xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Anis Amri là ai?

NGUYỄN CAO

Anis Amri, nghi phạm số 1 trong vụ tấn công khủng bố ở Berlin - Đức đêm 19-12, đã bị tiêu diệt tại Milan - Ý rạng sáng 23-12. Thế nhưng, ẩn họa “sói đơn độc” khủng bố ở châu Âu vẫn nóng hơn lúc nào hết

Anis Amri sinh năm 1992 tại Tunisia với tên khai sinh là Anis Ben Othman Amri. Cuộc đời ngắn ngủi của gã di dân khắp châu Âu này là một quá trình cực đoan hóa từ từ sau khi ăn cơm tù tại Ý và bị Đức đưa vào danh sách “thành phần nguy hiểm” chờ trục xuất.

Trượt dài trên đường tội lỗi

Sau khi gây án ở Berlin, Anis vượt biên qua Pháp và Ý. Tại đây, bị kiểm tra giấy tờ, gã rút súng bắn bị thương 1 cảnh sát Ý rồi sau đó bị bắn hạ lúc 3 giờ sáng 23-12 trước nhà ga xe lửa Sesto San Giovanni ở TP Milan. Khẩu súng Anis dùng để chống trả cảnh sát cũng là khẩu mà gã bắn chết tài xế xe tải Ba Lan Lukasz Urban.

Theo tờ Die Welt, Anis Amri sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con (11 người) theo đạo Hồi nguyên thủy. Tuổi thơ của Anis ở Oueslatia, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Kairouan - Đông Bắc Tunisia, không có gì đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 15 tuổi, cuộc sống Anis thay đổi rõ rệt.

Anis Amri, nghi phạm số 1 trong vụ tấn công khủng bố ở BerlinẢnh: Facebook
Anis Amri, nghi phạm số 1 trong vụ tấn công khủng bố ở BerlinẢnh: Facebook

Bỏ học, Anis lăn vào đời mưu sinh bằng những công việc lặt vặt và bắt đầu hút cần sa. Theo báo Pháp Le Monde, năm 2008, Anis bị kết án 1 năm tù về tội sử dụng và mua bán cần sa. Hai năm sau, gã lại bị kết án 4 năm tù về tội trộm cắp.

Khi chính quyền ông Ben Ali sụp đổ vì “Cách mạng hoa nhài”, lợi dụng cảnh “tranh tối tranh sáng”, Anis quyết định vượt biên qua Ý bằng thuyền gỗ vào đầu năm 2011. Đến đảo Lampedusa, gã khai gian tuổi để hưởng chế độ trai vị thành niên không có gia đình đi theo. Abdelkader, anh của Anis, giải thích: “Em tôi qua Ý để thoát nghèo và kiếm tiến phụ giúp gia đình”.

Sự thật không như mong muốn của gia đình Anis. Gã tiếp tục trượt dài trên con đường tội lỗi, nhiều lần vào tù ra khám về tội bạo hành, đốt trường học, trộm cắp. Truyền thông Ý cho biết chính trong thời gian ở tù, Anis nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Khi Anis mãn tù, chính quyền Ý tìm cách trục xuất về nước nhưng Tunisia từ chối, viện cớ gã không có giấy tờ hợp lệ.

Thế là tháng 7-2015, Anis qua Đức xin tị nạn. Lúc đó, làn sóng di dân vào Đức đang lên tới đỉnh với 900.000 người. Lá đơn của Anis bị bác bỏ hồi tháng 6-2016. Lý do: chính quyền Đức không an tâm với lý lịch bất hảo của gã.

6 tháng theo dõi vẫn bị bất ngờ

Cảnh sát Đức từng theo dõi nhất cử nhất động của Anis Amri 6 tháng kể từ tháng 3-2016. Tòa án Berlin lập hồ sơ điều tra do nghi ngờ gã “chuẩn bị hành động gây trọng án đe dọa lợi ích nhà nước”. Cụ thể, cảnh sát nghi Anis “tổ chức cướp để mua vũ khí và sau đó tìm đồng phạm để tổ chức khủng bố”.

Nghi ngờ là vậy và theo dõi hết sức gắt gao nhưng các nhà điều tra “không thể xác định những nghi vấn ban đầu”. Kể cả việc Anis từng qua lại với Abu Walaa, một nhà truyền giáo đạo Hồi cực đoan, cũng không được coi là chứng cứ quan trọng. Abu Walaa đã bị bắt hồi tháng 10-2016 cùng với 3 đối tượng về tội tuyển mộ chiến binh Thánh chiến cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thế là Anis được đình chỉ điều tra và theo dõi vì “thiếu chúng cứ cần thiết”. Theo cơ quan điều tra Đức, hình như Anis chỉ là một gã du côn thích đánh nhau và mua bán ma túy dạng tép riu tại công viên Görlitzer - nơi mua bán chất cấm nhộn nhịp nhất ở Berlin.

Tháng 11 vừa qua, Trung tâm Chống khủng bố Liên bang Đức lại được báo động. Anis có những dấu hiệu lạ nhưng sau đó mất dấu. Cảnh sát Đức không biết Anis ở đâu, làm gì cho đến đêm 19-12 vì gã sử dụng nhiều tên giả khác nhau và 4-5 loại giấy căn cước giả. Tháng 8-2016, Anis từng bị bắt ở Friedrichshafen vì xài giấy căn cước Ý giả mạo nhưng được thả ra sau đó.

Ổ khủng bố ở Tunisia

Trong khi cơ quan an ninh Đức tích cực điều tra, truy bắt những kẻ tòng phạm giúp Anis Amri thực hiện cuộc thảm sát ở Berlin và vượt biên đến Ý qua biên giới Pháp thì tại Tunisia, ngày 24-12, Bộ Nội vụ thông báo đã phát hiện một ổ khủng bố Hồi giáo cực đoan gần Kairouan, thủ phủ tỉnh cùng tên, quê hương của gã. Ba thanh niên tuổi từ 18 đến 27 đã bị bắt giữ để điều tra xem có dính líu đến vụ tấn công khủng bố ở Berlin đêm 19-12 hay không.

Trong các nghi phạm bị bắt có cháu trai của Anis. Người cháu này - không được nêu danh tính - thừa nhận có liên hệ với Anis thông qua ứng dụng mã hóa Telegram nhằm tránh né tai mắt cơ quan an ninh. Người cháu này cũng xác nhận rằng cậu hắn là “thủ lĩnh một nhóm thánh chiến ở Đức mang tên Abu al-Walaa”. Nhóm này đã nhiều lần gửi tiền cho hắn để gia nhập nhóm.

Tunisia đang chịu áp lực rất nặng từ phía Berlin. Cách đây mấy tháng, bang Nordrhein - Westfalen đã tống lệnh trục xuất Anis về nước nhưng Tunisia trì hoãn, không chấp nhận. Trước đó, Tunisia cũng từng 2 lần từ chối lệnh trục xuất của Ý với lý do Anis không có giấy tờ hợp lệ.

Morocco đã cảnh báo Đức 2 lần

Theo trang tin Mondeafrique, Morocco từng cảnh báo Đức 2 lần về nguy cơ khủng bố cận kề. Lần thứ nhất vào ngày 19-9 và lần thứ 2 vào ngày 11-10.

Trong cả 2 lần, Cơ quan Tình báo Morocco (DST) đều cung cấp thông tin Anis Amri thường xuyên tiếp xúc một người Nga và một người Morocco vốn là “đệ tử nguy hiểm của IS”. Đức cũng từng tịch thu hộ chiếu của gã người Morocco này.

Trước đây, DST đã cung cấp cho cơ quan điều tra Pháp chỗ ở của Abdelhamid Abaaoud, kẻ chủ mưu tấn công khủng bố Paris tháng 11-2015, giúp cảnh sát tiêu diệt được tên này sau đó.

Kỳ tới: Lỗ hổng an ninh nghiêm trọng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo