xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ebola, dịch tả - Hiểm họa chực chờ

NLĐO

(NLĐO) – Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nhiều loại dịch bệnh hiện nay, Báo Người Lao Động phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến thông tin tình hình dịch bệnh và cách ứng phó, đặc biệt là bệnh tiêu chảy và Ebola.

Buổi giao lưu kết nối giữa 2 đầu cầu Hà Nội và TP HCM với sự tham gia của: PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế); TS-BS Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM; BS Hoàng Lê Phúc - Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM).

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra đang hoành hành ở nhiều nước Tây Phi với tốc độ lây lan kinh khủng và dịch này đang có nguy cơ xâm nhập Việt Nam. Ngoài Ebola, mối lo ngại hàng đầu hiện nay là dịch tả có nguy cơ tái xuất tại TP HCM - nơi đang ghi nhận nhiều ổ dịch tiêu chảy cấp với 2 trường hợp tử vong.

Chưa khi nào thế giới chịu tác động của nhiều dịch bệnh nguy hiểm nhưng thời điểm này. Chỉ trong thời gian ngắn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục đưa ra các cảnh báo về nguy cơ các chủng virus nguy hiểm rình rập, tấn công và cướp đi mạng sống của con người. Đó là virus cúm gia cầm H7N9, hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus Mers-CoV và hiện tại là virus Ebola.

Tại buổi giao lưu, các chuyên gia sẽ tư vấn cách hạn chế thấp nhất những nguy cơ của các dịch bệnh như sốt xuất huyết do virus Ebola xâm nhập, dịch tả…. để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân, cộng đồng trước nhiều đại dịch nguy hiểm.

Chiều 14-8, sau hơn 2 giờ làm việc, buổi giao lưu trực tuyến đã kết thúc với phần trả lời nhiệt tình của các bác sĩ thuộc các ngành liên quan đến chủ đề đặt ra. Hy vọng buổi giao lưu mang lại cho độc giả nhiều kiến thức bổ ích về các bệnh dịch nói chung, đặc biệt là Ebola và tiêu chảy cấp. 

 

Nguyễn Văn Minh

  14:21 ngày 14/08/2014

Em trai cháu bị tiêu chảy nặng phải nhập viện mấy ngày nay, cả nhà thay nhau chăm sóc. Cháu muốn hỏi bác sĩ là em cháu bị như vậy (đã gần hết) thì có khả năng miễn dịch trước bệnh này lâu không, hay vẫn dễ mắc lại? Nhà cháu ở quận 8, khu vực này nhiều năm có dịch và nghe báo chí nói nguồn nước cũng rất ô nhiễm, vậy có cách nào để cháu và gia đình có thể bảo vệ mình khỏi bệnh không?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em do hơn 20 tác nhân gây ra. Vì vậy, khi bé bị 1 lần thì không thể bảo đảm sẽ được miễn dịch cho các tác nhân còn lại. Bạn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, trái cây bóc vỏ ăn ngay, rửa tay thích hợp và chích ngừa sởi, uống Vitamine A theo lịch của y tế phường. Đối với trẻ nhỏ, nên cho uống vắc-xin ngừa Rota virus từ 6 tuần tuổi.

Nguyễn Thị Nga

  14:27 ngày 14/08/2014

Tôi nghe nói nước đun sôi sẽ mất một số khoáng chất nên mấy năm nay nhà xài nước uống bằng nước máy đã xử lý qua bình lọc mua ở siêu thị điện máy. Vậy nước lọc bằng bình lọc thì có sạch được vi khuẩn không? Nghe nói mùa này dễ bị dịch tả, tôi rất lo…

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Chất lượng nước lọc qua bình phụ thuộc rất nhiều vào khả năng màng lọc. Chính vì vậy chưa thể khẳng định nước qua bình của chị có lọc được vi khuẩn hay không. Nước đun sôi để nguội không ảnh hưởng đến các khoáng chất vô cơ, lại có khả năng triệt khuẩn, ít tốn kém. Vì vậy, đây là loại thức uống tốt an toàn và được ngành y tế khuyến cáo người dân nên sử dụng.

Trần Anh Thanh

  14:33 ngày 14/08/2014

Dịch Ebola chưa vào Việt Nam nhưng đã có những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh này trong nước khiến người dân hoang mang. Không chỉ Ebola mà nhiều thông tin về các dịch bệnh nguy hiểm khác cũng bị đồn thổi, bóp méo, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội. Bộ Y tế ứng xử trước các thông tin này như thế nào, cho một vài ví dụ?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Trước những thông tin đồn thổi, bóp méo trên các mạng xã hội về dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng cung cấp thông tin khẳng định đến thời điểm này dịch Ebola vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Sau khi có ý kiến chính thức của Bộ Y tế các cơ quan truyền thông đại chúng đã đưa tin để người dân nắm bắt tình hình, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đối với những người phát tán thông tin không đúng sự thật Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an xác định đối tượng để làm rõ động cơ, mục đích để có biện pháp xử lý phù hợp. Vừa qua Bộ Công an cũng đã vào cuộc điều tra, triệu tập những cá nhân liên quan để làm rõ trách nhiệm và mục đích của việc tung những thông tin không chính xác. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho mỗi người trước những thông tin về dịch bệnh.

Trần Văn Ngọc

  14:33 ngày 14/08/2014

Trong những dịch bệnh mà các bác sĩ đã nhắc đến và nói rằng dễ bị trong mùa này, có những bệnh nào có thể chủng ngừa bằng vắc-xin? Tôi có thể đến đâu để tiêm chủng?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Trước tiên xin cảm ơn bạn đã có câu hỏi. Những bệnh có vắc-xin là đã có biện pháp đặc hiệu để phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng có những bệnh chưa có vắc-xin mà chúng ta phải áp dụng các biện pháp dự phòng khác. Và cũng tùy vào điều kiện của từng nước mà số lượng vắc-xin được sử dụng nhiều hay ít. Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đã có hơn 20 loại vắc-xin được sử dụng để phòng bệnh cho người dân, trong đó có 11 bệnh có vắc-xin triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà nhà nước miễn phí cho người dân. Tôi có thể liệt kê một số vắc-xin hiện có đang sử dụng như: Lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, thủy đậu, quai bị, phòng ung thư cổ tử cung, viêm não Nhật Bản B, phòng chống tiêu chảy do Rota Virus,... Đối với vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bạn có thể đến các cơ sở y tế xã, phường để được tiêm chủng miễn phí. Còn đối với những vắc-xin nhà nước chưa có điều kiện để tiêm miễn phí thì bạn có thể đến các cơ sở tiêm dịch vụ liên hệ để được tiêm dịch vụ. 

Hồng Trần

  14:39 ngày 14/08/2014

Thưa ông Đình Anh! Mấy ngày nay, tôi nghe nhiều tin đồn thất thiệt về dịch bệnh Ebola. Tuy nhiên, trên các trang mạng chính thức của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng... các thông tin chỉ dẫn về phòng chống dịch bệnh còn rất ít. Nên chăng các trang mạng của Bộ Y tế cần có mục tư vấn trực tiếp?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những vấn đề nóng xung quanh dịch bệnh Ebola. Vừa qua Bộ Y tế đã cập nhật thông tin liên tục không chỉ với riêng dịch Ebola mà còn với các loại dịch bệnh khác trên các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế (http://moh.gov.vn/pages/home.aspx) và Cục Y tế dự phòng (http://vncdc.gov.vn/). Ngoài cập nhật những thông tin về tình hình dịch trong nước và quốc tế Bộ Y tế cũng cung cấp các thông tin về phòng chống dịch, các biện pháp chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn cách phòng bệnh cho người dân... để chủ động phòng ngừa khi có dịch bệnh xảy ra. 

Về việc mở chuyên mục tư vấn trực tiếp đây là một ý kiến rất hay, chúng tôi sẽ xem xét nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Mận

  14:39 ngày 14/08/2014

Cháu nhà tôi bị tiêu chảy, tôi nghe nói bị bệnh này thì pha nước chanh uống để bù nước sẽ tốt. Nhưng cháu lại bảo nước chanh quá chua không chịu uống, vậy có uống thứ gì khác để bù nước được không?

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Bù nước và điện giải trong những trường hợp tiêu chảy là rất cần thiết. Tuy nhiên nước chanh không phải là loại thức uống mà ngành y tế khuyến cáo dùng cho trẻ khi bị tiêu chảy. Bạn có thể cho trẻ dùng các loại dung dịch điện giải được chế biến với dạng viên hoặc gói có vị nước dừa, nước cam... được bán ở các hiệu thuốc. Điều cần lưu ý là bạn phải pha đúng cách với lượng nước đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trần Văn Giàu

  14:45 ngày 14/08/2014

Hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội có nhiều tin đồn Bộ Y tế đang giấu thông tin về bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola. Ngay cả hôm qua tôi đọc tin Bộ y tế tuyên bố tin đồn thất thiệt, nhiều người vẫn bình luận rằng nếu có dịch xảy ra, bộ cũng sẽ không công bố ngay, như dịch sởi. Có chuyện giấu dịch không thưa ông Nguyễn Đình Anh?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Đối với dịch Ebola, tôi xin khẳng định Bộ Y tế không giấu dịch. Nếu như có các ca bệnh nghi ngờ chúng tôi sẽ làm các xét nghiệm chẩn đoán khẳng và công bố ngay khi có kết quả. Đồng thời Bộ Y tế sẽ có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Những ngày qua, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật và chia sẻ các thông tin mới nhất liên quan đến dịch bệnh này với các cơ quan truyền thông.

Phạm Thu Anh

  14:45 ngày 14/08/2014

Con trai tôi từ nhỏ đến giờ rất hay bị đau bụng, tiêu chảy khi ăn uống món lạ, trong khi em gái cháu (nhỏ hơn 1 tuổi) thì không sao. Năm nay, tôi cho con học bán trú vì điều kiện gia đình không chăm sóc cháu cả ngày được nữa (con tôi lên lớp 4). Tôi rất lo vì sợ thức ăn trong trường không hợp với cháu. Vậy có cách nào cải thiện đường tiêu hóa cho cháu không?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Thông thường, đường tiêu hóa của trẻ em cần từ 3-5 ngày để thích nghi với thức ăn mới. Trong thời gian này, bé có thể có những rối loạn tiêu hóa nhẹ thoáng qua như tiêu chảy, táo bón. Vì vậy, nếu sau khoảng thời gian này, bé trai vẫn bị tiêu chảy hay đau bụng, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị. Nếu bé bị đau bụng nhiều hoặc tiêu chảy nặng, bạn cũng nên đưa bé đến bệnh viện. Hiện chưa có phương pháp nào có thể tăng cường sức đề kháng cho đường tiêu hóa ở trẻ 9-10 tuổi.

Hồng Ánh

  15:00 ngày 14/08/2014

Gửi ông Nguyễn Đình Anh! Ông nhận định thế nào về các nguồn tin gây hoang mang về dịch bệnh trên mạng xã hội. Người dân cần làm gì để có thông tin xác thực về dịch bệnh để phòng tránh nhưng không bị nhiễu loạn trước những tin tức sai lệch?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Trước những thông tin trên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tìm kiếm các thông tin chính thống nhưng trang thông tin của Bộ Y tế hoặc các tờ báo chính thống. Đây là những nguồn tin đáng tin cậy. Còn đối với các thông tin trên mạng xã hội khác, người dân cần kiểm chứng thông tin, tránh phát tán những thông tin gây hoang mang dư luận. 

Hoài Thu

  15:03 ngày 14/08/2014

Con trai tôi mới được 1 tuổi. Tôi thấy mấy cháu cùng tuổi vẫn mắc tiêu chảy, nhất là vào mùa hè này, dù tuổi này thì phụ huynh rất ít khi cho các cháu ăn đồ buôn bán không hợp vệ sinh ngoài đường. Vậy nguyên nhân là đâu thưa bác sĩ? Bác sĩ có thể hướng dẫn tôi cách phòng ngừa cho con?

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Mùa hè trời nóng, lại có mưa, mầm bệnh tiêu chảy dễ phát triển và lan truyền trong môi trường, cộng đồng. Trẻ vào lứa tuổi này không dùng thức ăn hàng rong dễ lây bệnh nhưng trẻ lại có những thói quen "nguy hiểm", dễ mắc bệnh tiêu chảy như hay ngậm tay, nhặt thức ăn rơi vãi cho vào miệng, liếm đồ vật, ngậm đồ chơi.

Người lớn thì lại ít lưu ý đến vấn đề vệ sinh trong ăn uống cho trẻ như núm vú bú bình chưa được trụng sôi, dính bẩn, tay dơ cầm đồ ăn đưa vào miệng cho trẻ...  Mùa hè các gia đình tổ chức đi chơi xa nên vấn đề đảm bảo nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm bị hạn chế. Những yếu tố diễn ra trên trong môi trường có nhiều mầm bệnh dễ làm cho bệnh tiêu chảy gia tăng.

 

Đào thị Xuân Phước

  15:07 ngày 14/08/2014

Tôi ở miền Trung, chuyển vô Nam sống được một thời gian. Tôi nghe nói môi trường miền Nam nhiều muỗi gây bệnh sốt xuất huyết hơn ở các miền khác. Điều này đúng không thưa bác sĩ? Gia đình tôi thường có người bị sốt phát ban theo mùa, lúc có nốt nhỏ ai cũng hốt hoảng vì sợ sốt xuất huyết. Làm sao phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền  bệnh. Muỗi  thường sinh sản trong các dụng cụ chứa nước như lu, khạp, bể chứa nước mưa, dụng cụ phế thải có chứa nước mưa. Muỗi vằn cũng thích đẻ trong các dụng cụ chứa nước trong nhà như bình hoa, bể hoa chậu cảnh có chứa nước... Khi thời tiết (nhiệt độ nóng, mùa mưa) là những điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Tại nước ta do miền Bắc có khí hậu 4 mùa vào mùa lạnh không thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, do đó dịch thường phát triển mạnh từ tháng 5, tháng 6 đến khoảng tháng 10. Song, tại khu vực miền Nam gần như nhiệt độ cao quanh năm nên dịch thường không có tính chất mùa mà có gần như suốt cả năm. Dịch đặc biệt tăng cao vào mùa mưa. Qua theo dõi, chúng tôi cũng thấy rằng số trường hợp mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Nam hàng năm thường cao hơn rất nhiều so với các tỉnh miền Bắc. 

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết là sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ và đặc biệt dấu hiệu điển hình là có xuất huyết dưới dạng xuất huyết ngoài da, xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Bệnh cũng có thể nhẹ, chỉ là có những triệu chứng cơ năng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ toàn thân mà không có dấu hiệu xuất huyết. Những người mắc sốt xuất huyết cũng có thể mắc nhiều lần vì virus truyền bệnh sốt xuất huyết có 4 type khác nhau, trong khi lại không có miễn dịch chéo giữa các type với nhau. Tuy nhiên, bạn nói người nhà của bạn bị sốt phát ban thì có thể hoàn toàn khác với bệnh sốt xuất huyết, vì sốt phát ban không phải là hình thức xuất huyết dưới da. Tuy nhiên, bạn cũng cần nên đến bác sĩ để có được những chẩn đoán và điều trị thích hợp. 

Thanh Tâm

  15:10 ngày 14/08/2014

Ngành y tế đang có các biện pháp ngăn chăn dịch Ebola từ khách nhập cảnh. Nhiều cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế tại các sân bay đang rất lo ngại sẽ là những người đầu tiên lây nhiễm. Vậy với những đối tượng này cần có những biện pháp phòng chóng đặc biệt nào?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Như các bạn đã biết, bệnh Ebola không lây qua đường hô hấp mà lây trực tiếp qua tiếp xúc gần với các dịch tiết của bệnh nhân như máu, mủ, các chất mô cơ thể... Do đó, nếu chúng ta có hiểu biết và áp dụng tốt các biện pháp phòng bệnh thì có thể phòng tránh được. Bệnh Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 cho đến 21 ngày. Bệnh chỉ lây khi người bị nhiễm virus Ebola bắt đầu có triệu chứng. Theo tôi nghĩ, tất cả các cán bộ làm công tác kiểm dịch đều được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân bạn cũng như cho cộng đồng. Tôi cũng đề nghị với các bạn cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh khi làm nhiệm vụ và cũng nên đề cao trách nhiệm của cá nhân mình, của những người làm kiểm dịch y tế đối với việc "canh gác cửa khẩu" không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. 

Mẹ Bôn

  15:13 ngày 14/08/2014

Thưa các bác sĩ! Để ngăn ngừa muỗi đốt, tôi thường mua thuốc xịt muỗi về tự xịt cho gia đình. Như vậy đã đủ để phòng sốt xuất huyết chưa?

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Xịt muỗi chỉ là một biện pháp giảm nguy cơ muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, chúng ta không thể xịt thuốc liên tục cả ngày. Nếu sống trong khu vực có nhiều muỗi, khi thuốc xịt hết tác dụng thì muỗi lại bay vào nhà và có thể đốt người gây bệnh. Vì vậy, vệ sinh môi trường cảnh quan, tránh nước tù đọng, phát quan bụi rậm để muỗi không có điều kiện sinh sôi phát triển, kết hợp ngủ mùng (dù là ban ngày) hoặc là ngủ trong phòng cửa lưới ngăn ngừa muỗi đốt. Với tất cả các biện pháp trên, hy vọng chúng ta có thể phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và những bệnh khác do muỗi đốt gây ra như bệnh viêm não Nhật Bản, sốt rét,...

Trần Mạnh Hùng

  15:14 ngày 14/08/2014

Cháu nhà tôi năm nay 14 tuổi, rất hay bị đau bao tử. Tôi có để sẵn ở nhà lọ Alumina, mỗi lần đau thì uống 1 viên là khỏi. Tuy nhiên cháu rất hay bị đau, nhất là mỗi lần ăn mấy món cay, nóng hay ăn không đúng bữa. Có cách nào trị khỏi hoàn toàn bệnh đau bao tử không thưa bác sĩ? Hoặc cách nào để cơn đau ít tái phát hơn?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Theo như bạn tả thì con bạn có nhiều khả năng bị viêm loét dạ dày - tá tràng. Nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng có thể là do vi trùng, siêu vi, do stress, do thuốc, do dị ứng hoặc các bệnh lý làm tăng tiết acid dạ dày. Cần thực hiện nội soi dạ dày để xác định tình trạng này cũng như tìm nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng mới có thể điều trị tận gốc được. 

Lê Khánh Ngọc

  15:14 ngày 14/08/2014

Tuy Ebola chưa đến Việt Nam nhưng tôi và mọi người xung quanh đang rất lo lắng vì nghe nói bệnh chưa có vắc-xin, mắc bệnh coi như chết. Nếu đang sống trong vùng bị dịch Ebola, người dân cần thực hiện những biện pháp nào để phòng ngừa bệnh dịch lây lan.

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Bệnh do virus Ebola lây truyền từ người sang người, Tổ chức  Y tế thế giới đã khuyến cáo các biện pháp sau có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh:

- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh;

- Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.

- Trường hợp nếu bạn nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

- Nếu bạn có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy PPE sau khi sử dụng.

- Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng  hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng  của người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola (ví dụ: Dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.  Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chin kỹ trước khi ăn.

 

Trần Thị Huyền

  15:20 ngày 14/08/2014

Các con tôi (7 tuổi và 10 tuổi) dạo này cứ kêu bụng bị căng, khó chịu, có khi nào các cháu bị giun không? Tôi nghe nói trẻ con nên xổ giun định kỳ, vậy bao lâu nên uống thuốc một lần? Tôi và chồng tôi trên 40 tuổi, có phải xổ giun định kỳ không?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Bụng bị căng và khó chịu là triệu chứng của khá nhiều bệnh ở đường tiêu hóa như: Viêm loét dạ dày - tá tràng, chứng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi... Vì vậy, chưa chắc xổ giun định kỳ có thể hết triệu chứng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, chúng ta nên xổ giun định kỳ mỗi 6-12 tháng đối với những vùng lưu hành nhiễm giun như Việt Nam chúng ta. Nếu các bé không hết triệu chứng sau khi xổ giun, bạn nên đưa bé đến bệnh viện.

Đặng Trúc Diễm

  15:28 ngày 14/08/2014

Tôi đọc báo biết nhiều xét nghiệm cho thấy mẫu nước từ các trạm cấp nước cũng nhiễm Ecoli, có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vậy người dân chúng tôi làm thế nào để phòng bệnh khi nước do nhà nước cấp cũng nhiễm khuẩn?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Khi xét nghiệm mẫu nước có Ecoli, thông thường vi khuẩn Ecoli ở đây không phải là vi khuẩn Ecoli gây bệnh mà là vi khuẩn chỉ điểm mẫu nước đó không sạch mà bị ô nhiễm bởi phân và như vậy có thể ô nhiễm bởi các vi khuẩn gây bệnh khác. Và khi mẫu nước không sạch như vậy chúng ta không nên dùng. Nếu dùng chúng ta phải tiến hành khử khuẩn bằng các loại hóa chất. Nếu sử dụng cho ăn uống, chúng ta phải đun sôi nước sau đó để nguội mới uống và thực phẩm phải được nấu chín mới ăn. Tuy nhiên, cũng có những nơi không có điều kiện để tiến hàng khử khuẩn thì chúng ta có thể dùng phục vụ cho sinh hoạt như tắm giặt, song tuyệt đối không được dùng cho ăn uống khi chưa đun sôi và nấu chín thức ăn. 

Nguyễn thị Tĩnh

  15:29 ngày 14/08/2014

Nếu dịch Ebola vào Việt Nam, nước ta sẽ ứng phó thế nào đây? Dân chúng tôi thật sự rất hoang mang vì chưa có khuyến cáo nào rõ ràng về Ebola cả.

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Hiện nay Bộ Y tế đã có những khuyến cáo rất cụ thể trong việc phòng bệnh Ebola. Chẳng hạn đối với khách du lịch, Bộ Y tế khuyến cáo như sau: Tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh; Cán bộ y tế đi làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn; Nếu bạn đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên.

Tôi cũng xin nhắc lại do virus Ebola lây truyền từ người sang người, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau để phát hiện sớm bệnh: Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Bạn nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.

 

Nguyễn Văn Tâm

  15:29 ngày 14/08/2014

Dịch Ebola lây lan thế nào? Nếu bị nhiễm bệnh thì có cứu được không bác sĩ?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Bệnh Ebola là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus Ebola gây nên. Hiện nay bệnh đang lây lan và bùng phát rất mạnh ở các nước Tây Phi. Từ cuối năm 2013 đến nay đã có 1.975 trường hợp mắc và trên 1.069 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo bệnh sẽ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh không lây lan theo đường hô hấp, mà lây lan qua tiếp xúc gần với dịch tiết của bệnh nhân như: Máu, mủ, chất tiết,... hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm Ebola. Bệnh cũng có thể lây từ các loài dơi ăn quả, các động vật linh trưởng như: Khỉ, tinh tinh, vượn,... bị nhiễm bệnh. 

Như vừa đề cập ở trên, tỉ lệ tử vong của bệnh là rất cao. Tuy nhiên, đây là số liệu tại các nước Tây Phi nơi mà có điều kiện kinh tế, xã hội, chăm sóc y tế yếu kém. Nói tóm lại, bệnh cũng có thể cứu chữa được nhưng ở mức độ rất khó khăn và tỉ lệ tử vong cao. Đối với các nước có nền kinh tế phát triển, đời sống người dân, ý thức phòng  bệnh tốt có thể tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn, nghĩa là tỉ lệ cứu sống sẽ cao hơn. 

Nguyễn Thị Ba

  15:30 ngày 14/08/2014

Cháu nhà tôi năm nay 15 tuổi, vì hoàn cảnh nên lên cấp 3 phải đi học nội trú. Cháu rất hay bị đau bao tử khi ăn một số món nhưng vào trường thì phải ăn theo thực đơn của người ta nên rất lo. Tôi có nên chuẩn bị thuốc men gì cho cháu không?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị dứt điểm bệnh dạ dày. Đồng thời bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh của bé.

phan sơn hà

  15:31 ngày 14/08/2014

Làm thế nào phân biệt tiêu chảy bình thường và tiêu chảy cấp? Giai đoạn nào thì mới ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ? Độ tuổi của trẻ là bao nhiêu thì thường mắc tiêu chảy cấp, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Tiêu chảy theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới là tình trạng tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ qua. Phân lỏng là phân có hình của vật chứa. Nếu một đợt tiêu chảy kết thúc trước 14 ngày thì gọi là tiêu chảy cấp tính (gọi tắt là tiêu chảy cấp). Nếu trẻ vẫn còn tiêu chảy từ ngày thứ 14 đến 29 ngày thì gọi là tiêu chảy kéo dài. Sau ngày thứ 30 nếu trẻ vẫn còn tiêu chảy thì gọi là tiêu chảy mãn tính. Vậy khi người ta gọi bé bị tiêu chảy cấp có nghĩa là bé bị tiêu chảy chưa tới 14 ngày. Nếu bé bị tiêu phân lỏng nhưng ít hơn 3 lần trong vòng 24 giờ thì gọi là rối loạn tiêu hóa hay gọi là tiêu chảy theo ngôn ngữ dân gian.

Bệnh tiêu chảy là một bệnh lây qua đường phân - miệng, có hơn 20 tác nhân gây ra tiêu chảy. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Nguy cơ lớn nhất của tiêu chảy cấp là mất nước. Mất nước có thể làm cơ thể bị khô kiệt, sốc và đưa đến tử vong. Nguy cơ này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong thời gian trẻ bị tiêu chảy. Vì vậy, cần cho bé uống nhiều nước để ngừa mất nước và phát hiện dấu hiệu mất nước (khát nhiều, uống háo hức, quấy khóc, bứt rứt, khóc không có nước mắt, môi, lưỡi khô, mắt trũng) cũng như dấu hiệu nặng (li bì, khó đánh thức, ói liên tục, co giật, sốt cao khó hạ) để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Vũ Văn Vinh

  15:32 ngày 14/08/2014

Thời kỳ đầu khi dịch HIV, SARS vào Việt Nam, cả người dân lẫn cán bộ y tế đều rất hoang mang. Khu vực BV Nhiệt đới khi có dịch SARS trở thành một ổ dịch kinh hoàng. Nếu có dịch Ebola xâm nhập, liệu tình trạng này có xảy ra? Bộ Y tế có biện pháp gì để động viên và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế để họ làm việc?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong việc khống chế các dịch bệnh, đặc biệt dịch SARS. Những bài học trong công tác ứng phó và khống chế thành công dịch bệnh này giúp Việt Nam có thêm những kinh nghiệm để đối với các dịch bệnh bệnh như cúm A/H5N1, cúm A/H1N1…  Thực tế, thời gian qua mỗi khi có các dịch bệnh xảy ra, Đảng và chính phủ rất quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị, vào cuộc. Hơn nữa, người dẫn đã ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch nên đã chủ động động phòng ngừa. Tôi tin rằng nếu chủ động và sẵn sàng các biện pháp để ứng phó của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân chắc chắn dịch bệnh này sẽ được kiểm soát.

Trần Minh Hùng

  15:32 ngày 14/08/2014

Con tôi (8 tuổi) thỉnh thoảng đi mưa hay nắng nhiều về thì có bị sốt nhẹ nhẹ, uống 1 viên hạ sốt thì khỏi. Vậy có phải cháu quá yếu không? Cháu sốt khi cập nhiệt được khoảng 38 độ? Hè này thời tiết thay đổi thì cứ một tuần cháu bị một lần, vậy có sao không, có cần đi khám không?

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Thời tiết thay đổi dễ ảnh hưởng lên hoạt động con người, mầm bệnh dễ phát triển. Sốt là phản ứng của cơ thể thường xảy ra trong những trường hợp bệnh nhiễm trùng, cũng có thể xáo trộn hoạt động trao đổi chất, mất nước cơ thể. Với tình trạng cháu bị sốt nhẹ rồi lại tự khỏi như thế (thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng hạ nhiệt tạm thời) thì ít có khả năng bị mắc bệnh nhiễm trùng cần phải điều trị. Nếu tình trạng trên diễn ra thường xuyên hơn, sốt cao hơn, bạn có thể cho cháu đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ. 

lê anh

  15:32 ngày 14/08/2014

Chào bác sĩ! Làm thế nào để biết tiêu chảy chuyển qua thành dịch tả? Con tôi bị tiêu chảy cũng thường xuyên vì vậy rất băn khoăn không biết lúc nào cháu bị tả. Mong bác sĩ giải đáp. Cám ơn.

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Tả là bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ nhiễm phẩy khuẩn tả qua đường tiêu hoá gây ra. Để xác định 1 trường hợp tiêu chảy cấp là bệnh tả phải có kết quả cấy phân dương tính với vi khuẩn tả. Đa số các trường hợp bệnh tả  có biểu hiện giống như tiêu chảy cấp nên khó phân biệt khi trẻ bị bệnh.

Những trường hợp bệnh tả điển hình thì bệnh nhân đi tiêu nhiều lần, ồ ạt, phân lỏng nước, có mùi tanh đặc trưng. Nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến sốc mất nước, suy thận, toan máu khiến người bệnh tử vong trong vòng vài giờ. Kết quả điều trị bệnh tả và các trường hợp tiêu chảy cấp mất nước khác phụ thuộc vào việc có nhanh chóng bồi hoàn nước điện giải cho người bệnh hay không. Chính vì vậy khi trẻ bị tiêu chảy có biểu hiện mất nước (môi khô, khát, lờ đờ, người sọp đi) thì nhanh chóng đưa đến cơ quan y tế để khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

 

Nguyễn Nguyễn

  15:35 ngày 14/08/2014

Việt Nam được đánh giá cao là đã có kinh nghiệm trong phòng chống, ngăn chặn, khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, vậy yếu tố nào là quan trọng nhất? Trong vụ dịch Ebola lần này, xin đánh giá về những chỉ đạo của Bộ Y tế, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế và hiệu quả của những chính sách, chỉ đạo này? Em cảm ơn!

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về tình trạng dịch bệnh Ebola xảy ra ở các nước Tây Phi, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các kế hoạch ứng phó. Bộ Y tế đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc với các bộ, ngành liên quan để bàn các biện pháp ứng phó trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với ngành y tế nhằm ngăn chặn, phát hiện và kiểm soát trong trường hợp dịch Ebola xảy ra ở Việt Nam. Trước mắt Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền cho người dân nắm bắt đầy đủ thông tin, chủ động phòng ngừa, tránh gây hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.   

trần lê hồng hoa

  15:35 ngày 14/08/2014

Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu ban đầu của bệnh tiêu chảy và ở mức độ nào thì phải đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Ở giai đoạn đầu của bệnh tiêu chảy, trẻ có thể bị nôn ói trước vài giờ và có xu hướng giảm sau khi trẻ bắt đầu tiêu chảy. Ngoài ra có thể kèm sốt, ho, sổ mũi.

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy thường tự giới hạn sau 5-7 ngày nếu như được bù dịch và dinh dưỡng thích hợp. Đa số các trẻ đều có thể được điều trị tại nhà, tỉ lệ phải nhập viện điều trị là dưới 10%. Bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế khám ngay nếu trẻ có dấu hiệu mất nước (khát nhiều, uống háo hức, quấy khóc, bứt rứt, khóc không có nước mắt, môi, lưỡi khô, mắt trũng); cũng như dấu hiệu nặng (li bì, khó đánh thức, ói liên tục, co giật, sốt cao khó hạ), và tiêu phân có máu. Nếu sau 2 ngày điều trị tại nhà mà tình trạng không cải thiện thì bạn cũng cần đưa bé đến bệnh viện.

Dương Thị Thơ

  15:38 ngày 14/08/2014

Gia đình tôi có người thân tại nơi ổ dịch. Vậy giờ con tôi muốn về nước có được không?

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Hiện nay chưa có sự ngăn cấm người từ vùng dịch về. Tuy nhiên, cần phải khai báo và chịu sự giám sát của cơ quan y tế trong vong 21 ngày. 

Nguyễn Lê Minh Thùy,

  15:38 ngày 14/08/2014

Thưa các bác sĩ, tính tới thời điểm bây giờ đã có những nước nào có dịch bệnh Ebola? Gần Việt Nam nhất là nước nào?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay đã có 1.975 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 1.069 người tử vong do virus này. Dịch Ebola hiện đang xảy ra tại 4 nước ở Tây Phi (Sierra Leone, Nigeria, Liberia và Guinea). Hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào ở Châu Á.

Nguyễn Hòa

  15:51 ngày 14/08/2014

Thưa ông lãnh đạo vụ truyền thông của Bộ Y tế! Tôi thấy mấy ngày qua, ở Việt Nam, chỉ mới vài tin đồn về bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola đã làm người dân nhốn nháo. Trong trường hợp này, các nước thế giới giải quyết như thế nào? Nước ta phải làm gì để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt gây hoang mang tiếp theo?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Ngay sau khi có tin đồn về trường hợp nghi mắc Ebola, tối 11-8 Bộ Y tế đã ra thông báo khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam. Ngay trong sáng 12-8 Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đã tổ chức họp báo cập nhật và chia sẻ thông tin với các cơ quan truyền thông trong việc phối hợp tuyên truyền về dịch bệnh. Ngoài ra Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao - Du lịch và các bộ, ngành liên quan khác tăng cường giám sát chặt chẽ các khách nhập cảnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có các phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời tránh lây lan dịch bệnh. Bộ Y tế cũng đã tích cực phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật và cung cấp thường xuyên các thông tin về tình hình dịch bệnh cho các cơ quan thông tấn báo chí. Từ đó, chủ động tuyên truyền giúp người dân bình tĩnh, không hoang mang và chủ động có các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Vi Nhật Ánh

  15:51 ngày 14/08/2014

Thưa bác sĩ, bệnh Ebola nếu phát hiện sớm có ngăn ngừa được không? Em nghe nói mắc bệnh này như đi vào cửa tử.

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Nếu phát hiện ca bệnh Ebola sớm thì chúng ta có thể có những biện pháp dự phòng hữu hiệu cho cộng đồng. Đối với bệnh nhân khi đã mắc bệnh thì dù phát hiện sớm cũng rất khó khăn trong điều trị do chưa có thuốc đặc trị và bệnh có diễn tiến nhanh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.

bác sĩ

  15:54 ngày 14/08/2014

Ebola được ví như dịch SARS. Nhiều cán bộ y tế làm việc tại các bệnh viện truyền nhiễm, khoa truyền nhiễm như chúng tôi đang rất lo ngại sẽ bị lây bệnh. Ngành y tế đã có những biện pháp nào để phòng chống trong các bệnh viện?

ThS-bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Đối với các cơ sở điều trị cán bộ y tế chuyên chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola, họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các đối tượng khác. Do vậy, ngoài các biện pháp phòng ngừa chung, cán bộ y tế cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm như: khăn trải giường hay kim tiêm đã qua sử dụng.

Cán bộ y tế cần sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo hộ. Không nên sử dụng lại các phương tiện phòng hộ đã qua sử dụng nếu chưa được khử trùng đúng cách. Cần thay đổi găng tay khi chăm sóc cho từng bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Ebola. Các quy trình điều trị, chăm sóc y tế có thể làm cho bác sĩ, y tá hay cán bộ y tế khác dễ phơi nhiễm với bệnh cần được thực hiện trong điều kiện an toàn và nghiêm ngặt. Cần cách ly bệnh nhân mắc bệnh do virus Ebola khỏi các bệnh nhân khác và người khỏe mạnh.

  •  

Lê thùy trang

  15:55 ngày 14/08/2014

Hiện nay năng lực xét nghiệm của Việt Nam còn hạn chế chưa phát hiện ra virus Ebola. Vậy làm thế nào để biết chắc chắn bệnh nhân đó nhiễm Ebola? Những người vừa trở về từ vùng dịch cần phải theo dõi sức khỏe trong bao nhiều ngày để chắc chắn là không mắc bệnh?

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Để xác định 1 ca bệnh Ebola thì phải có xét nghiệm PCR dương tính. Do hiện nay chưa triển khai được xét nghiệm này, nên việc chẩn đoán nhiễm Ebola chủ yếu là giám sát các ca bệnh nghi ngờ. Đó là  những ca bệnh có triệu chứng lâm sàng và có yếu tố dịch tễ trong vòng 3 tuần trước khi có triệu chứng:

- Tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của bệnh nhân được xác định hoặc nghi ngờ nhiễm Ebola

- Sống hay đi tới vùng dịch Ebola lưu hành

- Trực tiếp xử lý, tiếp xúc với dơi chuột hoặc động vật linh trưởng từ các vùng dịch tễ.

- Những người từ vùng dịch trở về cần được giám sát, theo dõi trong vòng 21 ngày.

Thu An

  16:09 ngày 14/08/2014

Ở miền Nam mùa này nắng rất nóng, hay mưa thất thường thì trẻ con dễ bị bệnh gì? Tôi đang có con nhỏ gần 2 tuổi.

TS-bác sĩ Lê Mạnh Hùng

Do thời tiết thay đổi nên trẻ con dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp và tiêu hoá. Vì vậy, tránh cho trẻ ra đường khi nắng nóng, khi mưa, không sử dụng máy điều hoà ở nhiệt độ thấp, không để máy quạt thẳng vào người trẻ, lưu ý vệ sinh rửa tay thường xuyên, chế biến và bảo quản sữa, thực phẩm, nước uống cho trẻ cẩn thận, hợp vệ sinh... Khi trẻ có các triệu chứng bệnh lý, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, tránh tự ý dùng thuốc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo