xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng chủ quan với bệnh tay chân miệng

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Mùa cao điểm nắng nóng, chuyển mùa cũng là thời điểm của bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, khi trẻ đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ do dịch Covid-19, tỉ lệ mắc tay chân miệng dự báo tăng

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết tình hình điều trị tay chân miệng tại bệnh viện hiện có tăng nhưng chưa nhiều. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, trẻ không đi học nên tỉ lệ trẻ mắc cũng ít. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết trẻ đã trở lại trường nên thời gian tới, tỉ lệ mắc tay chân miệng dự báo tăng.

Nhiều ca chuyển biến nặng

Hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-70 trẻ khám ngoại trú và 15-20 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp diễn tiến nặng phải thở máy.

Đừng chủ quan với bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết mới đây bệnh viện đã cứu sống bé gái (3 tuổi, ngụ tỉnh Long An) nguy kịch vì mắc tay chân miệng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều vì loét họng. Lòng bàn tay, chân không có hồng ban bóng nước, những biểu hiện thường thấy ở bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng tay chân miệng. Bệnh nhi nhanh chóng được các y bác sĩ cho thở máy, chống gồng giật tốt, truyền Gammaglobulin kịp thời... Sau 2 ngày điều trị tích cực, bé gái dần hồi phục và sức khỏe ổn định.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết bệnh viện đang điều trị nội trú cho khoảng 16 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 1 ca chuyển nặng. Theo bác sĩ Quy, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến khám ngoại trú, trong đó có 4-5 ca phải nhập viện điều trị.

"Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên so với tỉ lệ mắc tay chân miệng cùng thời điểm năm ngoái, trẻ nhập viện điều trị cao. Bệnh viện đã tăng cường nhân sự, thiết bị để kịp thời chăm sóc trẻ" - bác sĩ Quy nói.

Bác sĩ Quy lưu ý bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc, hiện trẻ đi học trở lại nên tỉ lệ bệnh có tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đang là mùa trẻ dễ bị bệnh liên quan đến hô hấp nên số trẻ nhập viện thường không phải do bệnh tay chân miệng tiến triển nặng mà do trẻ kèm theo viêm phế quản, viêm phổi...

Ít nổi hồng ban, bóng nước càng nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4.

Bác sĩ Tiến lý giải virus khi vào cơ thể sẽ biểu hiện qua 3 con đường. Thứ nhất, qua da. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh bóng nước hồng ban qua da thường là nhẹ. Thứ 2: virus đi qua đường máu lên não sẽ gây sốt cao, giật mình. Thứ 3: virus qua sợi dây thần kinh vận động rồi lên não khiến em bé yếu liệt chi.

"Trẻ gặp biến chứng nặng khi mắc tay chân miệng không phải do bệnh lý nền kèm theo mà do cơ địa của mỗi trẻ. Do đó, quan trọng nhất là theo dõi biểu hiện lâm sàng, nếu càng lộ bóng nước hồng ban ra ngoài càng nhiều thì bệnh càng nhẹ, tuy nhiên, càng kín đáo mà sốt cao thì trẻ càng nặng" - bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Bác sĩ Tiến lưu ý khi trẻ bị sốt thì phải nghĩ ngay tới tay chân miệng bởi đây là một loại bệnh dễ mắc, dễ diễn tiến nặng, có thể dẫn đến tử vong. "Các bậc phụ huynh có con em sốt có thể theo dõi những ngày đầu, cho trẻ uống hạ sốt, lau mát, ăn thức ăn dễ tiêu... Tuy nhiên, nếu như sau 1 ngày mà trẻ vẫn sốt thì cần đi khám, điều trị. Hiện có dịch Covid-19 và sốt xuất huyết nên khi đến cơ sở y tế, trẻ có thể được làm test nhanh SARS-CoV-2, làm test nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết để loại trừ. Song song đó, bác sĩ thăm khám xem trẻ có loét họng, có biểu hiện bóng nước hồng ban lòng bàn tay, chân, mông, gối để kịp thời phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, điều trị kịp thời, tránh tình trạng trở nặng" - bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Bác sĩ Tiến cũng nói thêm đối với trẻ sốt nhẹ, dưới 38,5 độ C, loét miệng, có hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân nhưng trẻ vẫn tỉnh táo, chơi đùa thường sẽ được điều trị ngoại trú.

Khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà thường sẽ uống thuốc theo toa, hạ sốt khi trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ khi sốt lại. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay... Nếu trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel hoặc varogel hoặc trimafort... cho trẻ ngậm nuốt 1-2 ml/lần để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Ngoài ra, cho trẻ tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. 

Chưa có thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh

Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Bệnh có 2 mùa bùng phát. Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5. Đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 12.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ lành bệnh. Bên cạnh đó, vệ sinh sạch sẽ răng miệng, thân thể, tăng cường bổ sung các loại nước trái cây, vitamin C, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu, ưu tiên đồ ăn trẻ yêu thích. "Đặc biệt quan trọng khi chăm sóc trẻ ở nhà, phụ huynh cần theo dõi chuyển độ ở trẻ như trẻ sốt cao liên tục không hạ, giật mình chới với. Đây là 2 dấu hiệu thường gặp khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, trẻ nôn ói, quấy khóc liên tục, tay chân yếu liệt, run rẩy... thì nên đưa đi viện sớm để điều trị kịp thời" - bác sĩ Quy khuyến cáo.

Bác sĩ Quy cho biết sắp tới bệnh viện sẽ tập huấn lại cho các bác sĩ điều trị tại tuyến quận, huyện và một số tỉnh cũng như các cô giáo bảo mẫu, y tế tại trường học về bệnh tay chân miệng để mọi người nắm kỹ thông tin nhằm bảo đảm chăm sóc trẻ tốt hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo