xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ghép tạng: Hy vọng và lo lắng

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Việt Nam chuẩn bị thực hiện các ca ghép phổi cho người lớn trong thời gian tới; hướng đến việc ghép tứ chi, ghép ruột, ghép mặt với nguồn tạng trông chờ từ người hiến chết não

Nhiều năm qua, gần 2.400 người đã tái sinh sau khi được ghép tim, gan, thận... Thế nhưng, vẫn còn hàng chục ngàn người đang từng ngày thấp thỏm, mong ngóng được ghép tạng để tiếp tục cuộc sống.

Bước tiến mới

GS-TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức - cho biết trung tâm đang chuẩn bị cho ca ghép phổi người lớn vào tháng 9 tới với nguồn hiến từ người cho chết não sau thành công của ca ghép phổi ở trẻ em hồi tháng 2 vừa qua.

Theo GS Sơn, BV đã lên các kế hoạch cho ca ghép này, trong đó có sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia Nhật Bản - nơi có tỉ lệ thành công về ghép phổi cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, BV cũng chuẩn bị mọi mặt cho việc ghép tử cung, ghép chi, ghép mặt. "Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung có thể sinh nở sau khi được ghép tử cung. Đây cũng là một mục tiêu rất nhân văn trong lĩnh vực ghép tạng, trả lại thiên chức làm mẹ cho người phụ nữ. Cùng với đó, ghép mặt được đánh giá là phương thức đơn giản hơn, giống như tạo hình khuôn mặt" - GS Sơn chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến hết tháng 5-2017, Việt Nam đã thực hiện gần 2.500 ca ghép tạng, trong đó ghép thận: 2327 ca, ghép gan: 77 ca, ghép tim: 18 ca, ghép thận và tụy: 1 ca, ghép tim và phổi: 1 ca, ghép phổi: 1 ca. GS Sơn cho biết trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã tạo ra bước đột phá về ghép tạng. Nếu như suốt 20 năm (1992-2012) mới thực hiện 933 ca ghép tạng thì chỉ trong 4 năm, từ 2013 đến nay, đã đạt gần 1.500 ca.

Nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, so với nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam thì những gì đã làm được vẫn rất ít. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng một số BV lớn ở Hà Nội có trên 1.500 người được chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc (trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc), hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... "Nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu có nguồn tạng thích hợp bởi ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối" - ông Phúc khẳng định.

Ghép tạng: Hy vọng và lo lắng - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối được hồi sinh nhờ ghép tạng từ người cho chết não

Bỏ phí nguồn tạng chết não

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, kỹ thuật cấy ghép tạng của Việt Nam có thể sánh ngang với các nền y học lớn trên thế giới. Tỉ lệ sống sau ghép tạng ở nước ta tương đương với thế giới, thậm chí về ghép thận, tỉ lệ kéo dài cuộc sống sau ghép còn cao hơn, thế nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến tạng. Ngày nào ở BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy cũng có 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng nhưng suốt 6 năm qua, chỉ khoảng 40 trường hợp gia đình người chết não đồng ý hiến tạng người thân. "Người đã chết não thì chắc chắn là chết, không thể sống lại được. Chẩn đoán chết não được quy định cụ thể và các BV tỉnh đều thực hiện được. Khi đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não có thể hiến bộ phận cơ thể để đem lại cơ hội sống cho người bị bệnh khác. Một người không may mắn chết não có thể cứu sống được 8-10 người" - GS Sơn nói.

GS Sơn cho rằng tâm nguyện làm việc thiện hầu như ai cũng có, nhiều người mong muốn đem đến sự sống cho người khác bằng việc hiến tạng khi còn sống, sau khi chết hoặc chết não nhưng một phần do ảnh hưởng bởi quan niệm về "cái chết toàn thây" nên thân nhân nhiều người chết não vẫn chưa sẵn sàng hiến tạng" - GS Sơn nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, ngay khi xây dựng dự án Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, các chuyên gia trong ban soạn thảo và bản thân ông đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về quan niệm "cái chết toàn thây". Khi được hỏi về vấn đề này, các bậc tu hành, trong đó có các vị chức sắc tôn giáo - những người có vai trò lớn trong đời sống tâm linh - đều khẳng định trong các tôn giáo chính thống hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, không một tôn giáo nào nói về "cái chết toàn thây". 

Do quan niệm về "cái chết toàn thây" còn chi phối nặng nề nên ở Việt Nam, có đến 90% nguồn tạng nhận được là từ người sống trong khi ở nước ngoài, 90% trường hợp hiến tạng đều từ người cho chết não.

Hơn 8.300 người đăng ký hiến tạng

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, đến thời điểm này đã có hơn 8.300 người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não. Trong số này, hơn 4.400 người đăng ký hiến tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và 3.000 người đăng ký tại BV Chợ Rẫy. Đến nay, trung tâm cũng có 65 người đăng ký hiến tạng trong lúc còn sống, trong đó đã có 6 người thực hiện. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng một trở ngại khác không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới, đó là khi người đăng ký hiến tạng chết, nếu người nhà không thông báo hoặc kể cả khi nhận được tin báo, cán bộ y tế đến nhưng chỉ một người trong họ hàng không đồng ý, phản đối thì không thể nhận được tạng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo