xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Châu Á vỡ mộng với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Đỗ Quyên (Theo Bloomberg)

(NLĐO) - Nhiều nước đang dần nhận ra rằng những hứa hẹn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc quá hào nhoáng tới mức khó có thể là thật.

Vào cuối tháng 8, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen không tiếc lời khen ngợi khi khánh thành cây cầu do Trung Quốc xây dựng nối hai hòn đảo tại quốc đảo Ấn Độ Dương này. Ông gọi đây là "cửa ngõ đi vào tương lai và mở ra những cơ hội phía trước".

Bẫy nợ

Một tháng sau đó, ông Yameen thất cử và chính quyền mới của quốc đảo nằm kế bên Ấn Độ bắt đầu phanh phui núi nợ mà cựu tổng thống đã "tích lũy" cho nước nhà.

Là nhà lãnh đạo cứng rắn thân Trung Quốc, ông Yameen đã bạo tay vay mượn Bắc Kinh để xây dựng đường băng mới tại sân bay chính, các dự án nhà ở, bệnh viện cũng như công trình "Cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives" dài 2,1 km.

Trong chuyến đi gần đây tới thủ đô New Delhi của Ấn Độ, các quan chức Maldives mở lời bày tỏ sự thất vọng của họ đối với núi nợ đồ sộ của nước này với Trung Quốc, ước tính tương đương 20% GDP của Maldives.

Bên cạnh đó, họ cũng nghi ngại sự thiên vị khó hiểu của chính quyền Maldives cũ dành cho các các khoản tiền từ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chẳng hạn, chính quyền của ông Yameen cự tuyệt gói thầu xây bệnh viện trị giá 54 triệu USD (từ Ấn Độ) để bật đèn xanh cho gói thầu "thổi phồng" của Trung Quốc trị giá 140 triệu USD.

"Chúng tôi đã chuốc họa vào thân"- Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maldives Fayyaz Ismail nói.

Châu Á vỡ mộng với Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Sự bao phủ của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ảnh: Bloomberg

Thiên đường du lịch Maldives không phải quốc gia duy nhất ở châu Á nhận ra sự hứa hẹn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình chủ chốt do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, là điều "quá tốt để trở thành sự thật".

Sau dòng chảy đầu tư ồ ạt chưa từng có tiền lệ từ Bắc Kinh vào các dự án từ đường sắt cho tới cao tốc tại các nước nghèo ở khắp châu Á, chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu cẩn trọng hơn trước kế hoạch tham vọng của Trung Quốc.

Từ Malaysia cho tới Sri Lanka, cơn giận dữ âm ỉ của cử tri đối với các thỏa thuận mà họ cho là không công bằng hoặc tham nhũng đang thúc đẩy các chính phủ phải kiểm tra sát sao, điều tra, thậm chí đình chỉ các dự án cho tới khi chứng minh được hiệu quả.

"Giai đoạn đầu tiên của Vành đai và Con đường đã qua" - nhà nghiên cứu cấp cao Andrew Small của chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall Đức, nhận định. "Một mô hình mới vẫn chưa xuất hiện nhưng rõ ràng mô hình cũ, vốn gần như tập trung hoàn toàn vào quy mô và tốc độ, đã không còn bền vững".

Một quan chức cấp cao giấu tên của Trung Quốc cho biết giới chức nước này đã ghi nhận các trường hợp sai phạm và đang đánh giá lại các dự án hạ tầng trên toàn cầu. Cũng theo lời quan chức này, họ hiểu rõ các dự án triển khai kém hiệu quả có thể ảnh hưởng xấu tới uy tín quốc gia và khiến làn sóng bất mãn lan rộng.

Châu Á vỡ mộng với Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 2.

Dự án đường băng mới do tập đoàn Trung Quốc xây dựng tại sân bay quốc tế Velana ở Maldives. Ảnh: AP

Châu Á đang có nhu cầu mạnh mẽ về nâng cấp cơ sở hạ tầng và không quốc gia nào có mong muốn và nguồn lực sẵn sàng hơn Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu này. Tuy vậy, những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc tại châu Á diễn ra đúng vào thời điểm cộng đồng quốc tế ngày càng hoài nghi về ý đồ toàn cầu của Bắc Kinh.

Trong khi sự tập trung đang dồn mạnh về cuộc đối đầu Mỹ - Trung về thương mại, công nghệ và tiếp cận thị trường, chính phủ khắp các châu Âu, Úc và Nhật Bản cũng siết chặt kiểm soát đối với các dự án đầu tư của nền kinh tế số 2 thế giới, đặc biệt là các dự án hạ tầng thiết yếu như cảng biển hay các hệ thống mạng lưới quan trọng.

Theo Bloomberg, sự tỉnh ngộ của các chính phủ châu Á (đối với đầu tư Trung Quốc) ngày càng nổi rõ và bùng nổ công khai trong những tháng gần đây. Tại Pakistan – được mệnh danh là "đồng minh bất chấp mọi thời tiết" của Trung Quốc, một số phần tử bất mãn với dự án đầu tư của Trung Quốc tại một vùng hẻo lánh đã tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Karachi hồi tháng trước. 7 người thiệt mạng trong vụ tấn công gây sốc này.

Tại Sri Lanka, sự phẫn nộ đối với ảnh hưởng kinh tế nặng nề của Trung Quốc ngày càng gia tăng và bị coi là mối đe dọa đối với chủ quyền của Sri Lanka. Trong khi đó, một cố vấn của chính phủ Myanmar chỉ trích thỏa thuận phát triển cảng biển do Trung Quốc hỗ trợ trị giá 7,5 tỉ USD là "lố lăng". Thỏa thuận này được thực hiện dưới thời chính quyền quân sự trước đó của Myanmar.

Châu Á vỡ mộng với Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 3.

Một chiếc máy ủi làm việc tại cảng Gwadar do Trung Quốc hỗ trợ ở Pakistan. Ảnh: Bloomberg

Tại Malaysia, ông Mahathir Mohamad được bầu làm thủ tướng hồi tháng 5 sau khi đặt nghi vấn về các khoản đầu tư của Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử.

Khi lên nắm quyền, chính phủ nhà lãnh đạo 93 tuổi đã dừng một dự án đường sắt trị giá 20 tỉ USD với Trung Quốc và tiếp đó hủy 3 dự án ống dẫn do Trung Quốc hỗ trợ trị giá 3 tỉ USD.

Giới chức Ấn Độ từ lâu đã phản đối Sáng kiến Vành đai và Con đường vì 60 tỉ USD của nó rót vào phát triển cơ sở hạ tầng tại Pakistan, bao gồm cả vùng Kashmir - nơi Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền.

Mặc dù New Delhi không đủ tiềm lực tài chính cạnh tranh với Trung Quốc nhưng các nhà ngoại giao nước này vẫn không ngừng cảnh báo các nước về nguy cơ mắc bẫy nợ của Bắc Kinh.

Trên thực tế, một báo cáo từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Washington công bố trong năm nay đã xác định 8 quốc gia đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ từ các khoản vay của Trung Quốc, bao gồm Pakistan, Maldives, Lào, Mông Cổ và Djibouti - nơi Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất.

Châu Á vỡ mộng với Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 4.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã dừng nhiều dự án của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

"Vành đai trói buộc, con đường một chiều"

Theo ông Kelsey Broderick, một chuyên gia về châu Á tại Eurasia Group, mối lo ngại về Trung Quốc ngày càng trở thành một yếu tố tác động lớn tới các cuộc bầu cử ở nhiều nơi tại châu Á. Tại Indonesia, chiến dịch tranh cử cho cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 4-2019 có thể chĩa mũi nhọn vào các dự án Trung Quốc.

"Các ứng viên trên khắp thế giới dùng lo ngại về nợ Trung Quốc để thách thức các ứng viên đương nhiệm vốn dang rộng vòng tay với Sáng kiến Vành đai và Con đường" – ông Broderick nhận định.

Vị chuyên gia này viện dẫn trường hợp tranh cử thành công của ông Jair Bolsonaro cho chức tổng thống Brazil để minh họa việc các chính khách tận dụng sự "dị ứng" với đầu tư Trung Quốc. Đồng thời ông cho rằng Kenya, Zambia và Thái Lan cũng có thể đối mặt với viễn cảnh tương tự.

Một phần của mối lo ngại xuất phát từ nhận thức rằng ngoài việc gây ra những khoản nợ không bền vững, các khoản vay của Trung Quốc còn phục vụ các mục tiêu chiến lược của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương với các tuyến vận tải toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại các đảo ở biển Đông.

Châu Á vỡ mộng với Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 5.

Công trình đường sắt Trung Quốc - Lào do Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc xây dựng tại Luang Prabang, Lào. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng mài sắc những thông điệp chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố trước các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore gần đây rằng Mỹ không đưa ra "một vành đai trói buộc hay con đường một chiều".

Mỹ đã thành lập một cơ quan nhằm rót 60 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Tháng trước, Washington đã hỗ trợ kế hoạch xây dựng hệ thống điện trị giá 1,7 tỉ USD tại Papua New Guinea. Tuy nhiên, con số này của Washington vẫn còn rất khiêm tốn so với con số ước tính 1.300 tỉ USD mà Trung Quốc dành cho cho Vành đai và Con đường trước năm 2027.

Châu Á rõ ràng vẫn cần thêm các dự án hạ tầng: Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán khu vực này cần 26.000 tỉ USD cho đường cao tốc, đường sắt và các dự án hạ tầng khác trong vòng 10 năm tới.

Trong khi chưa xuất hiện lựa chọn nào nổi trội hơn, nhiều nước vẫn đang "đi dây" với Trung Quốc. Theo phân tích của ông Broderick, một số quốc gia tại châu Á và châu Phi vẫn ưu tiên các khoản vay từ Trung Quốc vì không đòi hỏi các cam kết về trách nhiệm cũng như quản lý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo