xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dinh dưỡng trị bệnh bị xem nhẹ!

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Theo Bộ Y tế, hiện vẫn còn gần 30% bệnh viện chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị cho bệnh nhân

Dinh dưỡng - tiết chế được cho là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh trong quá trình điều trị. Song hiện nay, vẫn còn nhiều bệnh viện (BV) chưa chú trọng vấn đề này.

30%-50% bệnh nhân nằm viện bị suy dinh dưỡng

Bà H.T.K (54 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) bị bệnh đái tháo đường kèm thoái hóa khớp. Đối với bà, BV chẳng khác gì “nhà” vì bà thường ra vào điều trị. Từ chỗ cân nặng 58 kg, chỉ hơn gần một tháng nằm điều trị, bà chỉ còn khoảng hơn 40 kg. Xuất viện về nhà, người thân và bà con lối xóm đến thăm ai cũng ngỡ ngàng vì sự sa sút, tiều tụy của bà. Mới đây, khi xuống TP HCM khám bệnh, bà được các bác sĩ (BS) xác định bị suy dưỡng trong quá trình điều trị, cụ thể là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý trong điều kiện bà mắc bệnh đái tháo đường.

Bà K. là điển hình trong hàng ngàn trường hợp đang nằm viện điều trị nhưng chưa được quan tâm về dinh dưỡng hiện nay. Theo Bộ Y tế, phần lớn BV vẫn chưa quan tâm đến dinh dưỡng - tiết chế cho người bệnh, nhất là ở các BV tuyến quận, huyện và tỉnh. Hiện còn gần 300 BV chưa thành lập khoa (tổ) dinh dưỡng (chiếm 28,8%).

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết chỉ mới có 23% BV tuyến huyện có khoa (tổ) dinh dưỡng, tỉ lệ các BV thuộc trường đại học và BV ngành chưa thành lập đơn vị dinh dưỡng còn khá cao.

 

Nếu được quan tâm về dinh dưỡng, chất lượng điều trị, hồi phục sức khỏe... của người bệnh sẽ tốt hơn
Nếu được quan tâm về dinh dưỡng, chất lượng điều trị, hồi phục sức khỏe... của người bệnh sẽ tốt hơn

Tại TP HCM, khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng cũng cho thấy số BV có khoa, tổ dinh dưỡng cũng mới đạt 70%. Đáng chú ý là hơn 1/3 BV tư nhân chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP, cho rằng hoạt động dinh dưỡng - tiết chế trong BV vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức; công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú, xây dựng kế hoạch can thiệp về dinh dưỡng, cung cấp suất ăn chưa được thực hiện đầy đủ…

Theo các chuyên gia, có khoảng 30%-50% bệnh nhân nằm viện bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này có ngay khi mới vào, cạn kiệt dinh dưỡng do bệnh lý tác động lúc nằm viện hay bị mất dinh dưỡng do các thủ thuật gây tai biến xảy ra trong BV. Có tới 2/3 bệnh nhân nằm viện không được thầy thuốc quan tâm đến tình trạng dinh dưỡng cũng như bản thân người bệnh rất ít để ý vấn đề này, họ chủ yếu nghĩ đến thuốc, các thủ thuật, phẫu thuật.

Cần chính sách BHYT về dinh dưỡng

Trong khi nhiều nơi chưa quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân thì cũng có những BV làm tốt công tác này. Theo TS-BS Tạ Thị Tuyết Mai, phụ trách dinh dưỡng BV Nhân dân Gia Định (TP HCM), BV đã thành lập Khoa Dinh dưỡng ngay từ năm 1998.

Khoa Dinh dưỡng BV có 3 nhiệm vụ chính là tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân trước xuất viện; hội chẩn nuôi ăn bệnh nhân tại giường; cung cấp suất ăn bệnh lý (nuôi ăn đường miệng, nuôi ăn qua ống thông). Những bệnh nhân nằm khoa hồi sức tích cực, chống độc, lão khoa, ung thư đại tràng... đối diện nguy cơ cao về suy dinh dưỡng do phải thở máy kéo dài, nhiễm khuẩn BV, tiêu tốn nhiều chi phí…

Tại BV Chợ Rẫy, nơi có hơn 5.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị mỗi ngày, công tác dinh dưỡng luôn được quan tâm, nhất là dinh dưỡng đối với các bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, suy thận, gan… TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, cho biết khoa chuyên lo dinh dưỡng cho 6.000 con người từ y - bác sĩ cho đến người bệnh, trong đó công tác dinh dưỡng - tiết chế rất được chú trọng. Tuy nhiên, trong vấn đề này, BHYT hầu như còn bỏ ngỏ.

“Chỉ 50.000 đồng/ngày thôi, người bệnh sẽ được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù được thiết kế theo đúng bệnh của mình. Chúng tôi đã kiến nghị hỗ trợ từ lâu nhưng chưa được BHYT lưu tâm” - BS Tâm nhấn mạnh.

Chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh khác với người bình thường và có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình điều trị. BS ở khoa dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong việc giúp tăng sức đề kháng, hạn chế biến chứng khi mổ, sớm phục hồi sức khỏe và giảm tỉ lệ tử vong ở người bệnh.

“Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và chất lượng sống của người bệnh. Thiếu chú trọng chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân dễ tái nhập viện, vết thương lâu lành, nhất là đối với các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận, rối loạn tiêu hóa, ung thư…” - bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh.

 

Các bệnh viện lơ là sẽ bị xử lý

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay năm 2016, sở sẽ kiểm tra và giám sát công tác dinh dưỡng tại các BV trực thuộc. Những BV chưa có khoa dinh dưỡng sẽ phải nhanh chóng thành lập để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh tại các khoa lâm sàng. Với những BV không lập khoa dinh dưỡng, sở sẽ xem xét các vấn đề liên quan và có hình thức xử lý phù hợp, có thể BV sẽ bị xuống hạng.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cũng yêu cầu lãnh đạo các BV soát xét lại tình hình, tập trung tổ chức thực hiện công tác dinh dưỡng - tiết chế trong BV, bổ sung nhân lực phụ trách dinh dưỡng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo