xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Các nàng geisha

Phan Quang

Tôi hơi ngỡ ngàng khi cùng mọi người dừng chân trước cái cổng gỗ in đậm dấu thời gian trong khu dân cư yên tĩnh một cách bất thường giữa thành phố luôn náo nhiệt. Người bạn Nhật chạm khẽ vào cánh cổng. Như có phép thần, hai cánh cửa nặng nề từ từ mở, một bà đứng tuổi mặc kimônô cúi chào và đưa tay mời vào

Lối đi khá dài giữa hai hàng rào cây xanh xén tỉa, dẫn tới một ngôi nhà kiến trúc phong cách dân tộc. Dưới ánh đèn mờ ảo có tấm gỗ đề Kiệt Mai Quán. Một phụ nữ khác chờ sẵn bên thềm, đợi khách cởi giày bỏ lại ngoài hiên xong mới rước vào nhà, mời mọi người yên vị trên những tấm gối đặt ở sàn, sau mấy chiếc bàn dài và thấp bằng gỗ phủ sơn mài.

Chỉ còn khoảng 200 geisha

Căn phòng khá rộng, đồ đạc trang nhã thậm chí đơn sơ. Trước mặt chúng tôi, cách chừng ba mét, chiếc bục gỗ rộng chỉ cao hơn sàn một bậc, tôi đoán là sân khấu bởi tận cùng có cái phông, một bức tranh quốc họa lớn gồm bốn tấm như thể tứ bình, dựng lửng lơ. Tường chỉ treo mỗi một bức tranh thủy mặc.

Ochaya (phòng trà) là đây chăng? Hay là okiya, nơi các nàng geisha sống chung và cũng có thể làm nơi tiếp khách?

Nói về văn hóa cổ truyền ở đất nước hoa anh đào, nhiều người nhắc đến geisha, song được qua một tối cùng các nàng chuyện trò, xem các nàng trổ tài ca múa và tiếp khách điệu đà là việc không dễ.

Geisha, đọc theo âm Hán Việt là “nghệ giả” (có nơi gọi geikô - nghệ kỹ), danh xưng ấy nói lên cốt cách của các nàng: người làm nghệ thuật.

Nghề geisha hình thành khoảng đầu thế kỷ XVIII và cực thịnh trong thế kỷ XIX rồi suy giảm theo đà Nhật Bản tiến lên con đường duy tân đất nước. Họ là những nghệ nhân mà nghề chính là giải trí cho giới thượng lưu quý tộc bằng ca nhạc, vũ đạo tại các phòng trà hoặc tại nhà riêng. Thời gian đầu, geisha có cả nam và nữ, về sau chỉ còn có nữ hành nghề. Đến nửa đầu thế kỷ XX, geisha vẫn là đỉnh cao cách vui chơi xa hoa thời thượng.

Nghề geisha tàn lụi khi Nhật Bản dốc toàn lực vào chiến tranh thế giới. Dù sau đó có được phục hồi, thời hoàng kim đã qua đi vĩnh viễn. Đội ngũ các nàng lại thiếu vắng người kế cận khi Quốc hội Nhật Bản ban hành luật cấm thiếu nữ chưa tròn mười lăm tuổi học làm maikô (tức geisha tập sự). Thông thường các nàng sống tập trung tại một vài khu phố, người Nhật gọi là hanamachi (hoa nhai). Thống kê năm 1980 cho biết cả nước Nhật còn đến 17.000 nàng geisha hành nghề, đến nay chỉ vào khoảng 200, chủ yếu ở cố đô Kyoto.

Geisha-maikô

...Cuộc vui bắt đầu bằng một tiệc nhẹ, khách thưởng thức rượu sakê rót trong những ly sứ nhỏ rất đẹp và nếm một vài thứ bánh cổ truyền làm bằng bột nếp, hạnh nhân, đậu đỏ, đậu xanh, tạo nên những sản phẩm hình dáng thanh khiết, màu sắc hài hòa, chiếc nào cũng được bao gói sang trọng và đầy thẩm mỹ. Có thứ gói trong lá tươi, trông giống bánh ít ở miền Trung nước ta.

Những đôi tay trau chuốt cẩn trọng mở bánh, rót rượu, và mỗi nàng một khách, hai tay nâng ly rượu lên ngang mày trước khi kề vào môi khách, ân cần niềm nở mà không suồng sã. Tiếp tôi là một maikô rất trẻ, cũng nói được ít nhiều tiếng Anh. Nhờ em vừa giải thích vừa ra hiệu, tôi phân biệt được maikô với geisha ở cách búi tóc của mỗi người. Các maikô búi tóc tự nhiên, không được phép đội tóc giả hoặc cài thêm lọn tóc trên đầu. Đầu cài đóa hoa tươi - mỗi tháng một loài hoa. áo kimônô các em mặc thay đổi mỗi tháng một màu.

Nói chung trang phục của maikô tươi tắn hơn geisha và các “liền chị” khi đã đến tuổi nào đó thường chuộng loại áo xiêm trang nhã, sẫm màu. Kimônô mặc kép, áo ngoài mùa hè may bằng lụa nõn, gọi là ro, mùa thu dùng chất liệu dày hơn nhưng chưa có lót, gọi hitoe, áo mùa đông có lần nhiễu lót bên trong, tên là awase, áo trong bằng lụa trắng mỏng, may cách sao cho hé lộ lần cổ áo trắng khi mặc chiếc áo màu lộng lẫy lên ngoài và đủ dài để lúc các nàng bước đi thì phô làn lụa trắng nơi cổ chân.

img

Mùa nào các geisha cũng phải thắt lưng (obi) bằng tấm lụa thêu rực rỡ quấn mấy vòng quanh bụng và buộc nút sau lưng, trông như đeo cái trống cho nên còn gọi là nơ trống. Maikô thì được phép để hai đầu dải lụa buông thõng xuống tận sàn. Người bạn Nhật cùng đi hôm ấy giải thích: Thắt chiếc obi với cái nơ trống sau lưng rất khó, cho nên thường có người chuyên phụ giúp. Mang ôbi thắt nơ trống đằng sau còn hàm ý phân biệt geisha với oria gái làng chơi, các cô nàng này thắt nơ trước bụng, phía trên eo, “mở ra rồi lại buộc vào như chơi”... Chân đi guốc geta hoặc dận dép tabi. Với trang phục ấy người mặc chắc không lấy gì làm thoải mái nhất là vào những đêm hè oi bức, vì vậy tôi nghĩ cái quạt truyền thống nơi tay người đẹp hoặc cài vào ôbi khi không dùng tới hẳn không chỉ có tác dụng làm cho các nàng thêm duyên dáng mà thôi.

Nét chủ yếu phân biệt geisha với người phụ nữ Nhật bình thường là ở cách trang điểm khuôn mặt. Trước hết, mặt nàng geisha cũng như maikô phải lót một lượt phấn trắng thật dày làm bằng bột gạo cực mịn phủ đến gáy, để lộ phần da thật từ nửa cổ trở xuống. Hai gò má, quanh mắt tô son hồng và môi thì dùng màu son thật thắm. Lông mày, mi mắt kẻ đậm. Tóc búi cao lên đỉnh đầu, có khi cuộn hai tầng hoặc tết thành hai búi hai bên. Phải cần đến thợ làm đầu chuyên nghiệp, mỗi tuần giúp geisha làm tóc một lần. Và để giữ cho lọn tóc công phu ấy đỡ xộc xệch, đêm ngủ các nàng tựa lưng lên một cái gối riêng gọi là takamakura. Phiền toái đến vậy cho nên các nghệ giả đứng tuổi được miễn hóa trang khuôn mặt, trừ khi biểu diễn tại đại lễ. Ngày nay thì mọi sự giản đơn hơn xưa nhiều bởi ở các hiệu thời trang đã có sẵn tóc giả đủ hình đủ dáng, chỉ cần chọn sao cho phù hợp với mình...

Điệu dân ca nỉ non

...Buổi biểu diễn bắt đầu. Một nghệ nhân đứng tuổi, không son phấn, mặc kimônô màu nõn chuối, ôm cây đàn shanmisen (đàn ba dây) trước ngực bước ra cúi chào, rồi khoan thai ngồi xuống vừa đàn vừa hát. Một điệu dân ca nỉ non nghe nói có từ xưa lắm: ... Nhấp chén rượu vào môi/ Chàng cầm thương ra múa/ Đường thương như gió thoảng.../ Rượu là hơi thở dài/ Hay là ly nước mắt?...

img

Hát xong, bà đặt cây đàn bên cạnh, khom người, hai bàn tay úp xuống chiếu, đầu cúi rạp cho đến khi chạm hẳn vào sàn mới từ từ đứng lên nghiêng mình lần nữa. Tiếp đó, hai nàng maikô đội tấm khăn lụa trên đầu múa theo nhịp đàn shanmisen và tiếng đệm của trống nhỏ. Hai nàng geisha múa quạt... Nét mặt các nàng luôn nghiêm trang, có lẽ vì vậy buổi diễn nặng dáng dấp cung đình hơn dân dã. Và cũng có lẽ diễn tại phòng trà, không có tiết mục sôi động như nhiều điệu ca vũ dân gian ở sân khấu ngoài trời. Nhạc cụ ngoài cây đàn shanmisen còn có sáo trúc và mấy chiếc trống. Trống nhỏ tsutsumi vác lên vai, trống nhỡ ôkawa kê trên đùi, còn trống lớn taikô đặt cạnh người diễn.

Geisha phải thành thạo các môn nghệ thuật cổ truyền: cắm hoa, đàn ca hát múa, ngâm thơ, thực hành Trà đạo... Maikô học thành nghề sẽ tiến hành nghi thức “thay cổ áo” (erikae), từ nay các nàng đã là geisha thực thụ. Đến lúc cần giải nghệ do tuổi cao hoặc vì lý do khác, các geisha lại phải mở tiệc nhỏ chia tay bạn bè, lễ này gọi là zashiki.

Chia tay, các nàng ríu rít tiễn khách ra thềm. Mỗi người cầm một cái hốt gỗ giúp khách sửa áo đi giày. Tôi hỏi tên cô maikô bé bỏng. Em chìa ra một tấm danh thiếp bằng ngón tay. Danh thiếp của các “liền chị” kích cỡ có nhỉnh hơn một chút, tuy nhiên cũng chỉ bằng quân bài tam cúc. Các nàng thường chọn những từ thơ mộng: tiểu điệp, tiểu hạc, tiểu quyên... Trên danh thiếp tuyệt nhiên không có thêm thông tin nào khác. Không phải khách quen khó biết các nàng tên họ là chi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo