12/11/2020 06:35

Suy kiệt sức khỏe do uống nhiều bia rượu

Lạm dụng bia rượu sẽ có nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh như mỡ máu cao, xơ gan, ung thư gan, các bệnh về tim mạch, đặc biệt là giãn nở cơ tim gây suy tim

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã thực hiện lắp đặt máy tạo nhịp tim cho một người đàn ông trung niên, lý do bệnh nhân này có tiền sử uống 15 lon bia/ngày và uống suốt 15 năm, khiến cơ tim giãn nở dẫn đến suy tim nặng.

Tửu lượng càng cao, nguy cơ càng lớn

Bệnh nhân được trang bị máy tạo nhịp tim nói trên là ông U.T.K (40 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng). Ông K. cho biết vì lý do công việc nên ông thường xuyên phải uống bia rượu. Thời gian gần đây, ông K. cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sưng mặt, tay chân. Một hôm đột ngột huyết áp ông tăng cao, kèm theo yếu chi, gia đình nghi bị đột quỵ, nên tức tốc đưa ông đến BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Suy kiệt sức khỏe do uống nhiều bia rượu - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang can thiệp tim mạch cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Tại đây, các bác sĩ kết luận ông K. bị suy tim cấp độ 3 (do cơ tim giãn nở) khả năng bơm máu chỉ còn 20% (người bình thường ít nhất là 60%) nên bị thiếu máu não. Ngoài ra, ông K. còn mắc thêm nhiều bệnh khác có liên quan đến bia rượu như cao huyết áp, cao mỡ máu và men gan.

"Trung bình 1 tuần tôi nhậu 5 ngày, có khi nhậu cả tuần, tính ra trung bình nhậu từ 24-26 ngày/tháng. Lúc đầu chỉ uống ít, song hiện nay là khoảng 14-15 lon, có khi nhiều hơn. Tôi cũng biết uống nhiều bia rượu sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhưng vì công việc phải giao thiệp nên rất khó từ chối" - ông K. phân trần.

ThS-BS Nguyễn Mạnh Cường, Phó Khoa Tim mạch BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết số lượng bia rượu uống bao nhiêu và bao lâu sẽ dẫn đến giãn nở cơ tim gây suy tim, hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế thì người có thói quen uống bia rượu mỗi ngày hoặc 3 ngày/tuần trong nhiều năm, sẽ là nguy cơ cao bị giãn nở cơ tim gây suy tim.

BS Nguyễn Mạnh Cường cho rằng ai cũng biết lạm dụng bia rượu sẽ có nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh lý không lây như mỡ máu cao, xơ gan, ung thư gan... nhưng không phải ai cũng dễ dàng từ chối bia rượu. Đáng sợ hơn khi lạm dụng bia rượu sẽ là nguy cơ rất cao mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là giãn nở cơ tim gây suy tim - nguyên nhân hình thành cục huyết khối trong buồng tim, cục huyết khối này nếu bơm lên não sẽ gây tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ não.

Khuyến khích sống lành mạnh

Chỉ riêng tại BV Nhân Dân 115 (TP HCM), theo BS chuyên khoa II Phạm Đức Đạt, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, mỗi năm nơi đây thông tim cho khoảng 1.000 ca nhồi máu cơ tim, tai biến tim mạch, trong đó có hàng trăm ca thuộc loại rất nặng, tưởng chừng không cứu được.

GS-TS-BS Trương Quang Bình - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó Giám đốc BV Đại học Y Dược TP HCM - cho biết 2 bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời là bệnh van tim và bệnh động mạch chủ. Nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên việc điều trị hiện nay không cần phải phẫu thuật mở ngực như trước, mà sẽ theo hướng phẫu thuật ít xâm lấn hoặc chỉ xâm lấn tối thiểu, hay phối hợp giữa can thiệp nội mạch và phẫu thuật trên cùng một người bệnh.

Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra rằng uống nhiều bia rượu sẽ dẫn đến suy tim là do suy giảm chức năng cơ tim. Cụ thể có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng đặc trưng ở những người nghiện bia rượu (do uống nhiều hơn ăn), điều này gây thiếu vitamin B1 và các yếu tố vi lượng như đồng, crôm, kẽm..., dẫn tới suy giảm chức năng tế bào cơ tim.

Thứ hai là do độc tính trực tiếp của bia rượu tác động lên cơ tim nên rất dễ bị tổn thương. Một số nghiên cứu khác đã ghi nhận uống nhiều bia rượu dẫn đến suy tim là do bia rượu làm tổn thương trực tiếp màng tế bào, mất cân bằng canxi, kẽm trong và ngoài tế bào, tăng hoạt hóa hệ renin-agiotensin (hệ thống các hormone làm nhiệm vụ điều hòa cân bằng huyết áp của cơ thể).

"Với tất cả mọi người, nhất là người trẻ, cần phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp. Trong chế độ ăn không được ăn quá mặn, hạn chế bia rượu, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Đặc biệt là không hút thuốc lá - nhiều nghiên cứu đã xác định thuốc lá có liên quan mật thiết đến các bệnh lý tim mạch. Hạn chế tối đa stress, cần có thời gian nghỉ ngơi phù hợp trong ngày, trong tuần, trong tháng, tăng cường vận động, thực hiện các bài tập thể dục thể thao vừa sức và đều đặn" - Hội Tim mạch Việt Nam khuyến cáo.

"Theo BS Nguyễn Mạnh Cường, chi phí đặt máy trợ tim là khá đắt đỏ (đến hàng trăm triệu đồng), hơn nữa việc bảo trì máy cũng khá tốn kém. Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh giãn nở cơ tim gây suy tim là nên có thói quen sống lành mạnh, hạn chế sử dụng bia rượu.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Tin liên quan

Viết bình luận

NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Đau đáu, trăn trở với bệnh nhân ghép tạng
2 giờ trước 548 1k
Có bệnh nhân chết đi sống lại 3 lần rồi may mắn tìm được người hiến tạng, song biết bao bệnh nhân đã không thể gặp được phép mầu. Chứng kiến những buồn vui đó, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước mong mỏi ngày càng có nhiều người hiến tạng để nhiều sự sống được nối dài
Sau 2 tuần ăn nho mỗi ngày, “điều kỳ lạ” này đã xảy ra
3 giờ trước 548 1k
(NLĐO) - Một nghiên cứu mới đã tìm cách xác thực cơ chế khiến việc ăn nho được cho là giúp đẩy lùi một loạt "tử thần" bao gồm bệnh tim, ung thư, sa sút trí tuệ... Họ đã tìm thấy một sự biến đổi lạ.
Dịch COVID-19 hôm nay: Ca nhiễm giảm sâu
2/6/2023 548 1k
(NLĐO) - Về dịch COVID-19 hôm nay 2-6, Bộ Y tế cho biết số ca nhiễm mới và bệnh nhân nặng đều giảm so với ngày trước đó. Dự kiến, COVID-19 sẽ được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Phát hiện nhiều ổ dịch bệnh than trên người ở Điện Biên
2/6/2023 548 1k
(NLĐO) - Việt Nam vừa ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh than tại tỉnh Điện Biên. Các trường hợp mắc đều liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò
Người đàn ông 33 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn nặng được cứu sống

Người đàn ông 33 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn nặng được cứu sống

(NLĐO)-Người đàn ông 33 tuổi đã được Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống sau hơn 2 tháng điều trị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp cấp.