xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh

Đào Tùng - Ảnh: NVCC, Quý Lượng

(NLĐO) - Giữa năm giành hat-trick vàng và được trao danh hiệu "Vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31", còn cuối năm đoạt 4 HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc, là những chiến công mới nhất của "siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh.

Nguyễn Thị Oanh "trình làng" với tấm HCB cự ly nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật (CNV) tại SEA Games 2013 và không ai nghĩ đường chạy điền kinh Việt Nam cũng như khu vực trong 9 năm qua được chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của một trong những VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử thể thao Đông Nam Á.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Oanh (842) tranh tài 3.000m VCN tại Asian Games 2018

Mắc chứng viêm cầu thận nặng suýt phải dở dang sự nghiệp mới ở giai đoạn khởi đầu, cô gái bé nhỏ quê Bắc Giang đã vượt qua tất cả để giờ đây vẫn từng ngày chinh phục mọi đường chạy khắc nghiệt nhất.

Vượt qua bệnh tật

Nhà có đến 8 chị em, cha mẹ làm nông thiếu thốn đủ đường nên cô bé Oanh gầy gò, đen nhẻm nhưng hiếu động chẳng bao giờ nghĩ với chiều cao thiếu thước tấc của mình lại có ngày bước vào con đường thể thao, đặc biệt là môn điền kinh đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn cao về hình thể.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 2.

Lạc quan, tự tin là bí quyết thành công của nữ VĐV quê Bắc Giang

Từ việc tham dự các giải chạy ở trường phổ thông, năm 15 tuổi, Oanh được triệu tập vào đội điền kinh Bắc Giang. Thử sức ở nhiều nội dung khác nhau, từ 1.500m, 5.000m, 10.000m và cả 3.000m VCN, Oanh quyết định gắn với cự ly sau cùng, phù hợp nhất nhưng cũng gian khổ nhất. Năm 2012, Oanh tham gia đội tuyển trẻ quốc gia, tập luyện cùng HLV Trần Văn Sỹ và đó là quãng thời gian mà cô không bao giờ quên với nỗi sợ hãi về những buổi tập đến kiệt sức, không đi nổi, chẳng ăn được và chỉ nôn vì quá tải. Cô bé chưa ở độ tuổi trưởng thành đã nhiều lần khóc thầm vì quá cực nhọc nhưng trót đam mê nên đành phải tiếp tục với suy nghĩ đơn giản: "Rời thể thao, tôi có biết làm gì đâu?".

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 3.

Vượt qua bệnh tật và cần cù tập luyện, Nguyễn Thị Oanh trở thành VĐV ngôi sao

Năm 2014, Oanh bị phát hiện mắc chứng viêm cầu thận, cơ thể bị phù nề đáng sợ. Cánh cửa tương lai dường như đóng sập lại khi cô phải nhập viện điều trị và bác sĩ cảnh báo "Cấm tập luyện thể thao nếu muốn sống". Hàng tháng trời, cô phải ăn uống kiêng khem, mặt sưng phồng trong khi cơ bắp bị teo rất tệ hại.

Bước đầu tỏa sáng

Với nghị lực phi thường, khi sức khỏe ổn định, Oanh bắt tay tập luyện lại vào giữa năm 2015. Chưa đầy ba năm, cô tỏa sáng rực rỡ theo cách của mình, ngoài tấm HCĐ Á vận hội 2018 còn là 3 HCV các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m VCN cùng với 3 kỷ lục Đại hội Thể thao toàn quốc 2018.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 4.

Nguyễn Thị Oanh (26) trên đường chạy 10.000m tại ĐHTTTQ 2022

Tuổi 23 ghi nhận điểm khởi đầu cho giai đoạn rực sáng nhất trong sự nghiệp của Oanh, lúc này vẫn bị người hâm mộ và cả giới truyền thông nhầm với đồng nghiệp xinh đẹp Nguyễn Thị Oanh của đơn vị Hà Nội trên đường chạy ngắn. Do chủ nhà SEA Games 29 là Malaysia không tổ chức nội dung sở trường 3.000m VCN, Nguyễn Thị Oanh miễn cưỡng chuyển sang thi đấu 1.500m cũng như 5.000m và bất ngờ giành luôn 2 HCV. Như duyên số vận vào người, kể từ đó, chẳng đối thủ nào trong khu vực có thể thắng được cô trên hai đường chạy này suốt 3 kỳ SEA Games liên tiếp.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 5.

Oanh giành 3 HCV và giành danh hiệu "Vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31"

Không chỉ vậy, khi được thi đấu trở lại ở nội dung 3.000m VCN tại SEA Games 30 (2019), Oanh chẳng những giành HCV mà còn liên tiếp xô đổ kỷ lục của đường chạy khắc nghiệt này. Ba kỳ SEA Games - 29, 30, 31 - trở thành chủ nhân của 8 tấm HCV và "thống trị" hoàn toàn ba cự ly sở trường, thành tích của Oanh được giới chuyên môn đánh giá khó có ai bắt kịp trong ít nhất nửa thập niên tới, bởi bản thân cô xác định vẫn sẽ tiếp tục tham gia thi đấu khi sức lực còn cho phép.

Thăng hoa

Hai năm đại dịch bùng phát, giới thể thao "án binh bất động", dừng mọi kế hoạch tập huấn, thi đấu. Do nằm trong nhóm VĐV "elite" chuẩn bị cho SEA Games, ASIAD và cả Olympic, Nguyễn Thị Oanh và tổ chạy dài vẫn tập luyện ở mức cao nhất có thể dù vẫn đảm bảo các tiêu chí giãn cách, phòng dịch.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 6.

Thành công đến với Oanh từ SEA Games 29

Tại Giải Vô địch điền kinh quốc gia 2020 tổ chức ở thời điểm dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, Nguyễn Thị Oanh một mình giành đến 4 HCV cá nhân ở các cự ly 1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m VCN, trong đó, cô xô đổ kỷ lục quốc gia tồn tại 17 năm trời ở đường chạy 10.000m. Cô tiếp tục thống trị các cự ly sở trường này (trừ 10.000m không tham dự phút chót) tại Giải Vô địch điền kinh quốc gia 2021 và mới nhất, cô lại giành đủ 4 ngôi vô địch tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, phá cả kỷ lục đại hội lẫn kỷ lục quốc gia cự ly 10.000m.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 7.

Nguyễn Thị Oanh phá KLQG và kỷ lục đại hội 10.000m nữ tại ĐHTTTQ 2022

Không bó hẹp mình ở các nội dung quen thuộc, cô VĐV bé nhỏ Nguyễn Thị Oanh còn thử sức ở các đường chạy bán marathon, marathon và liên tục về nhất cự ly gian khổ 42,195km ở các giải đấu trong năm 2022. Những ai có dõi theo từng bước hành trình của cô gái Bắc Giang này còn vô cùng thán phục chủ nhân đường chạy 5km nữ hệ đội tuyển tại Giải Việt dã toàn quốc Báo Tiền Phong trong 6 mùa giải liên tiếp, chưa kể cô còn lặn lội lên tỉnh Bình Phước, chinh phục luôn cả ngôi quán quân Giải Vô địch leo núi "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá"!

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 8.

Leo núi...

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 9.

..."lấn sân" thành công sang bán marathon và marathon

Năm năm liên tiếp có mặt trong Top 3 của cuộc bầu chọn "Vận động viên tiêu biểu toàn quốc" và cũng chừng ấy năm Nguyễn Thị Oanh có tên trong danh sách đề cử, giành chiến thắng ở "Cúp Chiến thắng" có lẽ là sự vinh danh cao quý mà một đời VĐV thể thao có quyền mơ ước đến.

Giấc mơ đến Olympic

Oanh đặt ra nhiều mục tiêu cho riêng mình trong năm 2023, gồm cả việc chinh phục các nội dung 1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m VCN tại SEA Games 32 đồng thời cố gắng đạt chuẩn để được tham dự Olympic Paris 2024.

Siêu nhân Nguyễn Thị Oanh - Ảnh 10.

Vẫn mơ một lần được tham dự đấu trường lớn Asian Games, Olympic

Ban đầu không ủng hộ con gái theo nghiệp thể thao nhưng giờ đây, bố mẹ thực sự tự hào về Nguyễn Thị Oanh. Cô tốt nghiệp Đại học TDTT tháng 6-2018 và vừa hoàn tất chương trình cao học để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai. Thế nhưng, chắc chắn cô vẫn sẽ còn ra sân thi đấu lâu đến chừng nào có thể một khi điền kinh là niềm đam mê, đã trở thành máu thịt và sẽ còn tiếp tục là điểm tựa cho cô bay cao, bay xa trong sự nghiệp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo