xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lao đao vì thiếu thuốc, vật tư y tế (*): Sơ hở pháp lý, lo sợ sai phạm

Hải Yến - Ngọc Dung

Quy trình mua sắm thuốc, vật tư y tế chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến nhiều sai phạm. Hành lang pháp lý để mua sắm, làm các dịch vụ y tế chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa bảo đảm an toàn

Lý giải về tình trạng thiếu thuốc đột xuất, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết các thuốc bị thiếu nằm trong nhóm do nhà nước đàm phán chứ không phải do bệnh viện đấu thầu. Thời gian qua, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thông báo chưa đàm phán được nên không có thuốc.

Tình trạng khẩn cấp!

Bên cạnh đó, mua sắm thuốc trong cơ sở y tế công lập phải thực hiện theo các hình thức đấu thầu theo quy định. Nếu thuốc không trúng thầu được thì bệnh viện cũng không thể cung ứng được thuốc theo quy định và người bệnh BHYT phải đi mua bên ngoài. Trước năm 2018, BHXH có thanh toán lại trực tiếp cho người bệnh, sau đó thay đổi thành Bệnh viện Chợ Rẫy thanh toán cho người bệnh và BHXH thanh toán lại với bệnh viện. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ quan bảo hiểm không thực hiện việc này nữa. Cũng theo bác sĩ Việt, ngay khi xảy ra tình trạng thiếu thuốc BHYT với người ghép thận, giám đốc bệnh viện đã xác định đây là tình trạng khẩn cấp.

Theo Sở Y tế TP HCM, thách thức không nhỏ đối với ngành y tế thành phố trong giai đoạn hiện nay là đưa ra những giải pháp để chủ động phòng ngừa hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế còn phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh, thành chuyển đến do bệnh nặng và kể cả do thiếu một số thuốc, vật tư y tế khi các địa phương chậm tổ chức đấu thầu theo quy định.

Sở Y tế đã có một số giải pháp bảo đảm cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế trong thời gian sắp tới gồm: Tham mưu lãnh đạo thành phố cho phép ngành y tế thành lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị của ngành. Hiện Sở Y tế đã xây dựng Đề án và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Trung tâm sẽ hoạt động theo lộ trình ở giai đoạn đầu mua sắm thuốc tập trung, sau khi ổn định sẽ mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết đơn vị này đang triển khai đấu thầu tập trung hơn gần 300 loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu quốc gia, trong đó có nhiều biệt dược gốc. Dự kiến cuối tháng 6 này đơn vị sẽ hoàn tất việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung.

Một đại diện Bộ Y tế cũng cho biết dự kiến tới đầu tháng 7-2022 sẽ có thêm gần 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế hết hạn đăng ký lưu hành sẽ được gia hạn đến hết năm 2022. Trước đó, Bộ Y tế đã gia hạn gần 6.300 loại thuốc, sinh phẩm... trong số 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sắp hết hạn cho đến cuối năm nay.

Lao đao vì thiếu thuốc, vật tư y tế (*): Sơ hở pháp lý, lo sợ sai phạm - Ảnh 1.

Bệnh nhân ký nhận thuốc bảo hiểm y tế ở một bệnh viện tuyến quận tại TP HCM. Ảnh: NGUYỄN THUẬN

Quy trình phức tạp

Lý giải về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đặt gánh nặng lên vai người bệnh, GS-TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu QH khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương - cho rằng trước hết là do ngành y đang trong "cơn bão" vì bê bối của việc mua sắm kit/test từ Công ty CP Công nghệ Việt Á dẫn đến một loạt cán bộ y tế ở các cấp đang bị khởi tố, điều tra. "Cơn bão" này cũng ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ của cán bộ y tế, nhất là những người làm quản lý, lãnh đạo.

"Một quy trình mua sắm chưa hoàn chỉnh nên đã dẫn đến nhiều sai phạm. Nghĩa là hành lang pháp lý để mua sắm, thậm chí là để làm các dịch vụ y tế, còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa bảo đảm sự an toàn để làm. Chính vì vậy, nhóm thẩm định và các đơn vị họ không làm nữa. Thành ra Bộ Y tế, cơ quan cuối cùng phê duyệt, gần như bị đóng băng sau một loạt vụ việc gần đây" - GS Trí nhận định.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho rằng hiện Luật Đấu thầu đã có nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn đặc thù cho ngành y tế chậm ban hành hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.

Một số ý kiến khác cho rằng xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng, mỗi cơ quan chậm vài 3 ngày, thậm chí 1, 2 tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho rằng quy định hiện hành giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại làm khó thực hiện. Đây là quy định cứng nhắc mà không tính đến yếu tố lạm phát. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, sau dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung cấp bị đứt gãy, nguyên liệu gia tăng, rồi giá xăng dầu tăng kéo theo tất cả các mặt hàng, dịch vụ đều tăng...

TS Quang cho rằng các cơ quan, bộ, ngành cần có đánh giá tổng thể về thực trạng đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó nhận diện đúng vấn đề. Đồng thời, phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… "Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, rõ ràng cho các đơn vị tham gia đấu thầu yên tâm thực hiện" - ông Quang nêu quan điểm. 

Sở Y tế TP HCM lý giải việc thiếu thuốc

Trước thông tin thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM, chiều 20-6, Sở Y tế thành phố cho biết đơn vị đã làm việc với các bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc để lắng nghe và trao đổi về tình hình cung ứng thuốc. Sở Y tế cũng lý giải nguyên nhân gây thiếu một vài loại thuốc. Cụ thể: Với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thiếu là vì không có nhà cung ứng do ngừng sản xuất. Mới đây cũng xuất hiện một vài loại thuốc bị gián đoạn do ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine hoặc do hết số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn... Bên cạnh đó, các bệnh viện trên địa bàn còn bị động trong việc mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (công việc này do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện theo quy định). Ngoài ra, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học... Hầu hết chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Cùng với đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như trung tâm y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ)...

Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ phác đồ điều trị trong việc kê đơn tại đơn vị mình. Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra về hoạt động quản lý cung ứng thuốc của các bệnh viện và hoạt động chuyên môn của hội đồng thuốc và điều trị có liên quan đến cung ứng thuốc như đã nêu trên.

Xem xét hoàn trả tiền cho bệnh nhân

Sáng 20-6, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung. Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của địa phương trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế khẩn trương làm việc với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có văn bản tháo gỡ ngay. BHXH Việt Nam nắm lại tình hình thanh toán cho những trường hợp bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong quá trình điều trị. "Việc đấu thầu thuốc cần phải được đẩy nhanh hơn nữa ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh trên tinh thần không để thiếu vật tư và thuốc. Bộ Y tế tập trung tháo gỡ những vấn đề cụ thể, làm rõ trách nhiệm vì công việc chung, vì người bệnh, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cam kết sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Bộ Y tế sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo