xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba tôi - bác sĩ quân y!

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thu Hiền

Ba tôi bảo từ nơi trận mạc, được trở về với gia đình là may mắn rồi; nghề y của ba là do quân đội dạy, nên giúp được dân nghèo là giúp, không được từ chối

Ba tôi là bác sĩ quân y Nguyễn Minh Giảng, nay tuổi đã gần 90, sống tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Hạnh phúc đời người

Ba tôi có dáng người hơi đậm với râu, lông mày và mái tóc bạc màu mây trắng. Nhà tôi gần một trường tiểu học. Mỗi lần tan trường, học sinh ngang qua nhà cứ gọi ba tôi là ông Tiên. Nghe vậy, ba cười rất vui. Thế là mỗi ngày, ba chuẩn bị bánh kẹo để phát cho các em nhỏ mỗi khi tan trường ngang qua nhà. Cả ông và các cháu đều vui - một bức tranh thật đẹp.

Ba tôi - bác sĩ quân y! - Ảnh 1.

Bác sĩ quân y Nguyễn Minh Giảng

Khi tôi mang thai đứa con đầu lòng, sức khỏe rất yếu. Bác sĩ nói thai có vấn đề. Đúng lúc ba tôi ốm nặng phải vào viện cấp cứu mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân căn bệnh.

Dạo đó, ba rất lo lắng. Không phải sợ bệnh, mà ba sợ cháu ngoại sẽ mang di chứng chất độc màu da cam do thời chiến tranh ông từng chiến đấu ở vùng địch rải chất độc màu da cam thảm khốc. Vì chuyện này, suốt thời gian tôi mang thai, tâm lý của ba và tôi rất nặng nề.

Ngày tôi đi sinh con, cả gia đình đứng trước phòng sinh suốt một ngày trời. Tôi nằm trong phòng cấp cứu với từng cơn đau quặn. "Con yêu của mẹ. Mẹ sẽ cố gắng hết sức, chỉ chốc nữa thôi sẽ nhìn thấy con" - tôi cố suy nghĩ như thế để có sức mạnh vượt cạn.

Điều kỳ diệu đã đến. Con gái tôi ra đời. Mẹ tròn con vuông. Tôi sung sướng biết chừng nào khi nhìn thấy con với đôi môi đỏ chót, cơ thể tuy suy dinh dưỡng nhưng vẹn toàn. Một người nữa cũng vui không kém, là ba tôi khi lần đầu tiên có cháu. Lần đầu được làm ông nên gặp ai ba cũng khoe. Tôi cảm nhận được sau nỗi lo di chứng chất độc màu da cam, ba tôi đã vui biết nhường nào khi có cháu.

Năm nay con gái yêu của tôi đã là nữ sinh trung học, ngoan ngoãn, học giỏi, là niềm tự hào của cả gia đình. Để có được điều đó thật không dễ dàng gì. Vì lý do sức khỏe, bác sĩ khuyên tôi không nên sinh thêm con nữa. Cuối cùng, tôi quyết định nghe theo lời bác sĩ không sinh thêm con, với sự ủng hộ của ba mẹ tôi. Đối với người có sức khỏe yếu như tôi, có một đứa con như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi.

Giúp được dân nghèo là giúp

Khi chiến tranh, ba lần lượt phục vụ trong nhiều bệnh viện của quân đội đóng khắp các vùng miền đất nước.

Hòa bình, ba về tiếp quản Bệnh viện Đa khoa Quảng Đà - là Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bây giờ. Ngoài công tác chuyên môn, ba còn có những tài lẻ rất hay mà ông nói đã học được trong thời gian tại ngũ, như xoa bóp, day ấn huyệt, kéo nắn giãn khớp.

Khi ba về hưu, một số bạn bè, người thân, hàng xóm bị bong gân, trật khớp không đi lại được, đến nhờ chữa trị. Ba chữa trị rất chu đáo, nhiệt tình, chưa thấy ông lấy một đồng tiền công. Thế rồi người này rỉ tai người kia, ngày càng có nhiều người đến nhờ ba chữa trị.

Bây giờ, ba đã lớn tuổi, gia đình khuyên ba nghỉ ngơi nhưng thỉnh thoảng ông vẫn phải làm vì còn bệnh nhân đến cậy nhờ giúp chữa bệnh. Ba bảo là người lính ở nơi trận mạc, được trở về với gia đình là may mắn lắm rồi; nghề y là do quân đội dạy, nên giúp được dân nghèo là giúp chứ không được từ chối, không được lấy tiền. Rồi ba kể đồng đội nhiều người đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường.

Ba tôi - bác sĩ quân y! - Ảnh 2.

Huân chương Giải phóng hạng ba do Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng bác sĩ Nguyễn Minh Giảng

Năm rồi, có gặp vợ chồng lớn tuổi là bệnh nhân cũ, đến thăm ba. Bác gái kể không thể nào quên cái ngày nhận được giấy báo chồng bị thương nặng sắp mất. Hồn bà như lìa khỏi xác. Lòng tan nát, bước chân không thể trụ vững. Bà nghe đất dưới chân sụt lún, mắt hoa lên rồi ngất xỉu trên thềm nhà.

Chỉ đến khi nghe tiếng các con khóc, bà mới choàng tỉnh dậy. Vội chuẩn bị hành trang với hành trình mấy trăm km để đến bệnh viện quân y chăm chồng lần cuối. Đó chính là nơi ba tôi lúc này đang công tác. Khi bà xuất trình giấy báo, một y tá dẫn đến chiếc gường có người đàn ông nằm trên đó với gương mặt nát bét. Bà khóc òa lên, ôm lấy nhưng người bệnh nằm yên không nhúc nhích.

Ông thay đổi nhiều quá, bà không thể nhìn ra. Mặt ông được băng bó kín bưng, chỉ chừa đôi mắt và cái miệng. Người bệnh thở khó nhọc, đăm đăm nhìn bà, môi mấp máy nhưng không thể nói được lời nào. Bà kể chuyện con cái, gia đình, làng xóm… Người bệnh vẫn không cử động nhưng những lúc hiếm hoi tỉnh táo, người thương binh nhìn bà như cố gắng để nói điều gì đó nhưng không thể thốt nên lời, trên đôi tròng mắt ánh lên một nỗi biết ơn mơ hồ.

Vậy rồi, một lần vệ sinh cá nhân cho ông, bà phát hiện ra đó không phải chồng mình. Ba tôi giúp bà kiểm tra khắp bệnh viện, đến từng gường bệnh, nhìn mặt từng thương binh nhưng vẫn không tìm thấy người mà bà tin là chồng. Có lúc bà ngồi bất động, triền miên trong ý nghĩ lo lắng sợ hãi, nhớ lại bao nhiêu chuyện về người đầu gối tay ấp của mình.

Có lần, ba tôi chạy lại nói có người bệnh đang rất cần cô. Bà vội chạy vào thì thấy nụ cười méo mó trên một gương mặt đang băng bó trắng toát. Nhưng rồi bà vẫn gặp lãnh đạo bệnh viện, báo cáo người bệnh này không phải chồng mình. Bà hỏi thăm về người bệnh, ba tôi trả lời chỉ biết đó là một anh bộ đội hình dáng giống bà mô tả về chồng, được đưa từ chiến trường về trong tình trạng vết thương rất nặng và không nói năng gì được.

Chắc anh ấy chẳng còn sống được mấy ngày nữa. Biết đâu chồng mình cũng đang được ai đó chăm sóc ở một bệnh viện khác? Bà nghĩ vậy và quay trở lại gường bệnh nhân này, tiếp tục chăm sóc người thương binh vô danh. Dù bệnh viện và cả ba tôi lẫn bà đã hết sức chăm sóc, vết thương vẫn mỗi lúc một trầm trọng. Người thương binh này co giật thường xuyên hơn, đôi mắt càng mờ dần và vài ngày sau thì mất.

Bà rời bệnh viện, trở về nhà thì nhận được giấy báo tử của chồng. Bà gục ngã thêm một lần nữa. Nhưng rồi nhìn hai đứa con mặt mũi, chân tay lem luốc, bà như được tiếp thêm sinh khí. Cứ thế, bà cứng rắn từ lúc nào không hay. Có điều như tâm linh mách bảo, bà vẫn quyết không cho ai đưa ảnh chồng lên bàn thờ, mặc điều tiếng dị nghị của mọi người. Bà tin chồng vẫn sống.

Bà tần tảo một nắng hai sương cốt sao để đủ cơm cho hai con. Các con ngày một khôn lớn trên những cơ cực của bà. Thân bà ngày càng như cánh vạc. Nhưng vất vả bao nhiêu thì nghị lực vươn lên lại càng phi thường bấy nhiêu. Không kêu than, không trách phận, tình thương với các con càng nhân lên gấp bội. Các con được bà chăm chút, nuôi ăn học nên người.

Hằng đêm, khi các con ngủ, đó là lúc bà sống cho riêng mình. Bà nhớ ông, tiếng khóc không thể phát ra thành lời. Bà lật giở từng kỷ niệm, từ cái áo đến lá thư gửi về từ chiến trường mà bà luôn giữ bên mình như báu vật. Nét chữ của ông tạo cho bà thêm sức mạnh, nghị lực để sống tiếp mà chờ đợi.

Quyết không chùn bước

Dường như khi sống trong khốn khó của chiến tranh tao loạn, nghị lực trong con người ta càng dẻo dai thì phải.

Giữa bao khó khăn của thời kỳ này, ba tôi ngoài việc công thì thời gian còn lại là giúp bà này đi khắp nơi để tìm hiểu tin tức về chồng.

Những cuộc hành trình từng đợt kéo dài, bắt đầu từ các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng. Ba không bỏ sót trung tâm nào. Ba kể đi đến đâu cũng đầy rẫy những hoàn cảnh đau thương, mất mát, có nhiều thương binh nặng, cơ thể không còn lành lặn nên không dám trở về với vợ con.

Ba quyết không chùn bước. Rồi trời đã không phụ lòng người. Ba tìm được chồng bà trong hoàn cảnh bị thương nặng ở đầu. Chiến tranh đã biến ông thành một con người khác, không nhớ, không biết, không cười, chỉ có những cơn đau đầu khủng khiếp thường xuyên hành hạ ông.

Với tình yêu người vợ dành cho ông, rồi tình cảm của các con, cháu và sự kiên trì điều trị của ba tôi trong nhiều năm, người thương binh nặng bắt đầu nhận thức được nhiều chuyện, tri giác hồi phục dần. Khỏi phải nói ba tôi đã mừng đến mức nào.

Giờ mỗi lần nghe vợ chồng người thương binh kể lại, ba nói không thể hiểu mình đã lấy đâu ra nhiều sức mạnh đến thế. Rồi ba kết luận chỉ cần điều trị được vết thương tinh thần cho một gia đình thương binh thôi thì ông đã mãn nguyện lắm rồi. 

Nhận ra những điều thiêng liêng

Tôi sinh ra trong đại gia đình có truyền thống nhiều đời đi theo cách mạng. Tư tưởng vì nước, vì dân được ba tôi rèn dạy từ khi còn nhỏ. Dần dần, tôi nhận ra những điều thiêng liêng qua lối sống và việc làm của ba, của một thế hệ bác sĩ quân y trưởng thành trong thời chiến. Những phẩm chất đạo đức quý giá ở thế hệ của ba đã khiến tôi có một tâm hồn thanh thản trước bao cám dỗ của cuộc đời.

Tôi hiểu vì sao làng trên xóm dưới ai cũng nể phục ba!

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Ba tôi - bác sĩ quân y! - Ảnh 4.
Ba tôi - bác sĩ quân y! - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo