xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cụ bà trăm tuổi đánh bại “Cô Vy”

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Cụ Lê Thị Hiền ở tỉnh Quảng Nam là người lớn tuổi nhất Việt Nam mắc Covid-19.

Ngày 2-8-2020, Bộ Y tế công bố thông tin cụ Lê Thị Hiền (SN 1920) là ca Covid-19 thứ 592 ở Việt Nam. Lúc này, nhiều người lắc đầu nghĩ đến cái kết buồn sẽ đến với cụ bởi thời điểm đó, ở nước ta đã có một số trường hợp qua đời do căn bệnh quái ác này. Hơn 1 tháng sau, ngày 12-9, cụ Hiền rạng rỡ xuất viện trong niềm vui khôn tả của các y - bác sĩ và người thân.

Bà Hồ Thị Thiếp (con gái của cụ Hiền) vẫn còn rưng rưng nước mắt khi nhắc lại giai đoạn ly tán của gia đình. Ngày 22-7, cụ Hiền bị cao huyết áp nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bình An (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) điều trị, nằm chung phòng với bệnh nhân 524. Năm ngày sau, cụ Hiền xuất viện. Về nhà được 3 ngày, cụ than mệt nên người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên kiểm tra. Lúc này, cụ bị tụt huyết áp rồi rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Sau đó, gia đình nhận được tin "sét đánh" cụ Hiền và người con gái đầu (bệnh nhân 723) mắc Covid-19.

Cụ bà trăm tuổi đánh bại “Cô Vy” - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trao giấy ra viện và quà cho cụ Lê Thị Hiền

Hai mẹ con cụ Hiền được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị. 30 người thân của cụ Hiền gồm 4 người con, 26 người cháu được đưa vào cách ly tập trung tại 3 địa điểm ở huyện Duy Xuyên. Gia đình lâm cảnh ly tán. Mẹ già 100 tuổi và chị gái mắc phải căn bệnh quái ác không biết sống chết ra sao, bà Thiếp và mấy chị em hoàn toàn suy sụp.

"Thương mẹ nằm viện một mình không có ai chăm, nghĩ đến giây phút mẹ mất đi mà không có con cháu bên cạnh, mấy chị em chỉ biết nhìn nhau khóc. Chị em ở chung phòng cách ly nhưng không thể nói với nhau một lời nào" - bà Thiếp nhớ lại.

Những ngày đó, gia đình chỉ biết tìm kiếm, cập nhật thông tin của cụ Hiền qua báo đài. Lúc ấy, bác sĩ Huỳnh Quang Đại (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM) được điều động ra tỉnh Quảng Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19, đang trực tiếp điều trị cho cụ Hiền. Biết tin, bà Thiếp kêu cháu gái tìm Facebook của bác sĩ để liên lạc. Gần một tuần sau ngày vào viện, gia đình bà Thiếp mới có thể trò chuyện qua cuộc gọi video với cụ Hiền thông qua bác sĩ Đại.

Mỗi ngày trôi qua, gia đình càng được tiếp thêm động lực và có niềm tin cụ Hiền sẽ chiến thắng Covid-19 khi các bác sĩ cho biết sức khỏe cụ ngày càng tiến triển. Gần 2 tuần sau, khi bệnh thuyên giảm, cụ Hiền được đưa ra khu vực bệnh nhẹ, ở chung phòng với con gái. Lúc này, gia đình mới thường xuyên được cập nhật thông tin cụ Hiền.

Ngày hai mẹ con cụ Hiền xuất viện, con cháu đứng chật nhà đón chờ. Hôm đó, bà Thiếp ra chợ mua đồ làm một bữa cơm thịnh soạn mừng ngày gia đình đoàn tụ, mừng mẹ thoát chết trở về.

Hiện nay, cụ Hiền sống cùng bà Thiếp trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng vài chục mét vuông. Bà Thiếp bị khuyết tật ở chân, không lấy chồng, ở vậy chăm mẹ già. Gia đình bà Thiếp thuộc diện hộ nghèo của xã Duy Trung. Nhờ số tiền trợ cấp, bà Thiếp nuôi thêm mấy con gà bán kiếm thêm thu nhập, mẹ con nương tựa vào nhau, rau cháo qua ngày.

Dù nghèo khó, bước qua tuổi 101 nhưng cụ Hiền còn khỏe và rất minh mẫn. Virus SARS-CoV-2 không thể đánh bại cụ nhưng cũng khiến sức khỏe cụ suy giảm khá nhiều. Trước khi bị bệnh, cụ có thể ngồi sau xe máy cùng các con đi lễ nhà thờ hằng tuần, có thể tự đi bộ sang nhà hàng xóm chơi, tự quét sân, nhổ cỏ trong vườn. Giờ đây, cụ chỉ đi lại, vận động trong nhà.

Gặp chúng tôi, ký ức 1 tháng điều trị Covid-19 chợt ùa về. Cụ Hiền kể khi tỉnh dậy, cụ thấy mình đang nằm trên giường bệnh, tay chân bị buộc chặt vào 4 góc giường, thân người ê ẩm. Cụ rơi nước mắt nghĩ mình sẽ chết mà không có người thân bên cạnh.

"Tui hỏi bác sĩ răng lại trói tay chân tui. Bác sĩ nói để cho tui khỏi vùng. Tui nói mở ra tui không có vùng vẫy chi cả. Mấy bác nói tui ăn uống nhiều vô mới "cởi trói". Bác sĩ nói tui phải lạc quan, vui vẻ nhiều lên mới nhanh lành bệnh về với con cháu" - cụ Hiền kể lại một cách rành rọt.

Khi cụ dần khỏe lại, sáng nào các bác sĩ cũng giúp cụ tập đi đứng, vận động. Các nhân viên y tế động viên, chăm sóc cụ như người thân ruột thịt, kể chuyện hài để cho khỏi buồn rồi động viên cụ rất nhiều.

Theo cụ Hiền, các bác sĩ, y tá ở bệnh viện ai cũng hiền lành, dễ thương. Cụ không nhớ tên ai, chỉ phân biệt mọi người qua gương mặt và giọng nói nhưng bây giờ gặp lại sẽ nhớ từng người.

Cụ mời các bác sĩ ghé nhà chơi sau khi lành bệnh nhưng chưa thấy ai đến. Ngày xuất viện, giám đốc bệnh viện tặng cụ 2 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Cụ Hiền nói mình "được trời nuôi" chứ cuộc đời cực khổ lắm, chẳng hề có bí quyết chi để sống thọ cả. Năm 35 tuổi, chồng đột ngột qua đời, một mình cụ gánh gồng nuôi 6 người con khôn lớn. Cụ giữ được sức khỏe dẻo dai nhờ ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc. Ngày 3 bữa, sáng ăn cháo, trưa chiều ăn cơm. Sau khi ăn tối, 20 giờ, cụ đi ngủ thẳng giấc tới 6 giờ sáng hôm sau mới dậy.

"Cứ vô tư, lạc quan thì mới khỏe mạnh, sống lâu" - cụ cười hiền như tên mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo