xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xốc lại tâm lý cho người lao động

NGUYỄN THUẬN

Giãn cách xã hội do dịch, người lao động phải tạm nghỉ thời gian dài, bị cắt giảm nhân sự, giảm lương... khiến họ căng thẳng, lo lắng, bất an, đặc biệt là lao động tự do

Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, cho rằng các đơn vị sử dụng lao động cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động như biện pháp phòng ngừa dịch, các chế độ ưu đãi, hỗ trợ trong chăm sóc sức khỏe... để người lao động an tâm khi quay trở lại làm việc.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Anh H.Đ.L (39 tuổi, tỉnh Bình Phước) vào TP HCM được 4 năm, làm công nhân tại một công ty ở huyện Bình Chánh, lương vừa đủ trang trải tiền ăn uống, nhà trọ và gửi về gia đình một ít. Khi dịch ở TP bùng phát đợt 4, anh L. được công ty thông báo tạm nghỉ vài tuần chờ dịch ổn rồi đi làm lại. Nhưng đến đầu tháng 8, công ty thông báo chưa xác định thời gian đi làm lại và không thể phát lương trong thời gian nghỉ.

Bám trụ lại TP một thời gian vẫn không tìm được việc làm, không còn thu nhập, anh L. phải trở về quê. Đầu tháng 11 vừa qua, nghe thông tin TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội, khuyến khích người lao động trở lại làm việc, anh L. đã thu xếp vào lại TP HCM. Anh L. cho biết vẫn còn nhiều lo lắng như vẫn chưa tìm được việc, lo bị nhiễm bệnh.

Xốc lại tâm lý cho người lao động - Ảnh 1.

Chương trình “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch” của Báo Người Lao Động trong lần hỗ trợ cho người dân quận Gò Vấp và lực lượng phòng chống dịch. Ảnh: TẤN THẠNH

May mắn hơn anh L., chị N.T.T.T (31 tuổi, huyện Hóc Môn) là nhân viên bán hàng cho một công ty đồ gia dụng, sau 3 tháng tạm nghỉ vì dịch Covid-19, chị T. đã được công ty gọi đi làm lại. Mừng nhưng chị T. cũng lo ngại, vì dịch còn diễn biến khó lường trong khi nhà có con nhỏ. Chị T. sợ khi đi làm, tiếp xúc với nhiều khách hàng chẳng may nhiễm bệnh, về nhà lây sang chồng con thì gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thạc sĩ Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO), cho rằng sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, hầu hết người lao động đều bị bất an về tâm lý như lo lắng bị nhiễm bệnh, lo tiền lương bị cắt giảm, lo chưa tìm được việc làm mới... Trong giai đoạn đặc biệt này rất cần chủ các doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể tạo môi trường làm việc tốt, bảo đảm các chế độ, chính sách để người lao động yên tâm quay lại làm việc.

Thích nghi lâu dài với dịch

Theo thạc sĩ Phạm Trường Sơn, người lao động cần chủ động tìm kiếm thông tin tình hình dịch bệnh từ nơi làm việc cũ, từ khu trọ, từ đồng nghiệp để có kế hoạch phù hợp cho việc quay lại làm việc. Người lao động cần chuẩn bị tâm lý, kiến thức để thích nghi lâu dài với dịch bệnh, bởi xã hội đã chuyển sang trạng thái sống chung với dịch. Người lao động phải tuân thủ 5K, hợp tác với cơ quan đơn vị trong công tác phòng chống dịch và thực hiện mọi biện pháp được các cơ quan chức năng khuyến cáo.

Cơ quan quản lý nhà nước cần có sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Mọi thông tin về dịch bệnh, những chính sách hỗ trợ cần minh bạch. Những hỗ trợ từ gói an sinh xã hội sẽ là nguồn động lực để người lao động yên tâm khi làm việc khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, cần có chuyên gia hoặc người làm công tác xã hội chuyên tư vấn về tâm lý để gặp và trò chuyện với người lao động.

"Nên có cơ chế khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến của người lao động, như vậy những chính sách hỗ trợ cho người lao động sẽ đi vào cuộc sống tốt hơn. Đây là biện pháp bền vững để thu hút người lao động quay lại làm việc" - ông Sơn đề xuất.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội trong thời điểm này, ngoài việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động phải tạo thêm những hoạt động vui chơi giải trí, là điểm rất thiếu ở khối doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt phân tích khi dịch bệnh xảy ra, rất đông người lao động bị mất việc, không có nguồn thu nhập trong khi vẫn phải trả chi phí sinh hoạt hằng ngày. Có thể nói những áp lực liên quan đến công việc, tài chính, phòng ngừa bệnh... đã tạo nên sự căng thẳng cho người lao động. Những khó khăn này đã kéo dài khiến đa số người lao động rơi vào tình trạng kiệt sức, họ sẽ có những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.

"Các đơn vị sử dụng lao động bên cạnh những chính sách hỗ trợ về tài chính cho người lao động, cần có chế độ chăm sóc đúng mức về sức khoẻ. Có như vậy người lao động mới an tâm khi trở lại làm việc" - tiến sĩ Đạt khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, người lao động tự do không gắn với tổ chức đoàn thể nào nên việc chăm sóc tinh thần cho họ là một thách thức. Trong tình hình bình thường công việc của lao động tự do vốn bấp bênh, thu nhập phụ thuộc vào sự vụ công việc, nay dịch bệnh nên nhóm người lao động tự do lại càng khó khăn. Các cấp chính quyền địa phương cần đặc biệt lưu ý nhóm đối tượng này, có những chế độ hỗ trợ kịp thời về tài chính và tinh thần để giúp người lao động tự do có thể trở lại cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo