xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyên gia phần mềm đam mê bóng chuyền

ĐÀO TÙNG

Nổi tiếng trong giới công nghệ với sản phẩm chuyên thống kê, phân tích được nhiều cường quốc thể thao ưa chuộng, chuyên gia Lê Thân Minh Châu còn được biết đến như một "ông mối" mát tay cho không ít thương vụ ngoại binh làm "rung rinh" làng bóng chuyền Việt Nam.

Là Việt kiều đầu tiên tham gia một tổ chức xã hội về thể thao - Ủy viên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) chuyên trách mảng đối ngoại, ông Châu hỗ trợ rất nhiều đội bóng từ mối quan hệ cá nhân rất rộng của mình. Sau hàng chục năm, đến năm 2022, bóng chuyền Việt Nam lại được sử dụng cầu thủ ngoại. Và, không ít bản hợp đồng "bom tấn" có sự tham gia giới thiệu từ đầu của ông Châu.

Giá như mọi việc suôn sẻ, Nguyễn Thị Bích Tuyền - mũi tấn công hay nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay - đã có chuyến xuất ngoại vừa học đại học vừa thi đấu cho một đội bóng sinh viên xuất sắc ở Mỹ từ năm 2018 theo diện học bổng toàn phần. Tiếc là vì nhiều lý do nên việc này bất thành. HLV trưởng Đội Bóng chuyền ĐH Oregon (Mỹ) nuối tiếc mãi cô học trò hụt mà qua clip dữ liệu được người bạn thân Lê Thân Minh Châu gửi giới thiệu, ông rất ấn tượng.

Sau trường hợp Bích Tuyền, một số đội bóng chuyền nước ngoài cũng nhờ ông Châu giới thiệu VĐV nữ trẻ, tiềm năng tại Việt Nam để họ chiêu mộ. "Tôi tham gia đàm phán đưa tuyển thủ Trần Thị Thanh Thúy hai lần sang Nhật thi đấu với mức lương hàng chục ngàn USD mỗi tháng. Tôi cũng sẵn sàng giới thiệu để nhiều cầu thủ tài năng khác xuất ngoại thi đấu, tích lũy kinh nghiệm rồi sau này về cống hiến cho đội tuyển quốc gia" - ông khẳng định.

Tuy vậy, ông Châu rất ngại nói về chuyện "mai mối". Đơn giản chỉ vì vị chuyên gia Việt kiều này muốn tránh điều tiếng không cần thiết rằng ông "làm người trung gian để hưởng lợi", "làm cò kiếm hoa hồng"!

Chuyên gia phần mềm đam mê bóng chuyền - Ảnh 1.

Ông Lê Thân Minh Châu (phải) và “học trò ruột” Nguyễn Đình Lập

* * *

Định cư ở Úc cùng gia đình vài chục năm trước, Lê Thân Minh Châu thi vào Trường Đại học Xây dựng nhưng khi tốt nghiệp lại không có việc làm. Ông phải xin làm công ở các hãng xưởng cho đến khi nhận được công việc kỹ sư giao thông tại Melbourne.

Khi chuyển qua lĩnh vực công nghệ thông tin sau đó vài năm, ông Châu tự học ngôn ngữ lập trình và cách viết phần mềm. Một khoảng thời gian dài, ông gia nhập EA Sports với công việc chính ở ê-kíp sản xuất trò chơi nổi tiếng của FIFA.

Niềm đam mê bóng chuyền đã đưa ông Châu sang một ngã rẽ khác. Năm 2008, ông cùng đội tuyển bóng chuyền trẻ Úc sang Đài Loan - Trung Quốc dự một giải đấu với vai trò chuyên gia thống kê và phân tích. Nhiệm vụ của ông là theo dõi các trận đấu của đối phương qua băng video rồi cắt ra những đoạn clip thích hợp để trình chiếu cho đội bóng của mình xem, phân tích chuyên môn.

Lúc ấy, DataVolley là phần mềm duy nhất có thể thống kê và phân tích một cách khoa học nhưng giá rất đắt, cách sử dụng cũng hết sức phức tạp. Không có DataVolley, ông Châu phải dùng các phần mềm khác, vốn nhiều hạn chế, để xử lý công việc nên rất vất vả.

Sau giải này, ông Châu quyết tâm tự viết phần mềm để hỗ trợ công việc mà mình đam mê. Công ty Perana Sports được ông thành lập và sau đó 3 năm, ứng dụng (app) đầu tiên là VBStats ra đời. VBStats phân tích được "thói quen" của VĐV đội nhà hoặc đối phương trong các trận bóng chuyền mà nếu nắm bắt được, HLV có thể chỉ đạo học trò khắc phục hoặc đối phó hữu hiệu.

Viết ứng dụng dùng cho nhu cầu bản thân nhưng VBStats lại được nhiều nơi quan tâm nên ông Châu bắt đầu rao bán. Nếu như người dùng DataVolley phải trả vài ngàn USD mỗi năm thì của VBStats chỉ vỏn vẹn 30 USD.

Năm 2012, một người bạn Úc làm HLV bóng chuyền bãi biển đề nghị ông Châu chỉnh sửa app để dùng cho môn thể thao này. Kết quả, bóng chuyền bãi biển Úc tiến bộ rất nhiều với CLB Clancy-Artacho từng vươn lên tốp đầu thế giới, đội tuyển nước này cũng thi đấu thành công ở Olympic Tokyo 2020.

Chứng kiến kết quả ấn tượng ấy, Liên đoàn Quần vợt Úc đặt vấn đề hợp tác, đề nghị ông Châu làm app riêng cho bộ môn này. Mất hơn 2 năm, ứng dụng mới TennisStats ra đời, được sử dụng cho các tay vợt nhà nghề lẫn VĐV trẻ. HLV trưởng Đội tuyển Quần vợt nữ Úc lúc ấy khẳng định TennisStats đã làm thay đổi bộ mặt của quần vợt, cả cung cách huấn luyện cũng như thi đấu. Liên đoàn Quần vợt Nhật Bản từng thuê TennisStats và gặt hái nhiều chiến tích ngoạn mục.

* * *

Nhiều lần tháp tùng đội tuyển bóng chuyền nữ Úc sang Việt Nam thi đấu và nhận được sự tiếp đãi nồng hậu, ông Lê Thân Minh Châu cảm kích ân tình ấy và muốn làm điều gì đó cho quê nhà. Ông về nước năm 2016, ban đầu với ý định kinh doanh công nghệ phần mềm nhưng lại bén duyên với bóng chuyền Việt Nam.

Một thời làm chuyên gia thống kê, phân tích cho đội tuyển trẻ rồi trợ lý HLV tuyển bóng chuyền quốc gia nữ Úc, bản thân lại từng thi đấu bóng chuyền, ông Châu có quan hệ tốt với rất nhiều nhà cầm quân và giới quản lý khắp nơi. Đó là lý do để sau khi về, ông quyết định gắn bó với bóng chuyền thông qua công ty phần mềm thống kê của mình, giúp sử dụng công nghệ hiện đại để đột phá và phát triển.

Không lâu sau khi hồi hương, ông Châu chủ động liên lạc với VFV và tự bỏ tiền túi để đến Ninh Bình tham gia phân tích, thống kê tại Giải Vô địch các CLB nam châu Á rồi Giải nữ quốc tế VTV Cup năm 2017 ở Hải Dương. Ông còn chủ động mở các khóa đào tạo về phân tích, thống kê qua app cho các HLV trẻ.

Thời gian ở Ninh Bình, ông Châu gặp Nguyễn Đình Lập, từng là phụ công Đội tuyển Bóng chuyền Việt Nam và CLB Tràng An Ninh Bình nhưng vì chấn thương phải giải nghệ sớm, chuyển sang làm HLV đội trẻ Tràng An Ninh Bình. Lập được ông Châu "truyền nghề" và Tràng An Ninh Bình từ đó giành chiến thắng như chẻ tre nhờ thay đổi chiến thuật dựa theo thống kê thu thập được của đối phương.

Theo đề nghị của VFV, ông Châu còn mời các chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy về Video Challenge, về phần mềm Data Volley nhân SEA Games 31. Rất nhiều CLB sau đó đã "biên chế" một nhân viên chuyên phân tích, thống kê tháp tùng mọi giải đấu - điều mà trước đây ngay cả đội tuyển quốc gia cũng không làm được vì thiếu quy định cụ thể.

Ông Châu không bán VBStats ở Việt Nam mà tặng app này cho VFV và các CLB kèm theo nhiều bài hướng dẫn. Ông bày tỏ: "Tình yêu dành cho bóng chuyền khiến tôi quyết định phải giúp các đội bóng có thể dễ dàng sở hữu và sử dụng app này để nâng dần trình độ".

Đi từ thể thao điện tử đến thể thao thực, đến nay, ông Lê Thân Minh Châu đã viết ứng dụng cho hàng loạt môn như: bóng chuyền, bóng chuyền bãi biển, quần vợt, cricket, cầu lông, rowing, netball và cả bơi lội. Sản phẩm của Perana Sports từng được sử dụng tại Olympic Rio 2016 ở các môn bóng chuyền bãi biển, cầu lông và quần vợt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo