xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuyệt chiêu Hầu quyền đạo

Bài và ảnh: QUANG TÁM

Sáng tinh sương, khi những tia nắng đầu Xuân chưa lọt qua khe cửa, võ sư Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Chưởng môn Hầu quyền đạo - đã cùng các đệ tử chăm chú tập luyện quyền cước tại võ đường 50 Bến Nghé, TP Huế. 65 tuổi,

thân hình hộ pháp nhưng võ sư Nguyễn Văn Anh vẫn tung ra những miếng đánh thoăn thoắt theo từng động tác lộn nhào, nhảy vọt hay lóc cóc như dáng khỉ đang di chuyển.

 


Võ sư Nguyễn Văn Anh biểu diễn quyền cước Hầu quyền đạo

Võ sư Nguyễn Văn Anh biểu diễn quyền cước Hầu quyền đạo

 

Hầu quyền đạo đến với võ sư Nguyễn Văn Anh như một cơ duyên. Chuyện bắt đầu vào năm 1979, khi đó, dù đã là võ sư của môn phái Vạn An, dự bị chưởng môn Bắc phái Vi Đà ở Huế nhưng qua lời giới thiệu của võ sư Trương Cảnh, người sáng lập phái Thiếu Lâm Nam Sơn, ông đã kết thân với võ sư trẻ Hoàng Thành - nay là Chưởng môn Hầu quyền đạo Việt Nam, hiện ở Đồng Nai. Sau đó, 2 người sống chung một nhà, cùng xây dựng phong trào võ thuật ở TP Huế.

Sống cạnh nhau, mỗi người theo một môn phái riêng và ngày ngày họ cùng nhau luyện võ, thi thố để học hỏi. Các chiêu thức Hầu quyền đạo, đặc biệt là bài Hầu vương quyền, vừa có tính chiến đấu tuyệt vời vừa mang chất triết lý cao do võ sư Hoàng Thành thi triển đã hớp hồn võ sư Nguyễn Văn Anh. “Chúng tôi bèn ngồi lại, xây dựng 5 bài cơ bản quyền cương có tính phổ cập và tổng hợp để làm kiến thức căn bản nhập môn Hầu quyền đạo” - ông Nguyễn Văn Anh nhớ lại.

Từ những bước đi đầu tiên đó, 2 vị võ sư dần dần xây dựng và phát triển võ công Hầu quyền đạo ra khắp mọi miền. Những năm 1980, nếu Đồng Nai được xem là trung tâm đào tạo Hầu quyền đạo của miền Nam thì ở miền Trung là Huế, miền Bắc là Hà Nội với hàng ngàn võ sinh theo học. Riêng tại Huế, đến giờ, Hầu quyền đạo vẫn phát triển mạnh mẽ với khá nhiều lò luyện võ.

“Đây là môn võ mô phỏng động tác của loài khỉ. Võ công này ai luyện đến mức thượng thừa chỉ đánh bằng mưu chứ ít dùng sức lực. Hầu quyền đạo toàn dùng chiêu thức rất hung hiểm, hướng vào chỗ nghiệt của đối phương như mắt, tai, thái dương, cổ họng, gáy, chấn thủy và hạ bộ mà đánh. Môn võ này thường dùng ngón tay móc mắt, điểm huyệt và dùng bộ gối, cùi chỏ đả thương đối phương. Vì thế, không chỉ cần trải qua nhiều năm đào luyện, những người được truyền dạy tất cả thế võ của Hầu quyền đạo còn phải có tính cách hào hiệp, tấm lòng vị tha, sẵn sàng vì dân, vì nước” - võ sư Nguyễn Văn Anh khẳng định.

Một trong những tuyệt kỹ của Hầu quyền đạo là ngón điểm huyệt Hầu chỉ công. Người luyện được công phu độc đáo này có các ngón tay rất thanh thoát nhưng chỉ lực cực mạnh. Mỗi khi huyệt đạo đối phương bị Hầu chỉ công phong tỏa thì khó ai có thể hóa giải ngoài những môn đệ Hầu quyền đạo.

Theo võ sư Nguyễn Văn Anh, khi cận chiến, Hầu quyền đạo sử dụng cách đánh nhập nội bằng gối, chỏ - dựa vào các bộ phận chân tay mà ra đòn. Đó là những bộ phận có lực mạnh, tiết diện nhỏ nên đả thương đối phương nặng nề. “Cách đánh này chỉ dùng sức từ sự vận động của gân, dây chằng... Sức đánh sản sinh do vận động ngắc khớp, dồn khớp, xoắn tay. Khỉ có đôi mắt rất tinh khôn, quan sát rất nhanh mọi thứ xung quanh để trong tích tắc có những phản ứng lanh lẹ. Hầu quyền đạo cũng vậy, người học phải luyện được con mắt như thế” - ông tiết lộ.

Ông Nguyễn Văn Anh cho biết trong số 10 linh vật hình quyền được mô phỏng các thế võ như rồng (long), rắn (xà), hổ, báo… thì khỉ (hầu) vốn rất nhanh nhẹn khi nhào lộn, giữ thăng bằng; dùng các ngón tay, chân để bắt, chụp rất lợi hại. Khỉ vốn cao chưa tới 1 m, cách di chuyển khá thấp nên Hầu quyền đạo khi ra đòn cũng như vậy, đánh bên dưới cơ thể nên đối phương khó chống đỡ.

Để thành công với Hầu quyền đạo, người học phải khổ luyện nhiều năm qua 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chủ yếu học cách chịu lực, giai đoạn 2 học nhu quyền…, đến giai đoạn cuối cùng là luyện cực nhu thì phải ra đòn theo nguyên tắc “dụng ý bất dụng lực”. Ông Nguyễn Văn Anh giải thích: “Giai đoạn cuối, người học phải dùng được ý vận khí, sau đó lấy khí vận thân rồi lấy thân vận ra lực. Vì thế, phải luyện nhu để biết cách mượn lực đối phương để luồn lách, né tránh nhằm áp sát và phản đòn”.

Võ sư Nguyễn Văn Anh là người gắn cả đời mình với nghiệp võ. “Đất Huế vốn trầm mặc, con người từ tốn, lễ nghi nên ai theo nghiệp võ cũng ảnh hưởng tính cách, luôn tôn sư trọng đạo, bênh vực kẻ cô thế. Riêng người dạy võ thì quen sống với cảnh thanh bần” - ông bày tỏ.

 

Không những là mảnh đất văn chương, Huế còn có nền võ thuật phát triển rực rỡ hàng trăm năm nay. Dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945), vua Minh Mạng đã cho dựng Võ Thánh miếu bên cạnh Văn Thánh miếu nhằm lưu danh những võ tướng có công trạng hiển hách. Trong 10 võ tướng được lưu danh tại đây dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng thì 5 người quê Thừa Thiên - Huế. Trong 10 tiến sĩ võ tại 3 kỳ thi hội do triều đình tổ chức thì Huế cũng có 3 người. Và giờ đây, hàng trăm lò luyện võ với nhiều môn phái khác nhau vẫn hoạt động nhộn nhịp ở đất cố đô, trong đó đương nhiên có Hầu quyền đạo. 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo