xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tai biến do làm đẹp không dao kéo

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Biến chứng do sử dụng chất làm đầy trôi nổi không chỉ khiến chị em bị dị ứng, sưng tấy mà còn nhiễm trùng, hoại tử, tắc mạch

Xu hướng làm đẹp không dao kéo (không cần phẫu thuật) chỉ bằng mũi tiêm chất làm đầy (filler) ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít người đã phải dở khóc dở cười vì tiền mất tật mang.

Mũi lành thành hoại tử

Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện (BV) Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ là P.T.B (17 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) bị tắc mạch máu mũi, gây hoại tử mũi do tiêm chất làm đầy để nâng mũi. Theo bệnh nhân này, khoảng một tuần trước đó, chị B. đến một cơ sở spa ở Hà Nội để được tiêm 3 mũi chất làm đầy dọc theo sống mũi với giá 3 triệu đồng. Chất tạo hình mũi được quảng cáo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, bảo đảm chất lượng; còn người tiêm cũng khẳng định là một nhân viên y tế có kinh nghiệm và được đào tạo trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Thế nhưng, sau khi tiêm, chị B. thấy xuất hiện đường trắng từ hốc mũi chạy lên trán, sau đó chuyển sang màu đỏ tím kèm theo tình trạng đau rát vùng mũi. Sau một ngày làm đẹp, dọc sống mũi và khu vực quanh mũi xuất hiện các vết bầm tím, đặc biệt mũi trái có dấu hiệu hoại tử (mô bị chết) và xuất hiện các bọng nước ở đầu mũi khiến bệnh nhân đau đớn.

GS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn, cho biết với chẩn đoán hoại tử mũi do chất làm đầy, bệnh nhân được phẫu thuật lấy các chất làm đầy ra khỏi cơ thể. Thế nhưng, vùng hoại tử cánh mũi trái không thể phục hồi, bệnh nhân sẽ phải quay lại để ghép da sau 1 tháng nữa.

Từng tiếp nhận điều trị không ít bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp, theo GS Sơn, việc độn cằm, nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy đang là xu hướng thẩm mỹ tạo hình khuôn mặt được nhiều chị em lựa chọn thay cho phẫu thuật thẩm mỹ bởi không đụng đến dao kéo, không đau, không mất nhiều thời gian, không phải nghỉ dưỡng... Thế nhưng, do tin vào những lời “đường mật” từ các cơ sở chui, spa làm đẹp, nhiều chị em chẳng những không có được chiếc cằm V-line, môi trái tim và mũi cao ấn tượng như mong muốn mà còn phải nhập viện trong tình trạng khuôn mặt biến dạng bởi những u cục gây đau đớn. Để sửa chữa, các bác sĩ đã phải tỉ mỉ gắp ra từng cục nhỏ trên khuôn mặt bệnh nhân nhưng không thể làm sạch hết chất này.

Việc sửa chữa biến chứng do làm đẹp rất phức tạp, do đó mọi người nên đến những cơ sở làm đẹp uy tín
Việc sửa chữa biến chứng do làm đẹp rất phức tạp, do đó mọi người nên đến những cơ sở làm đẹp uy tín

Hậu quả khôn lường

Trên nhiều trang mạng, phương pháp tiêm chất làm đầy được quảng cáo như “thuốc tiên” bởi có thể “làm thẳng sống mũi, sửa mũi và tạo hình cằm, tạo đường cong, trẻ hóa làn da... mà không cần đến dao kéo, lại an toàn, không gây đau đớn, đẹp tức thì, không biến chứng”. GS Trần Thiết Sơn cho rằng đây chỉ là cách “nhấn nhá” thêm giúp cho khuôn mặt tự nhiên hơn và cơ bản là không làm thay đổi toàn bộ như trong phẫu thuật tạo hình chỉnh sửa cấu tạo giải phẫu của cơ thể. Khi tiêm chất này sẽ giúp làm đầy các nếp nhăn sâu của trán, khóe mắt chứ không thể trẻ hóa như “làn da thiếu nữ” hay “da em bé”.

“Chẳng hạn, một người có chiếc mũi tẹt thì không thể bơm chất làm đầy để tạo thành mũi cao, thon gọn mà chỉ có thể bơm vào một chút, gọi là hỗ trợ thêm để cải thiện và cân đối hơn chứ không làm thay đổi cấu trúc của mũi” - ông giải thích.

GS Sơn cũng cho biết hiện Bộ Y tế chỉ cho phép sử dụng trên người một số ít sản phẩm chất làm đầy cho mục đích thẩm mỹ có cấu tạo từ axít hyaluronic. Trong khi đó, thị trường chất làm đầy ở Việt Nam hết sức lộn xộn khi không ít cơ sở sử dụng silicon lỏng (chất này đã bị cấm) thay thế chất làm đầy hoặc sử dụng các chất làm đầy không rõ nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc... để làm đẹp. Với quảng cáo giá thành chỉ bằng 30%-40% so với chất làm đầy hợp pháp mà vẫn bảo đảm chất lượng, không ít chị em đã tin dùng và lãnh hậu quả.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt BV Việt Nam - Cuba (Hà Nội), giải thích khi có một chất lạ như chất làm đầy vào cơ thể, dù là hàng tốt cũng có thể gây phản ứng với những cơ địa nhạy cảm như viêm, dị ứng. Còn những trường hợp tiêm ở các cơ sở không phép với những loại chất làm đầy trôi nổi thì nguy cơ biến chứng cao hơn nhiều. Biến chứng nhẹ hay gặp là dị ứng, sưng tấy, phù nề, tụ máu và cảm giác khó chịu. Nếu nặng có thể nhiễm trùng, tạo u hạt và nguy hiểm nhất là tắc mạch. Ngoài ra, cũng không loại trừ nhiều cơ sở làm đẹp cố tình gian dối, thay vì tiêm chất làm đầy họ lại bơm silicon lỏng. Cách làm này rất nguy hiểm bởi khi vào cơ thể chất này sẽ đóng cục tại chỗ, rồi sau đó “chạy” đến nhiều nơi trên cơ thể, gây phản ứng, viêm loét, áp xe.

Những tai biến đáng sợ

Mỹ và Hàn Quốc đã từng công bố hàng chục trường hợp mù mắt hoặc mất thị lực sau khi tiêm chất làm đầy vào vùng trán để căng da mặt và nhiều trường hợp khác bị biến chứng tắc động mạch mắt. Tại TP HCM, hồi tháng 12-2016, một bệnh nhân nữ 22 tuổi đã bị thuyên tắc động mạch não trái và động mạch mắt trái sau khi tiêm chất làm đầy, dẫn đến liệt nửa người và mù một mắt. Giới chuyên môn khuyến cáo nên đến các cơ sở uy tín khi có ý định làm đẹp để chắc chắn rằng chất làm đẹp có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp và còn hạn sử dụng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo