xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hy sinh thầm lặng

Bài và ảnh: Thành Đồng

Do hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều người đã phải làm mọi thứ để giữ mạng sống cho con. Cũng có nhiều người, đứng trước căn bệnh hiểm nghèo này, đành chấp nhận cái chết để giữ lại nhà, đất cho vợ con...

Chạng vạng tối, trước khoa chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chỉ còn vài người cuối cùng chờ đến lượt chạy thận. Người đàn ông trạc 50 tuổi, chân đi đôi ủng bảo hộ lao động còn dính đầy sình lầy cùng với bộ đồ bảo hộ của một công nhân xây dựng từ công trường về, lao đến ôm con đang chờ chạy thận vào lòng.

Hình như ông đoán được sự sống mong manh của đứa con trai do hoàn cảnh quá ngặt nghèo của gia đình ông. Đi theo sau ông là người vợ, trên tay cầm tập vé số vừa đi vừa chạy về phía thằng bé. Thấy cậu con trai đang nằm trong vòng tay của chồng, chị thở phào nhẹ nhõm: “Lúc đầu định đi bán suốt đêm nhưng em về sớm vì sợ anh tăng ca không về”.  


Làm thợ hồ chạy thận cho con


Bán hết mọi thứ vẫn không đủ, vợ chồng anh Lê Trung Vàng và chị Nguyễn Thị Khéo, quê Phước Linh, Bình Thuận, phải đi làm suốt ngày để kiếm tiền chạy thận cho con. Không đủ tiền chạy thận, mua thuốc cho con nên anh chị không thuê nổi một chỗ ở trong bệnh viện, thậm chí, một chỗ ngoài sạp với giá 5.000 đồng/ngày đêm, anh chị cũng không kham nổi.

Suốt mấy năm nay, anh chị phải ngủ ở hành lang bệnh viện. Anh Vàng phải đi làm từ sáng sớm, chiều tối mới về. Ăn vội chén cơm lúc chiều vợ xin được của một tổ chức từ thiện ngoài cổng bệnh viện, trước khi đi tăng ca, anh Vàng cho biết: “Ngày mai là ngày em nó chạy thận, cả thuốc nữa chắc cũng hết hơn 1 triệu đồng, dành dụm mãi mà vẫn thiếu mấy trăm ngàn đồng”.

Kể từ ngày đưa con vào đây điều trị, hằng ngày, chị Khéo đi bán vé số trong bệnh viện hoặc ai thuê gì làm nấy, từ sáng sớm cho đến khuya, có nhiều đêm đến gần sáng mới về. “Dù vất vả nhưng cố làm, miễn sao kéo dài sự sống cho con, dù biết không thể chạy thận cho con được suốt đời”- chị Khéo tâm sự.

img
Đôi vợ chồng Lê Trung Vàng – Nguyễn Thị Khéo và con trai thường xuyên sống ở bệnh viện


Từ phía ngoài Khoa Thận của Bệnh viện 175, một bà lão ngồi chờ đứa con còn rất trẻ đang chạy thận. Sau 3 giờ chờ đợi, con của bà uể oải bước ra. Cố lấy hết sức, bà chạy tới, dìu con vào ngồi xuống một ghế đá. Bà kể trước đây, bà có nhà, đất ở quận 6-TPHCM nhưng đùng một cái, chồng bị bệnh suy thận mãn, một mình bà phải đảm đang mọi việc để chữa trị cho chồng.

Sau một năm chồng mất, con gái của bà lại mắc phải căn bệnh nan y này. Để chạy thận cho con, bà đành bán căn nhà và đất. Giờ đây, đã đến tuổi cổ lai hy nhưng bà vẫn phải làm việc kiếm tiền. Đưa chiếc khăn lau nước mắt, bà nói “lo cho con được đến đâu thì lo, chứ bỏ con nằm chờ chết, làm mẹ ai đành lòng”. Để có tiền cho con chạy thận, mỗi sáng sớm, bà phải ra chợ Bình Tiên (quận 6-TPHCM) buôn bán lặt vặt.


Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Minh, 60 tuổi và con là Trần Thị Yến sống cảnh mẹ góa con côi, không bà con họ hàng. Bà Minh cho biết khi phát hiện con gái mắc bệnh, chồng bà đi theo một người khác. Vì vậy, bà phải cố làm, kiếm tiền để chạy thận cho con.


Chết để giữ lại nhà


Nhiều bệnh nhân của trại 25, Bệnh viện Chợ Rẫy cố nén nước mắt khi biết bệnh nhân Nguyễn Thanh Phong phải về Sóc Trăng vì không còn khả năng chạy thận. Sau 6 năm điều trị, bao nhiêu tài sản trong nhà anh Phong đã bán hết, giờ chỉ còn lại ngôi nhà và miếng đất nhỏ.

Đứa con trai của anh Phong vừa mới lên 7 đã phải sắp mất cha. “Phải chấp nhận thôi, số mình đã thế rồi. Giờ còn lại căn nhà, nền đất phải để lại cho con. Nếu bán để tiếp tục điều trị cũng chẳng được bao lâu, rồi cũng hết sạch mà bệnh có hết đâu, chi bằng...”- anh nhìn tôi nói.


Sau một thời gian ngắn chạy thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy, biết được tương lai của người suy thận mãn, anh T. đã quyết định trốn viện, trở về quê... Anh T. tâm sự với bạn cùng phòng: Nhà còn hai đứa con đang đi học, cha mẹ, nội ngoại đã mất hết. Nếu bán nhà, chạy thận được 5 tháng là cùng. Vì vậy, anh T. quyết định ngừng chữa trị. Theo số điện thoại của anh T. để lại cho một người bạn cùng phòng, tôi điện xuống Mỹ Tho thì được biết anh T. đã mất.


Biết mình không đủ tiền để chạy thận lâu dài, anh Ng.V.H. quyết định trở về quê dù anh được bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo: Nếu không chạy thận, bệnh nhân suy thận mãn sống lâu lắm cũng chỉ được 10 ngày. Trước khi ra về, anh H. bộc bạch: “Về để giữ lại nhà cho con, chứ ở lại tiền đâu cho đủ”. Ngồi cạnh anh, người vợ trẻ đưa tà áo lên lau nước mắt, rồi bước vào làm thủ tục xuất viện, họ lặng lẽ ra về...   

Làm đủ nghề kiếm tiền chạy thận cho em

Mẹ mất từ khi hai anh em còn nhỏ, bố đi theo một người đàn bà khác. Vào mỗi tối, anh Nguyễn Văn Hường, ngụ quận 12- TPHCM, đạp xe đi khắp TP bán từng ly chè, khuya về bán thêm hủ tiếu gõ, chắt chiu từng đồng chạy thận cho em là Nguyễn Tấn Thiện (SN 1991).

Cứ thế, suốt gần 2 năm nay, anh Hường không quản khó khăn, mệt nhọc, làm đủ nghề để kiếm tiền, duy trì cuộc sống cho em mình. Năm nay, đã gần 40 tuổi nhưng anh Hường chưa một lần dám nghĩ đến chuyện riêng tư. “Ngày nào tôi còn sống, còn sức để lao động thì em của tôi cũng sẽ có tiền chạy thận”- anh Hường khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo