xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân viên y tế không được ra khỏi nhà ảnh hưởng tới việc điều trị 800 bệnh nhân nặng tại BV Bạch Mai

Ngọc Dung ghi

(NLĐO) - Tiến sĩ-bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc nhân viên y tế dù có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn không được ra khỏi nhà đi làm sẽ ảnh hưởng đến 800 bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện này.

Đến sáng 30-3, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19, trong đó có 15 trường hợp là nhân viên Công ty TNHH Trường Sơn - đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống cho bệnh viện này. Đến thời điểm này, đây được coi là ổ "dịch lớn" nhất và nguy hiểm nhất cả nước. Tiến sĩ-bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã chia sẻ thông tin sau khi bệnh viện này ngừng các hoạt động ra vào bệnh viện để phòng chống dịch Covid-19.

Nhân viên y tế không được ra khỏi nhà ảnh hưởng tới việc điều trị 800 bệnh nhân nặng tại BV Bạch Mai - Ảnh 1.

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

- Phóng viên: Bệnh viện đã triển khai hoạt động gì sau khi thực hiện cách ly "nội bất xuất, ngoại bất nhập", thưa ông?

+ Bác sĩ Dương Đức Hùng: Ngay sau khi có lệnh phong tỏa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô di chuyển tuyệt đại đa số người nhà trong BV để tránh tụ tập đông người, lên một khu cách ly ở trên Láng Hòa Lạc. Chúng tôi chỉ giữ lại một số người nhà của những bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Những người này được cho phép ở lại bệnh viện nhưng ở riêng một khu cách ly, có giám sát riêng biệt. Chỉ khi nào cần mới thông tin cho họ.

Còn đối với bệnh nhân thì chúng tôi đã triển khai các biện pháp phòng dịch một cách toàn diện, từ chuyên môn điều trị cho đến chăm sóc, lau rửa cho bệnh nhân đều do nhân viên y tế được bảo hộ cẩn thận đảm nhiệm. Tối 28-3, bệnh viện cũng phối hợp với lực lượng quân đội phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên bệnh viện, phòng bệnh...

Chúng tôi hoàn thiện nốt các xét nghiệm để dần dần đưa các kết quả ra và cũng để khẳng định một lần nữa rằng đến thời điểm này, trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai không còn ai mắc Covid-19.

Nhân viên y tế không được ra khỏi nhà ảnh hưởng tới việc điều trị 800 bệnh nhân nặng tại BV Bạch Mai - Ảnh 2.

Binh chủng Hóa học tiến vào thực hiện việc phun khử khuẩn ở Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Huy Thanh

- Đã có tin cho rằng có thêm nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19?

+ Hiện nay trên mạng xã hội có nhiều tin thất thiệt, đồn thổi không chính xác, trong đó có việc có thêm nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, hơn 5.000 trong tổng số 7.064 mẫu xét nghiệm đã làm đối với tất cả cán bộ nhân viên y tế và bệnh nhân đã có kết quả đến 17 giờ ngày 29-3 thì không có một cán bộ công nhân viên nào của bệnh viện bị dương tính với virus SARS-CoV-2, ngoại trừ các trường hợp thuộc công ty Trường Sinh và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng 2 điều dưỡng được công bố trước đó.

Để phòng chống nhiễm chéo bệnh Covid-19 trong bệnh viện, chúng tôi đã có tập huấn nhiều lần cho nhân viên y tế ngay sau tết. Bệnh viện cung cấp đầy đủ vật tư liên quan đến phòng chống phơi nhiễm, vật tư chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Nhân viên y tế không được ra khỏi nhà ảnh hưởng tới việc điều trị 800 bệnh nhân nặng tại BV Bạch Mai - Ảnh 3.

Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên qua màn hình trực tuyến - Ảnh: Tuấn Dũng

- Đến thời điểm này, bệnh viện đang đều trị cho bao nhiêu bệnh nhân, tình trạng sức khỏe thế nào, nhất là sau khi người nhà của họ đều được đưa đi cách ly, không có người thân chăm sóc, thưa ông?

+ Hiện nay trong BV còn lại một số lượng rất nhỏ bệnh nhân nội trú. Tổng số bệnh nhân đang nằm điều trị là 793 người, trong đó số bệnh nhân có thể ra viện là 353 người, 137 người có khả năng chuyển tuyến, còn 198 trường hợp nặng cần điều trị, không thể di chuyển nếu không có phương tiện hỗ trợ.

Để chống nhiễm chéo Covid-19 cho bệnh nhân, các bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong được kiểm soát tại một khuôn viên riêng. Như tôi đã chia sẻ, đối với bệnh nhân, chúng tôi đã triển khai các biện pháp phòng dịch một cách toàn diện, từ chuyên môn điều trị cho đến chăm sóc, lau rửa cho bệnh nhân đều do nhân viên y tế được bảo hộ cẩn thận đảm nhiệm. Phòng ốc, trang thiết bị y tế đều đảm bảo khử khuẩn triệt để...

Với một số lượng bệnh nhân đến chạy thận nhân định kỳ, bệnh viện đã cho tất cả đối tượng đang chạy thận có kê khai về y tế, dịch tễ, có cam kết tự cách ly theo hướng dẫn của nơi cư trú. Đồng thời đã thông báo về phường có bệnh nhân chạy thận nhân tạo để phối hợp phường giám sát lộ trình. Các bệnh nhân chạy thận cam kết khi chạy thận xong sẽ về thẳng nhà, họ đến bệnh viện theo lối vào riêng, nhanh chóng đến khoa, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện để giảm nguy cơ các nguồn nhiễm từ ngoài vào bệnh viện.

- Việc hàng trăm nhân viên y tế phải cách ly gây khó khăn cho công tác điều trị và có ảnh hưởng đến tinh thần của các y bác sĩ?

+ Sau khi TP Hà Nội ra quyết định cách ly với tất cả những người liên quan Bệnh viện Bạch Mai từ 12-3 đến nay, toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai ở địa bàn Hà Nội hình như bị địa phương coi là bệnh nhân dương tính nên bắt cách ly tại chỗ, không được ra khỏi nhà. Thậm chí, nhân viên y tế dù đã có phiếu xác nhận xét nghiệm âm tính nhưng vẫn bị phường nơi họ cư trú cách ly tại chỗ, không cho di chuyển. Do đó, rất nhiều nhân viên y tế không thể quay lại bệnh viện để làm việc, trong khi người trong viện đã hết ca trực. Trong khi đó, thời gian cách ly ổ dịch là 28 ngày, do đó, những nhân viên y tế đang ở đây không thể đảm đương công tác điều trị, trực trong suốt 28 ngày mà không có người thay ca.

Trong 3 ngày tới, để đảm bảo công tác điều trị thì toàn thể nhân viên bệnh viện cần phải có mặt trong bệnh viện, nếu không sẽ rất khó khăn cho nhân viên y tế đang phải trực dài ngày trong bệnh viện, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị của các bệnh nhân nặng.

Phải khẳng định rằng, tất cả nhân viên y tế chứ không chỉ riêng nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đều là các đối tượng phơi nhiễm với Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi là các đối tượng phơi nhiễm chủ động, nghĩa là nhân viên y tế luôn chủ động phòng ngừa, tự cách ly tối đa với người khác. Do đó, không thể áp dụng cách ly đối với nhân viên y tế giống như người bình thường. Nếu coi nhân viên y tế cũng phải cách ly như người thường, cứ F1, F2, F3 phải yêu cầu đi cách ly hết thì lấy đâu ra nhân viên y tế điều trị bệnh.

Nhân viên y tế không được ra khỏi nhà ảnh hưởng tới việc điều trị 800 bệnh nhân nặng tại BV Bạch Mai - Ảnh 4.

Nhân viên y tế bệnh viện tại khu vực cách ly hiện vẫn khỏe mạnh, mong sớm hết thời hạn cách ly để trở lại mặt trận cùng các đồng nghiệp chống dịch Covid-19 - Ảnh: Mai Thanh

Đối với tinh thần của cán bộ nhân viên, Ban Giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn cũng có động viên. Tinh thần của mọi nhân viên từ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, người làm công trong bệnh viện đều không có một ai nao núng cả. Chúng tôi đều biết rằng việc cách ly 14 ngày hay 28 ngày đều là quãng thời gian rất dài, tinh thần của tất cả mọi người đều rất tốt, vững vàng tiếp tục cuộc chiến này, chấp nhận khó khăn trong việc cách ly dài. Vì thế, Bộ Y tế cần phải có chính sách tháo gỡ việc này để nhân viên y tế được ra khỏi nhà để đi làm. Nếu chúng tôi không được đi làm sẽ ảnh hưởng đến 800 bệnh nhân nặng điều trị ở bệnh viện.

Chúng tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình vì bệnh nhân đang nằm trong Bệnh viện Bạch Mai. Rất mong mọi người ủng hộ để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo