Nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại thì gần như 100% bệnh nhân nhiễm virus dại sẽ tử vong bởi không có loại thuốc nào cứu được.
Tử vong vì chó cắn
Mới đây, tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có tới 53 người bị chó dại cắn, trong đó đã có một người tử vong. Đó là bé L.V.H (4 tuổi) trú tại xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai bị chó cắn ngày 17-1. Sau đó, con chó này tiếp tục cắn nhiều người khác và bị dân đánh chết. Tuy nhiên, gia đình lại không cho cháu H. đi tiêm phòng mà đi khám thầy lang. Gia đình cho biết thầy lang đã “dọa” nếu đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại thì cháu H. có nguy cơ bị đần độn nên gia đình đã không cho con đi tiêm. Sau 2 tháng bị chó cắn, cháu H. lên cơn dại và tử vong ngày 22-3 vừa qua. Khi thấy cháu H. tử vong, nhiều người trong xã lo lắng vội vàng kéo nhau đến thầy lang để khám bệnh dại và bốc thuốc uống. Theo thống kê của chính quyền xã, ít nhất 53 người liên quan đến vụ chó cắn này. Dù đã vận động nhưng chỉ có gần 20 người đi tiêm phòng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết nếu người dân bị chó dại cắn và phát bệnh thì tỉ lệ tử vong là 100%. Hằng năm, bệnh viện đều tiếp nhận nhiều ca bệnh dại nhưng bác sĩ đành bất lực. “Cái chết vì bệnh dại rất kinh khủng vì bệnh nhân sẽ lên cơn vật vã, khó thở, sợ nước, sợ gió... Tuy nhiên, họ hoàn toàn tỉnh táo và biết mình sẽ chết. Lúc này, bác sĩ cũng “bó tay” - bác sĩ Cấp cho biết.
Theo bác sĩ Cấp, gia đình của nhiều bệnh nhân lên cơn dại đều chia sẻ trước đó, bệnh nhân đã đi khám thầy lang và được thầy “bói” bằng cách xoa lá vào vết thương, sau đó phán “chó không dại” nên họ đã không đi tiêm. Nhưng được 1-2 tháng sau thì lên cơn dại. Thực tế đã có thầy lang bị chó dại cắn và tự chữa bệnh cho mình nhưng sau đó, chính bản thân thầy lang cũng bị lên cơn dại và tử vong. “Cho đến nay, y học hiện đại cũng bó tay với việc phân biệt chó có dại hay không chỉ thông qua vết cắn hoặc người bị cắn liệu có phát bệnh dại hay không. Hiện chưa có loại thuốc nào chữa được bệnh dại” - bác sĩ Cấp khẳng định.
Cẩn thận với thú cưng
Giới chuyên môn cho biết ở nhiều gia đình, động vật được coi là thú cưng nên việc ôm hôn, chơi, thậm chí ngủ cùng thú nuôi như chó, mèo... đã trở nên bình thường. Cũng chính vì thế mà nguy cơ lây bệnh từ thú cưng sang người cũng phổ biến hơn. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc trẻ nhỏ mắc bệnh lây từ chó mèo không hiếm, có những bệnh nhi khám bệnh vì thường xuyên lên cơn hen suyễn và nhiều lần phải nhập viện cấp cứu. Sau khi kiểm tra, bác sĩ đã đi đến kết luận thủ phạm khiến người này thường xuyên lên cơn hen suyễn chính là những con chó và mèo nuôi trong nhà. “Không chỉ gây những cơn hen mà việc tiếp xúc với các loài vật nuôi thường xuyên còn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như bệnh dại, tụ cầu, khuẩn tả, dị ứng...” - bác sĩ Dũng lưu ý.
Các bác sĩ cho biết có rất nhiều đường lây truyền bệnh từ thú nuôi qua người và cũng có rất nhiều loại bệnh xuất phát từ việc lây truyền này. Mầm bệnh cũng có thể lây qua các vết cào, cắn của thú nuôi. Thú nuôi còn có thể gây bệnh cho người qua đường hô hấp do hít phải lông thú có chứa ký sinh trùng, vi khuẩn... Ngoài ra, vảy da, nước bọt, nước tiểu của thú nếu dính lông cũng có thể gây dị ứng cho người hay làm khởi phát cơn hen suyễn. Một bệnh vô cùng nguy hiểm tiềm ẩn trong thú nuôi đó là bệnh dại. Bệnh này có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết bệnh dại có thể phát bệnh rất chậm, thậm chí 3-4 tháng sau khi bị chó hoặc mèo dại cắn. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là 100%. Cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh dại chính là đi tiêm vắc-xin sau khi bị động vật nghi dại cắn. Còn cách rẻ tiền và sớm ngăn chặn nguy cơ bệnh dại hơn là người dân nên tiêm vắc-xin phòng dại cho chó mèo. “Dù không phải tất cả người bị chó dại cắn đều mắc bệnh dại nhưng không có cách nào chẩn đoán được ai sẽ mắc bệnh dại. Nếu bị động vật nghi dại cắn, người dân cần nhanh chóng đi tiêm vắc-xin, vì khi đã có triệu chứng của bệnh dại thì đã quá muộn” - ông Phu nhấn mạnh.
Yêu thương thú cưng đúng cách
Nhiều trường hợp thú nuôi mang mầm bệnh nhưng không có bất cứ biểu hiện bất thường gì. Do đó, kể cả khi thú nuôi có vẻ ngoài khỏe mạnh, người nuôi cần lưu ý tắm rửa thú nuôi thường xuyên, tẩy giun sán định kỳ khoảng 6 tháng/lần, tiêm ngừa bệnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở các phòng khám thú y, không cho thú nuôi ăn thịt sống… Đối với người nuôi thú cũng phải rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với thú nuôi và trước khi ăn. Không ôm hôn, ngủ chung, ăn uống chung với thú nuôi. Không cho trẻ em chơi dưới đất, mút tay nếu trong nhà có nuôi thú vật.