xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mất mạng vì nấm độc trên xác ve sầu

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Việt Nam có khoảng 100 loài nấm độc với hình dáng bề ngoài rất dễ nhầm lẫn với nấm lành. Tỉ lệ tử vong do ngộ độc nấm rất cao, trên 50%

Những ngày qua ở các tỉnh phía Nam liên tục xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm, xác nhộng ve sầu. Trường hợp mới nhất là cả nhà 3 người bị ngộ độc sau khi ăn nấm hái ở rừng về xào mướp xảy ra tại Tây Ninh dẫn đến chồng chết, vợ nguy kịch và con bị suy gan, rối loạn đông máu.

Dồn dập trúng độc

Ba ngày trước đó, đôi vợ chồng cùng 44 tuổi vào rừng hái nấm về xào với mướp. Người chồng ăn nhiều nhất với phân nửa đồ xào. Sau khi ăn từ 8 - 12 giờ, cả nhà đau bụng, nôn ói, đi tiêu phân lỏng. Tình trạng rối loạn tiêu hóa ngày càng nặng nên cả 3 được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu trước khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).

Trên đường chuyển viện, người chồng diễn tiến nặng, nguy kịch, suy hô hấp, được bóp bóng thở nhưng đã tử vong khi vừa đến bệnh viện. Người vợ cùng con gái 17 tuổi suy gan cấp, rối loạn đông máu.

TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau 2 ngày điều trị, hiện sức khỏe người vợ vẫn diễn biến xấu, tình trạng suy gan chưa cải thiện, dự báo khó qua khỏi. Riêng người con sức khỏe cải thiện đôi chút, đang theo dõi điều trị chức năng gan, rối loạn đông máu. "Gia đình này có thói quen đến mùa mưa là vào rừng hái nấm về ăn. Những lần trước ăn thì không sao nhưng lần này ngộ độc" - bác sĩ Ngân nói.

Mất mạng vì nấm độc trên xác ve sầu - Ảnh 1.

Nạn nhân vụ cả nhà bị ngộ độc nấm ở Tây Ninh đang được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cứu chữa tích cực

Trước đó không lâu, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cứu chữa một người đàn ông 34 tuổi, ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, ăn nhầm nấm độc. Người này trong lúc làm vườn thấy xác nhộng ve sầu với hình thù giống nấm, nghĩ là "đông trùng hạ thảo" nên mang khoảng 12 đến 14 xác về ăn. Hậu quả là nôn ói, đau bụng, rối loạn tri giác... "Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc tương tự" - bác sĩ Ngân thông tin.

Chưa bao giờ ngộ độc do sinh vật tự nhiên xảy ra dồn dập khắp nơi như những ngày qua với số người mắc lên đến vài chục.

Hôm 8-6, hai mẹ con ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngộ độc do ăn nấm mọc trên xác nhộng ve sầu. Bệnh nhi P.H.T (12 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai cấp cứu, còn người mẹ là N.T.T.N cũng được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) giải độc khẩn cứu nguy tính mạng.

Cùng thời điểm, Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cứu chữa cho một nạn nhân 39 tuổi ở huyện Xuyên Mộc ngộ độc sau khi ăn nấm mọc từ xác ve sầu hái trong vườn nhà hàng xóm. Trước đó vài ngày, bệnh viện này cấp cứu 4 trường hợp ở huyện Long Điền ngộ độc do ăn phải nấm lạ, trong đó 2 trường hợp nặng đã chuyển lên TP HCM.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thì tiếp nhận 2 chùm ca ngộ độc với 6 bệnh nhân. Nguyên nhân gây ngộ độc cũng do ăn nấm mọc từ xác ve sầu mà cứ nghĩ là "đông trùng hạ thảo".

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy hằng năm vào mùa xuân và đầu mùa hè, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng…). Số ca ngộ độc lên đến cả trăm, trong đó nhiều trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù đã được cứu chữa kịp thời.

Chưa có thuốc giải đặc hiệu

Các chuyên gia khuyến cáo hiện có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Có nhiều loại nấm độc, động vật ăn không bị sao nhưng con người ăn vào là trúng độc. Mỗi loại nấm độc có độc tố khác nhau, gây ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác nhau. Nạn nhân có thể bị ảo giác, rối loạn tri giác; ảnh hưởng hệ tiêu hóa, chức năng gan, suy thận…

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân cho biết tình trạng nhiễm độc sau khi ăn nấm có thể khởi phát rất nhanh, trong vòng vài giờ nhưng cũng có những trường hợp từ sau 8 - 12 giờ. Biểu hiện của ngộ độc nhiều khi chỉ là những triệu chứng về đường tiêu hóa nên người dân có thể chủ quan. Việc xác định được độc tố của nhiều nấm độc cũng không phải dễ.

Khi ve sầu đẻ trứng vào trong đất, sau đó phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu), nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể ở bên cạnh các bào tử nấm. Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên vật chủ và sẽ thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài. Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ. Vì vậy chúng có tên gọi là "đông trùng hạ thảo". Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ là nấm có lợi cho sức khỏe con người hay là nấm độc. "Đông trùng hạ thảo" có thể là thức ăn bổ dưỡng (bài thuốc đông y) hoặc gây độc cho con người. Từ những trường hợp trên có thể thấy hiểm họa do ăn phải nấm độc nhiều hơn.

Theo các bác sĩ, hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu cho người ngộ độc nấm mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Để tránh những vụ việc đáng tiếc liên quan đến nấm độc, người dân không nên tự ý ăn nấm rừng mọc tự nhiên; chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Các loại nấm độc, kể cả sau khi đun nấu, độc tố vẫn bền vững, không bị phá hủy.

"Người dân cần hết sức cảnh giác trong việc ăn nấm hoang dã vì khó phân biệt đâu là nấm độc và nấm không độc, đặc biệt ăn nấm theo trào lưu nấm bổ dưỡng như nấm trứng gà, nấm trứng ngỗng truyền tai trên mạng xã hội. Trường hợp bị ngộ độc nấm, người thân cần mang theo mẫu nấm hoặc hình ảnh của cây nấm nạn nhân đã sử dụng khi đến bệnh viện cấp cứu. Điều đó sẽ giúp bác sĩ xác định được loại nấm, xác định được độc tố và có giải pháp điều trị tối ưu" - bác sĩ Ngân khuyến cáo. 

Hai anh em ngộ độc botulinum được hỗ trợ viện phí

Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 9-6 cho hay 2 anh em bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mì chả lụa được xuất viện và chuyển về quê.

Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng 2 bệnh nhân vẫn cần thở máy kéo dài, quá trình này có thể từ 2 tháng trở lên. Nhằm dự phòng các nguy cơ lây nhiễm cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc của gia đình, 2 bệnh nhân đã được chuyển viện về Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang (có đủ năng lực điều trị giai đoạn còn lại) để tiếp tục điều trị.

Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, do hoàn cảnh của 2 bệnh nhân khó khăn, Phòng Công tác Xã hội đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ được 130 triệu đồng. Với tổng kinh phí điều trị hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ đi phần kinh phí được thanh toán bảo hiểm, số tiền 130 triệu đồng đã được sử dụng để chi trả các chi phí ngoài danh mục bảo hiểm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo