xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơn bão trong chén trà

NGUYỄN CAO

“Tôi nghe lén anh, anh nghe lén tôi, chúng ta cùng nghe lén người khác. Vấn đề là đừng để bị bắt quả tang” - câu này quá quen trong giới tình báo các nước

Trước thông tin WikiLeaks tiết lộ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén 3 đời tổng thống Pháp, người dân Mỹ không tỏ ra ngạc nhiên. Từ ngày cựu nhân viên CIA Edward Snowden bỏ chạy ra nước ngoài và tiết lộ chuyện rình mò, nghe lén của NSA, họ hiểu rằng đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, không có gì mà ầm ĩ.

Phản đối... ôn hòa

Tại Pháp, một cuộc thăm dò dư luận của Công ty Opinionway theo đơn đặt hàng của kênh truyền hình cáp LCI cho thấy 61% người được hỏi yêu cầu Điện Élysée trừng phạt Mỹ về tội nghe lén tổng thống Pháp. Julian Assange, cha đẻ WikiLeaks, kêu gọi trên đài TF1: “Đã đến lúc Quốc hội Pháp cần mở cuộc điều tra sâu rộng và khởi kiện NSA” bởi vì “chủ quyền Pháp không thể để (Mỹ) chà đạp như vậy”.

Một thượng nghị sĩ Pháp, ông Yves Pozzo di Borgo, “chém gió” trên trang mạng Twitter: “Nếu biết tự trọng, nước Pháp lẽ ra đã phá hủy thiết bị nghe lén trên nóc tòa đại sứ Mỹ”.

Trước sự sôi sục của dư luận, Phủ Tổng thống Pháp triệu tập Hội đồng Quốc phòng ngay trong giờ ăn sáng. Trong buổi họp, nhiều lời lẽ cứng rắn đã được đưa ra: “Đây là điều không thể chấp nhận sau khi Pháp từng được Mỹ cam kết sẽ chấn chỉnh” hay “Pháp sẽ không dung thứ mọi hành động gây nguy hại cho an ninh và quyền lợi nước Pháp”.

 

Hội đồng Quốc phòng Pháp họp vào sáng sớm 24-6 để bàn cách xử lý vụ NSA nghe lén Ảnh: LE MONDE
Hội đồng Quốc phòng Pháp họp vào sáng sớm 24-6 để bàn cách xử lý vụ NSA nghe lén Ảnh: LE MONDE

 

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius triệu tập đại sứ Mỹ, bà Jane Hartley, để nói rõ rằng Pháp rất bất bình về chuyện này bởi “giữa bạn bè không ai xử sự như vậy”. Tổng thống Francois Hollande cũng đã gọi điện cho ông Barack Obama để phản đối. Tổng thống Mỹ giải thích: “Tôi đã chỉ đạo NSA ngưng nghe lén các nhà lãnh đạo các nước đồng minh (từ năm ngoái)”. Tuy vậy, ông Obama không chính thức đưa ra lời xin lỗi nào về chuyện 3 đời tổng thống Pháp bị nghe lén.

Theo nhận xét của một số tờ báo Pháp, những động thái kể trên của chính quyền Pháp được cân đong đo đếm rất cẩn thận: Không quá mạnh bạo cũng như không quá nhu nhược. Nhà báo Jean-Dominique Merchet, người có hơn 20 năm kinh nghiệm về an ninh quốc phòng, nhận định trên nhật báo L’Opinion: Đó chỉ là một cơn bão trong chén trà. Bởi nói cho cùng, chuyện do thám lẫn nhau không mới cho dù 2 nước là đồng minh thân thiết.

Chuyện thường tình!

Nhà báo Merchet đưa ra 2 dẫn chứng: Denis MacShane, cựu bộ trưởng Anh thời Thủ tướng Tony Blair, từng phát biểu trên tờ L’Opinion: “Ngày nọ, tại Đại sứ quán Anh ở Paris, tôi móc điện thoại ra định nói chuyện thì có người cảnh báo “Coi chừng! Cuộc điện đàm của ngài sẽ bị nghe lén và 15 phút sau, đồng nghiệp của ngài ở Quai d’Orsay (Bộ Ngoại giao Pháp) sẽ nhận được bản ghi âm đã được giải mã ngay tại bàn làm việc”.

Dẫn chứng thứ hai, tháng 10-2013, cũng trên tờ L’Opinion, một cựu viên chức DGSE (Cơ quan Phản gián Pháp) tiết lộ: “Chúng tôi từng nắm nội dung điện đàm của Tổng thống George W.Bush do chúng tôi thực hiện (nghe lén)”.

Ngày 1-7, tuần báo Le Nouvel Observateur (gọi tắt L’Obs) cũng giải thích vì sao 2 ông Sarkozy và Hollande phản ứng có chừng mực. Thứ nhất, những gì NSA nghe lóm được không quá nhạy cảm đến mức có thể làm chính quyền Pháp sụp đổ. Thứ hai, “là đối tượng nghe lén của NSA, Pháp cũng đã và đang nghe lén Mỹ, châu Âu và thế giới còn lại bằng cách xâm nhập cáp quang ngầm dưới biển”.

Tờ báo cho biết đầu năm 2008, Tổng thống Sarkozy bật đèn xanh cho DGSE triển khai kế hoạch 5 năm trị giá 700 triệu euro thiết lập các trạm nghe lén khoảng 40 nước ở các thành phố biển như Marseille, Penmarch và Saint-Valéry-en-Caux - nơi xuất phát các đường cáp quang đi Mỹ (TAT 14), Ấn Độ (I-Me We), Đông Nam Á (Sea-Me-We 4) và Tây Phi (ACE).

Những cuộc nghe lén được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhà mạng Orange, tập đoàn Alcatel-Lucent. DGSE cũng bí mật hợp tác với GCHQ (Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh) trong khuôn khổ Hiệp định Quốc phòng Lancaster House mà ông Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron ký hồi năm 2010.

Đến trào ông F. Hollande, quyền hạn DGSE đã được nới rộng và hoạt động nghe lén của cơ quan này cũng được hợp thức hóa bằng Luật Tình báo vừa được Quốc hội Pháp phê chuẩn hôm 24-6 vừa qua.

Tóm lại, khác biệt lớn nhất giữa tình báo Mỹ - Pháp là Pháp chưa lần nào bị bắt tận tay. Nước Pháp chưa có xì-căng-đan kiểu WikiLeaks hay Edward Snowden. Còn chuyện nghe lén nhau thì không thuộc phạm vi đạo đức của nghề tình báo.

Một khác biệt lớn khác là trong khi NSA cậy có phương tiện thuộc loại “khủng” thích nghe lén cả thế giới thì Pháp nghe lén, đọc trộm có chọn lọc. Nói vậy không có nghĩa là phương tiện của Pháp nghèo nàn, lạc hậu. Pháp sở hữu một dàn siêu máy tính hùng mạnh không kém cạnh và một nhóm nhà toán học hàng đầu có khả năng bẻ khóa các loại mã phức tạp nhất.

 

Rồi sẽ chóng qua...

Pháp không làm lớn chuyện NSA nghe lén 3 đời tổng thống và ăn cắp bí mật kinh tế Pháp vì một lý do khá dễ hiểu: Tình báo Pháp có mối quan hệ rất khắng khít với tình báo Mỹ.

Mặc dù không nằm trong nhóm hợp tác tình báo FiveEyes (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand), tình báo Mỹ và Pháp từng ký nhiều hiệp ước hợp tác về tình báo mà hiệp ước Lustre là một ví dụ. Theo hiệp ước này, hằng ngày, Pháp - Mỹ chia sẻ thông tin chống khủng bố, đặc biệt là Pháp đang cần Mỹ chia sẻ thông tin mật ở Sahel - dải đất ở miền Nam Sahara, nơi quân đội Pháp đang chiến đấu chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Vụ bê bối này rồi sẽ chóng qua. Điệp khúc “Tôi nghe lén anh, anh nghe lén tôi và chúng ta cùng nghe lén người khác” sẽ tiếp tục như bình thường.

Chỉ có một điều cần tuân thủ tuyệt đối: Đừng bao giờ để bị bắt quả tang. Ngoài ra, cũng có một nguyên tắc “vàng”: Nghe lén đồng minh nhưng đừng làm quá trớn gây hậu quả nghiêm trọng khiến các nhà lãnh đạo khó xử bởi cái gì cũng có giới hạn của nó.

 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo