xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ASEAN quan ngại đảo nhân tạo

Hoàng Phương

Tổng thống Barack Obama khẳng định sự gắn bó của Mỹ với châu Á sẽ được duy trì ngay cả sau khi ông rời Nhà Trắng

Với chủ đề “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động”, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan đã chính thức khai mạc tại thủ đô Vientiane - Lào ngày 6-9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị kéo dài đến ngày 8-9 này.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ phải sang) tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 6-9 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ phải sang) tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 6-9 Ảnh: REUTERS

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước chủ nhà Bounnhang Vorachith thúc giục ASEAN tăng cường hợp tác nội khối và với cộng đồng quốc tế để kịp thời đối phó một loạt thách thức - chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng di cư, tranh chấp lãnh thổ, xung đột vũ trang… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục nhưng tăng trưởng vẫn còn chậm và mong manh. Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại dành sự quan tâm đặc biệt cho virus Zika khi thúc giục các nước ASEAN chung tay đối phó mối đe dọa sức khỏe này. Số người nhiễm virus Zika tại Singapore đến ngày 6-9 đã tăng lên 275, còn Philippines vừa ghi nhận ca mắc đầu tiên trong năm nay.

Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo đã họp Hội nghị Cấp cao ASEAN với trọng tâm thảo luận là việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các định hướng tăng cường hợp tác ASEAN thời gian tới. Theo dự kiến, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này có tổng số 57 văn kiện. Trong đó, các lãnh đạo sẽ ký 1 văn kiện, thông qua 19 văn kiện và ghi nhận 27 văn kiện khác. Lào sẽ ban hành 10 Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị.

Đáng chú ý, theo bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị dự kiến công bố ngày 8-9, các nhà lãnh đạo ASEAN không đề cập phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông. Dù vậy, theo hãng tin AP, nội dung bản dự thảo vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở biển Đông.

“Chúng tôi vẫn đặc biệt quan ngại trước những diễn biến gần đây và đang diễn ra, cũng như ghi nhận nỗi lo của một số nhà lãnh đạo về hoạt động cải tạo đất và sự leo thang các hoạt động trong khu vực. Hoạt động cải tạo và những hành động khác đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực” - bản dự thảo nhấn mạnh. Theo Reuters, văn kiện này đề cập 8 điểm liên quan đến biển Đông.

Lo ngại Bắc Kinh đang tìm cách xây đảo nhân tạo ở Scarborough, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự định hỏi Thủ tướng Lý Khắc Cường về lý do Trung Quốc tăng cường tàu xung quanh bãi cạn nếu cuộc gặp song phương này diễn ra bên lề hội nghị ASEAN - theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Philippines ngày 6-9 cho biết ông Duterte không có kế hoạch gặp riêng Thủ tướng Trung Quốc tại hội nghị ASEAN.

Trong khi đó, tại cuộc gặp bên lề hội nghị với ông Duterte cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí cung cấp 2 tàu tuần tra cỡ lớn cho Philippines, đồng thời cam kết cho Manila thuê 5 máy bay do thám. Hai nhà lãnh đạo này cũng nhất trí tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm một giải pháp hòa bình cho biển Đông.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này cũng đánh dấu sự tham gia lần cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vài tháng sau đó. Phát biểu tại Vientiane ngày 6-9, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sự gắn bó của Washington với khu vực này sẽ được duy trì ngay cả sau khi ông rời Nhà Trắng. Trong nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Obama cảnh báo việc không thông qua thỏa thuận này không chỉ gây ra hậu quả kinh tế mà còn khiến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực bị nghi ngờ.

Ưu tiên nâng cao tính tự cường

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ưu tiên nâng cao năng lực và tính tự cường của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN để thực hiện hiệu quả tiến trình xây dựng Cộng đồng và Tầm nhìn ASEAN 2025.

Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mỗi nước thành viên đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN - một cộng đồng cùng chung vận mệnh. Các thành viên ASEAN cần tăng cường tham vấn, có tiếng nói chung trước những vấn đề khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của ASEAN, cũng như trong định hướng quan hệ với các đối tác và định hình cấu trúc khu vực. Về các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng đề nghị xác định rõ trọng tâm, ưu tiên trong quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột.

Trước đó, ngay khi vừa đến Vientiane, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Sau lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Sóng gió bủa vây ông Duterte

Nắm quyền chưa đầy 2 tháng, vị tổng thống được mệnh danh là “Donald Trump của Philippines” đã khiến truyền thông quốc tế dậy sóng vì những phát ngôn thậm chí ngày càng táo bạo hơn cả “Donald Trump chính chủ” trên đất Mỹ.

img
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane - Lào Ảnh: REUTERS

Khi còn đang tranh cử hồi năm 2015, nhà lãnh đạo 71 tuổi từng thóa mạ cả Giáo hoàng Francis. Ông đã lớn tiếng hăm he rút khỏi Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng 8-2016. Gần đây nhất, ông đe dọa sẽ “văng tục” thẳng mặt Tổng thống Mỹ Barrack Obama nếu bị hỏi về các vụ bắn giết không qua xét xử tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan ở Lào. Lời lẽ khó nghe này được đưa ra trong cuộc họp báo hôm 5-9, trước khi ông Duterte lên đường tới thủ đô Vientiane. Đây là nơi nhà lãnh đạo bị cho là “non” kinh nghiệm ngoại giao nhất ASEAN này chính thức ra mắt chính trường quốc tế bên cạnh người đồng cấp đến từ hàng loạt cường quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

Thế nhưng, khi những sự kiện quan trọng đánh dấu chuyến công du đầu tiên của mình còn chưa khai mạc, ông Duterte đã phải nuối tiếc vì phát ngôn gây sốc nhằm vào ông Obama, khiến Washington hủy họp song phương sau đó. “Ông Duterte lấy làm tiếc khi phát biểu của ông trước báo chí gây ra rất nhiều tranh cãi”- ông Ernesto Abella, người phát ngôn của tổng thống Philippines, nói bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào ngày 6-9. Tờ Los Angeles Times nhận định đây là lời xin lỗi hiếm thấy của ông Duterte. Trước đó, ông chưa từng hối lỗi dù cho những phát ngôn của mình gây phẫn nộ sâu sắc như đùa cợt việc một nữ truyền giáo Úc bị hãm hiếp…

Trong khi đó, chuyên gia về quan hệ quốc tế Richard Heydarian tại Trường ĐH De La Salle (Philippines) gọi động thái từ Nhà Trắng là sự lạnh nhạt về ngoại giao, cho thấy căng thẳng gia tăng trong quan hệ song phương. Không chỉ cuộc gặp gỡ ông Obama bất thành, Tổng thống Philippines trước đó đã từ chối gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bên lề Hội nghị ASEAN. Lý do được đưa ra là không thống nhất được thời gian song một quan chức LHQ giấu tên cho rằng việc một lãnh đạo quá bận đến nỗi không có thời gian gặp Tổng Thư ký LHQ thì “về cơ bản chưa từng nghe nói đến” - theo Reuters.

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo