tổng thống Ukraine tiết lộ lý do không chịu buông Bakhmut
29/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nếu Nga chiếm được TP Bakhmut, người dân nước ông sẽ yêu cầu chính phủ của họ tìm kiếm sự thỏa hiệp với Moscow.
Trung Quốc: Ông chủ bắt nhân viên tát nhau để tạo động lực làm việc?
29/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Các nhân viên có hiệu suất làm việc kém tại một công ty ở Hồng Kông (Trung Quốc) bị quản lý yêu cầu "tát nhau để tạo động lực".
Dê “nhện” 8 chân chào đời ở Philippines
29/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Khi con dê được sinh ra với 8 cái chân đã làm chủ nhân của nó vô cùng ngạc nhiện, họ đặt tên cho nó là Maya.
Mỹ lo ngại Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, Tổng giám đốc IAEA sắp thăm Moscow
29/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại Nga triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus, trong khi Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi có thể sắp tới thăm Moscow.
Ngoại giao chủ động với Trung Quốc

Ngoại giao chủ động với Trung Quốc

Singapore sẽ nhấn mạnh quan điểm trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong khi Malaysia ưu tiên các vấn đề kinh tế với Trung Quốc