Đưa cuộc sống thực tế vào lớp học

Khi thẳng thắn thừa nhận hiện tượng chưa tốt, dũng cảm đối diện sự phản biện, góp ý từ học sinh… thì các giải pháp sẽ "sáng" hơn.

Cuối năm, chuyện buồn liên quan ngành giáo dục liên tiếp xảy ra: Cô giáo bị học sinh tấn công ở Tuyên Quang, 11 học sinh bị cho là chia nhau 2 gói mì tôm chan cơm ở Lào Cai...

Ở Hà Nội, một cô giáo trường THPT bị kỷ luật sau sự vụ kéo lê học sinh do em này không mua bánh sinh nhật đúng ý, tùy tiện tác động tới phụ huynh. Còn tại tỉnh Đồng Tháp mới đây, bà nội của một học sinh THCS vào trường túm tóc, đánh vào mặt một nữ giáo viên vì cô này tát cháu của bà.

Đưa cuộc sống thực tế vào lớp học- Ảnh 1.

Thầy trò trao đổi trên lớp - Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng dịp cuối năm, nạn ăn xin giả gây bức xúc dư luận. Loạt bài điều tra "Lật tẩy chiêu trò trục lợi tình thương" của Báo Người Lao Động sau khi đăng tải, một thầy giáo ở TP HCM đã đưa lên lớp. Trong lớp, thầy trò trao đổi, bình luận, rút ra các bài học cũng như đề xuất biện pháp xử lý tình trạng giả ăn xin.

Đưa cuộc sống vào bài giảng và đưa các tri thức, kỹ năng, phương án hành xử… từ bài giảng trở lại cuộc sống là một gợi ý để giải quyết những hiện tượng thiếu chuẩn mực vừa kể trên. Ngành giáo dục nói chung, các trường học nói riêng nên ưu tiên, khuyến khích việc đó.

Khi thẳng thắn thừa nhận hiện tượng chưa tốt, dũng cảm đối diện sự phản biện, góp ý từ học sinh… thì các giải pháp sẽ "sáng" hơn. Thông qua trao đổi chủ đề trên lớp, việc hành xử của giáo viên và học sinh cũng nhờ đó được tự giác điều chỉnh.

Anh Tuấn