Việc quản lý hồ sơ sức khỏe sẽ giúp phát hiện sớm bệnh tật, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người dân.
Hàng triệu người được lập hồ sơ sức khỏe
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện TP Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ là 3 địa phương đầu tiên thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Trước đó, Phú Thọ đã thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại huyện Yên Lập, khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người, đạt 67%. Dự kiến đến tháng 6-2017, Phú Thọ sẽ khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 90% dân số trên địa bàn. Tương tự, Bắc Ninh thí điểm triển khai tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến, trong tháng 5-6 tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn tỉnh. Còn tại Hà Nội, mô hình này chính thức được triển khai từ tháng 3-2017. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết Hà Nội sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận, huyện, thị xã.
Với mô hình này, trạm y tế xã sẽ thực hiện việc tầm soát sức khỏe cho người dân trong diện quản lý sức khỏe theo hồ sơ sức khỏe cá nhân. Người dân được khám sức khỏe tổng thể, tất cả dữ liệu nhập vào hệ thống trên mạng tạo một hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, chuyển tuyến. Nhờ hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số CMND, mã vạch... Các cơ sở khám chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.
Phát hiện, điều trị bệnh sớm
Trước đó, đánh giá mô hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, của ngành y tế, ngành bảo hiểm.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hồ sơ sức khỏe cá nhân cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho người quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, như tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác.
PGS Khuê cho biết thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên, công tác này còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình bệnh tật kép, bệnh không lây nhiễm và tai nạn, thương tích tăng nhanh, tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm vẫn ở mức cao. Sự gia tăng các yếu tố nguy cơ đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp... Do đó việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, mang lại nhiều lợi ích.
Theo PGS Khuê, với hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành y tế. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. “Tại Việt Nam có đến 70% người bệnh ung thư đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, giai đoạn muộn... Việc sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý sức khỏe từ sớm thông qua quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, chất lượng điều trị sẽ tăng và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên” - PGS Khuê kỳ vọng.