xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thận trọng với viêm gan cấp tính bí ẩn

NGỌC DUNG - HẢI YẾN - BÍCH VÂN

Nhóm nguy cơ mắc viêm gan cấp tính bí ẩn là những trẻ có cơ địa đặc biệt, mang bệnh lý chuyển hóa hoặc bị viêm gan B từ trước

Liên quan đến các trường hợp trẻ em (từ 0-16 tuổi) mắc viên gan cấp tính bí ẩn đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào.

Tăng cường giám sát, bao phủ vắc-xin

Tuy nhiên, trước nguy cơ xâm nhập của bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em, Bộ Y tế liên tục có văn bản gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các địa phương trong cả nước yêu cầu chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống căn bệnh này. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ và phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường. Thực hiện khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời, hạn chế biến chứng... Bên cạnh đó, tăng cường triển khai bao phủ vắc-xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.

Các chuyên gia y tế nhận định việc xuất hiện các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa khám, cho biết trong quá trình thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan cấp tính bí ẩn - nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy; trẻ có hiện tượng viêm gan (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu nước tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp...

Thận trọng với viêm gan cấp tính bí ẩn - Ảnh 1.

Vắc-xin viêm gan B hiện đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhằm phòng ngừa bệnh. Ảnh: HẢI YẾN

Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết bệnh viện đã và đang tăng cường giám sát những trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, điều tra dịch tễ, đánh giá lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-5, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP HCM vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm gan cấp tính bí ẩn. Trước đó, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa nhi, tăng cường tầm soát nhằm phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính. Các bệnh viện cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành các kỹ thuật xét nghiệm để tìm tác nhân gây bệnh như virus Adeno và các tác nhân khác (nếu có).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường sàng lọc, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc viêm gan cấp tính đến khám và điều trị. Ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, các cơ sở y tế phải phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm để xác định căn nguyên.

Bệnh chưa rõ căn nguyên

Đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn lây hay yếu tố dịch tễ của căn bệnh viêm gan cấp tính này. Các thống kê cho thấy viêm gan cấp tính là tình trạng gan bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, độc chất, các tình trạng rối loạn chuyển hóa, rối loạn huyết động, rối loạn miễn dịch hoặc các bệnh lý toàn thân... Với căn bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn, giả thuyết lớn nhất là do virus Adeno.

Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết virus Adeno đã được phát hiện từ năm 1953, có 57 type cùng 7 loài khác nhau. Ở người, loại virus này gây bệnh ở nhiều dạng như đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, tổn thương dạ dày, ruột... Tuy nhiên, gần đây người ta phát hiện virus này gây ra một số triệu chứng mới như: sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và đặc biệt sau đó trẻ có thể bị vàng da, vàng củng mạc...

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Phuông, Trưởng Đơn vị Chuyên khoa gan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, thực tế có rất nhiều người bị nhiễm virus Adeno, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi đứa trẻ đều bị nhiễm virus này ít nhất một lần trước 10 tuổi. Trong đó, Adenovirus type 41 gây bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp.

"Virus Adeno được công nhận là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch, nó có thể là một yếu tố đóng góp không được công nhận cho tổn thương gan ở trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, mức độ của mối quan hệ này vẫn đang được làm rõ" - bác sĩ Phuông nói.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP HCM, nếu virus Adeno là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn thì chắc chắn virus này đã lây cho rất nhiều người tại quốc gia có ca bệnh lưu hành. Bác sĩ Khanh cho biết triệu chứng khi virus Adeno tấn công tùy vào cơ địa mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau. Có người bị đau bụng, tiêu chảy, viêm hô hấp, cũng có khi virus tấn công vào gan khiến người bệnh bị viêm gan... Trường hợp virus Adeno gây viêm gan ở trẻ nhỏ, phần lớn đều tự hết bệnh nhưng có một tỉ lệ (chưa xác định được) bị viêm gan cấp tính, phải ghép gan hoặc có ca tử vong.

"Nếu thực sự là virus Adeno, chúng ta sẽ không cản được bởi virus này lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, trong tình huống virus xâm nhập, nếu cơ địa của người Việt Nam không bị Adeno tấn công vào gan nhiều, người nhiễm sẽ có biểu hiện như cảm cúm" - bác sĩ Khanh cho hay.

Bác sĩ Khanh cho biết nhóm nguy cơ mắc viêm gan cấp tính là trẻ có cơ địa đặc biệt, mang bệnh lý chuyển hóa hoặc bị viêm gan B từ trước. Với nhóm trẻ này, khi virus Adeno tấn công sẽ khiến gan tổn thương nghiêm trọng hơn. "Phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc tùy tiện. Ví dụ, trẻ viêm gan mà cho uống paracetamol thì gan bị hư ngay, bệnh nguy kịch thêm" - bác sĩ Khanh lưu ý thêm.

Vệ sinh tốt để phòng bệnh

Do chưa biết rõ về căn nguyên gây bệnh cũng như đường lây truyền của bệnh nên các chuyên gia khuyến cáo cách duy nhất là tự bảo vệ con em mình trước những tác nhân đã ghi nhận. Theo đó, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, ngủ li bì... thì đưa tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

"Virus Adeno có thể lây qua đường giọt bắn, đường phân, miệng và thậm chí lây qua những bề mặt tiếp xúc. Vì vậy, việc vệ sinh cá nhân cũng như bảo đảm nguồn nước sạch, xử lý các chất thải của người bệnh là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, ăn chín, uống sôi, sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng như cốc, thìa, khăn mặt cũng là cách trước mắt để chúng ta có thể phòng tránh nguồn lây nhiễm" - bác sĩ Hoa nói.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã triển khai quy trình xét nghiệm Realtime-PCR chẩn đoán virus Adeno. "Các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em có thể đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần bình tĩnh, thận trọng, đánh giá đúng vấn đề và có giải pháp phù hợp thì bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em sẽ nhanh chóng được kiểm soát" - bác sĩ Phuông thông tin. 

Có nên xét nghiệm để tầm soát bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn?

Trước băn khoăn có nên xét nghiệm men gan để tầm soát bệnh, TS-BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP HCM, cho rằng muốn tìm tác nhân gây bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn phải tìm tác nhân là virus Adeno. Xét nghiệm này không phải phòng thí nghiệm nào cũng làm được. "Để tìm ra tác nhân gây viêm gan sẽ xét nghiệm phân hoặc máu, đặc biệt để tìm được Adenovirus type 41 phải thông qua phương pháp giải trình tự gien. Tuy nhiên, nếu trẻ không có bệnh lý hay dấu hiệu của viêm gan thì không cần làm gây tốn kém chi phí" - TS Vân nói.

Có liên quan đến virus SARS-CoV-2?

Về mối liên quan giữa Covid-19 và viêm gan cấp tính, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho hay tới nay trong số 348 ca bệnh được ghi nhận trên thế giới, một số trẻ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Có 10%-18% các trẻ bị bệnh có bằng chứng đồng nhiễm virus SARS-CoV-2 và virus Adeno.

Hiện vai trò của virus SARS-CoV-2 trong việc gây bệnh chưa thực sự rõ ràng và đang được các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục nghiên cứu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo