xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Anh quyết định duyên nợ với EU

HOÀNG PHƯƠNG

Giới chức châu Âu lo ngại Brexit có nguy cơ kích hoạt làn sóng “tháo chạy” khỏi Liên minh châu Âu

Cộng đồng quốc tế đang nín thở chờ xem “mối lương duyên” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi theo chiều hướng nào sau cuộc trưng cầu dân ý trong ngày 23-6.

Mơ lành thành ác mộng

Chuyện Anh ở lại hoặc rời khỏi EU đang khiến nước này chia rẽ sâu sắc. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ và phản đối Anh rời EU (gọi tắt là Brexit) so kè sít sao. Các chính khách và quan chức Anh cũng chia làm hai phe, như những gì diễn ra tại cuộc tranh luận tập trung vào những tác động của kịch bản Brexit tại thủ đô London tối 21-6 (giờ địa phương).

Những đại diện hai phe ủng hộ và phản đối Brexit tham gia cuộc tranh luận ở London hôm 21-6 Ảnh: Reuters
Những đại diện hai phe ủng hộ và phản đối Brexit tham gia cuộc tranh luận ở London hôm 21-6 Ảnh: Reuters

Phe ủng hộ Brexit cáo buộc phe kia gieo rắc nỗi hoảng sợ về những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế một khi Anh dứt áo ra đi. Bà Gisela Stuart, nghị sĩ Công đảng tham gia tranh luận, nhận định EU là “giấc mơ đẹp” vào thế kỷ rồi nhưng giờ thành “ác mộng”. Trong khi đó, cựu thị trưởng London Boris Johnson tuyên bố ngày 23-6 có thể là “ngày độc lập của đất nước” nếu cử tri gật đầu với Brexit. Theo ông này, đó là ngày Anh trút bỏ những gánh nặng của tư cách thành viên EU, đồng thời giành lại quyền kiểm soát nền dân chủ, hệ thống nhập cư và có thêm tiền chi tiêu cho những ưu tiên của mình.

Phát biểu của ông Johnson nêu bật những lý lẽ của phe ủng hộ Brexit. Theo tờ The New York Times, những người này lập luận rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô và ngày càng quan liêu, làm suy giảm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh. Theo họ, Anh tốn kém quá nhiều tiền để làm thành viên EU (con số được đưa ra là 350 triệu bảng/tuần) và bị “kiềm chế” bởi quá nhiều quy định kinh doanh nhưng lại không nhận được bao nhiêu. Vì thế, rời EU sẽ giúp Anh thương thảo những thỏa thuận thương mại mới và thịnh vượng hơn.

Về mặt an ninh, phe ủng hộ Brexit muốn nước Anh giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, từ đó bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa khủng bố. Ngoài ra, việc rời EU còn giúp Anh tránh được dòng người di cư từ những nước EU nghèo hơn đến sinh sống hoặc làm việc, từ đó tập trung nguồn lực cho các vấn đề an sinh xã hội.

Trả giá đắt

Không chịu kém, phe vận động “ở lại EU” cảnh báo Anh sẽ trả giá đắt về kinh tế, an ninh và ngoại giao vì Brexit. Trước hết, một quốc đảo với diện tích trung bình như Anh nên gắn kết với những nước “cùng chí hướng” để tạo ảnh hưởng thực sự trên thế giới cũng như được an toàn hơn trước đe dọa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, theo đài BBC, lợi ích kinh tế từ tư cách thành viên EU không nhỏ: hàng hóa buôn bán dễ dàng hơn trong khối; dòng chảy dân nhập cư, phần lớn là người trẻ muốn làm việc, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đóng góp ngân sách dành cho các dịch vụ công.

Có mặt tại cuộc tranh luận trên, tân Thị trưởng London Sadiq Khan chỉ trích mạnh mẽ phe ủng hộ Brexit không phác thảo kế hoạch cho kinh tế, thương mại đất nước thời hậu EU. Là người đi đầu phong trào chống Brexit, Thủ tướng David Cameron cùng ngày cảnh báo rời EU sẽ gây hại nền kinh tế, đe dọa công ăn việc làm và cuộc sống của các gia đình Anh.

Ở phạm vị rộng hơn, tờ The Washington Post nhận định Brexit có thể là thách thức lớn nhất mà châu Âu đang đối mặt, hơn cả vấn đề nợ của Hy Lạp, cuộc khủng hoảng di cư và nỗi lo về “sự khiêu khích” của Nga. Giới chức châu Âu đặc biệt lo ngại Brexit có nguy cơ kích hoạt làn sóng “tháo chạy” khỏi EU, đe dọa đến sự tồn tại của khối. Một kịch bản như thế còn làm lung lay quan hệ giữa EU và Mỹ. Anh hiện là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất toàn cầu hóa ở châu Âu và Brexit có thể tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của phe bảo hộ thương mại. Khi đó, người ta lo ngại quá trình thương thảo về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và châu Âu sẽ sụp đổ.

Không dễ rời sớm

Theo đài BBC, kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 không mang tính ràng buộc pháp lý. Trong trường hợp đa số cử tri ủng hộ Brexit, quốc hội Anh sẽ phải thông qua một loạt đạo luật để đưa đất nước khỏi EU. Về mặt lý thuyết, các nghị sĩ vẫn có thể ngăn chặn Brexit nhưng việc đi ngược lại mong muốn cử tri không khác gì “tự sát chính trị”. Trong thời gian này, Anh vẫn phải tiếp tục tuân thủ những hiệp ước và luật pháp EU nhưng không tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Thay vào đó, nước này sẽ phải tiến hành đàm phán với EU về vấn đề ra đi, với thời gian kéo dài ít nhất 2 năm hoặc lâu hơn. Cựu Bộ trưởng Nội các Gus O’Donnell thậm chí dự báo tiến trình này có thể mất đến 10 năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo