xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xanh một vùng cao

Bài và ảnh: Như Thừa

(NLDO) - Dọc Quốc lộ 27B xuyên qua huyện Bác Ái là hình ảnh cuộc sống của đồng bào Raglai đang khởi sắc. San sát những mái ngói đỏ, những hàng cây xanh mát; xa xa là ngút ngàn đồng ruộng

Vượt hơn 60 km đường, chúng tôi về vùng đất bạc màu thuộc xã Phước Thắng của huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Con đường ngoằn ngoèo đất sỏi dẫn vào rừng cao su vốn bị bỏ hoang vì không có mủ. Vùng đất này đã bao đời bạc màu, trơ sỏi đá, cây cối phát triển kém.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Nhưng trước mắt chúng tôi bây giờ là một vùng xanh bạt ngàn, quyến rũ.

Anh Trần Lập Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (TTUDKHCN) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, giới thiệu: "Đó là vùng mía cao sản mà bọn em triển khai giúp bà con dân tộc Raglai thay đổi cây trồng đấy!".

Nắng hầm hập phả vào mặt. Tiếp đoàn là anh Pi Năng Tuấn và Chamalea Đoàn, cùng là dân của xã Phước Thắng. Hai anh đang chăm sóc ruộng mía do Trung tâm TTUDKHCN chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật. Nhiều năm trước, do sản xuất không hiệu quả, anh Tuấn cho người khác thuê 1,2 ha đất trồng hoa màu. Cách đây mấy năm, sau khi nghe trung tâm giới thiệu mô hình sản xuất giống mía KK3, anh lấy lại đất để trồng mía. Với sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ kỹ thuật, vụ mía năm 2018 anh thu gần 103 tấn, trừ chi phí còn lãi 43 triệu đồng. Vụ năm rồi nắng hạn liên tục nhưng rẫy mía của anh Tuấn và bà con xung quanh vẫn cho năng suất cao.

Xanh một vùng cao - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ra tận ruộng để chuyển giao kỹ thuật cho dân

Anh Pi Năng Tuấn phấn khởi: "Nhờ trồng giống mía mới KK3 mà gia đình tôi thoát nghèo. Giống này chịu hạn rất tốt. Liên tục mấy tháng qua nắng hạn, không có nước để tưới nhưng mía vẫn không chết".

Gần ruộng anh Tuấn là ruộng mía của anh Chamalea Đoàn. Đang mùa khô, cây cỏ khô quắt nhưng ruộng mía vẫn xanh mườn mượt. Anh Đoàn vui vẻ: "Vùng này khô cằn sỏi đá, cây gì cũng không sống nổi. Vậy mà mía nhà tôi không có nước tưới vẫn phát triển xanh tốt. Bình quân mỗi vụ, tôi thu hoạch 68-70 tấn/ha. Giống này chịu hạn rất tốt, không ngã đổ, ít sâu bệnh nên giúp gia đình chúng tôi thoát nghèo. Trồng cây bắp, cây mì nói thẳng là không bằng cây mía cao sản này".

Ông Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: "Với điều kiện tự nhiên và nhận thức còn hạn chế của đồng bào dân tộc, muốn phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi xác định sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao. Áp dụng những mô hình kinh tế hay và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững vùng đồng bào dân tộc Raglai đặc biệt khó khăn huyện Bác Ái là một trong những đột phá mà chúng tôi đã triển khai".

4 quy trình công nghệ

Ông Mẫu Thái Phương đang nói về dự án mà Trung tâm TTUDKHCN triển khai từ tháng 4-2017 đến tháng 10-2019 thông qua việc giới thiệu và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cũng như giống cây trồng có khả năng chịu hạn và đạt năng suất cao cho đồng bào Raglai.

Đó là 4 quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, gồm: Trồng luân canh cây bắp lai - đậu xanh giống mới, chịu hạn với 40 ha; trồng xen canh cây sắn - đậu xanh với 20 ha; trồng thâm canh mía giống mới, chịu hạn KK3, K95-84 với 20 ha và ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn thô dự trữ cho gia súc, chuyển giao cho 95 hộ tại các xã Phước Thắng, Phước Thành, Phước Đại, Phước Chính và Phước Trung.

Xanh một vùng cao - Ảnh 2.

Người dân Bác Ái đã có những vụ mỳ năng suất cao

Nhưng để triển khai hiệu quả, anh Trần Lập Kim kể là các cán bộ của trung tâm phải phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng dự án để tuyên truyền, vận động, giới thiệu và tập huấn cho hơn 300 lượt hộ dân theo cách "cầm tay chỉ việc". Qua đó, giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.

"Chúng tôi phải tổ chức nhiều buổi tập huấn, trình diễn mô hình và hướng dẫn, dần dần bà con mới tham gia. Để thay đổi một tập quán sản xuất lâu đời của bà con không phải là dễ nên chúng tôi thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời chỉ dẫn từ khâu làm đất, gieo giống, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ. Qua 2 năm kiên trì, giờ bà con đã chủ động làm rất tốt. Nhiều hộ thu được kết quả cao" - anh Kim phấn khởi nói rồi dẫn chúng tôi đến nhà anh Kadá Báu ở xã Phước Chính.

Trước đây, trên 8 sào đất rẫy, anh Báu chỉ trồng lúa, bắp, mì… giống địa phương. Do đất cằn cỗi, phụ thuộc nước trời nên cây trồng cho năng suất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, nhờ sự hướng dẫn của trung tâm, anh Báu chuyển sang trồng mía giống K95-84. Kadá Báu chia sẻ: "Những năm gần đây, bên cạnh trồng bắp, đậu truyền thống, bà con đã chuyển qua trồng mía và mì cao sản chịu hạn tốt, năng suất cao. Anh em kỹ thuật nhiệt tình bám ruộng, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Vụ này hạn hán nhưng ruộng mía nhà mình vẫn phát triển tốt, chắc thu hoạch cũng được 60 tấn".

Cùng với cây mía chịu hạn, đồng bào Raglai còn được chuyển giao quy trình kỹ thuật và hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây đậu xanh xen cây mì giống mới KM140 và đậu xanh trồng xen đậu bắp lai VN8960. Đây là những giống mới chịu hạn tốt và cho năng suất cao.

Rẫy ông Katơ Sáng ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành. Vượt qua mấy con dốc, chúng tôi mới đến nơi. Dù nắng gắt nhưng trước mắt chúng tôi là những rẫy mì xanh ngút ngàn. Ông Katơ Sáng phấn khởi nhổ vài gốc mì cho xem rồi chỉ tay ra khoảng đồi xanh mướt: "Vùng này khô cằn, không chủ động nước tưới nên trước đây người dân chỉ trồng bắp, đậu giống địa phương, ăn theo nước trời, thu hoạch bấp bênh lắm. Nay tôi trồng thử 5 sào mì giống KM140 xen cây đậu xanh, thu gần 27 triệu đồng. Năm nay tôi trồng 1,6 ha mì, khả năng lãi trên 50 triệu đồng. Ở thôn Ma Rớ năm ngoái có 3 hộ trồng mì cao sản, năm nay có 10 hộ. Giống mì này tốt nên tôi quyết định giữ lại cho bà con nhân rộng".

Từ rẫy ông Katơ Sáng, chúng tôi tới thôn Núi Rây, xã Phước Chính, nơi có 20 hộ đang chăn nuôi theo quy trình sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn lên men cho gia súc có sừng. Tập quán ở đây là chăn thả nên cứ đến mùa nắng hạn là đàn bò thiếu thức ăn. Từ khi được Trung tâm TTUDKHCN hướng dẫn, bà con ở đây đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân lá bắp... làm thức ăn lên men cho đàn bò, nhờ đó qua 2 mùa hạn, đàn bò vẫn phát triển tốt.

Xanh một vùng cao - Ảnh 3.

Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hướng dẫn người dân cách chăm sóc đàn bò

Anh Quảng Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, nhìn nhận: "Địa phương có đồng cỏ lớn, thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Nhưng mỗi khi đến mùa nắng hạn thì gia súc thiếu thức ăn trầm trọng. Chúng tôi cũng đã tìm nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc nhưng không hiệu quả lắm. Nay được Trung tâm TTUDKHCN giới thiệu mô hình và tập huấn quy trình kỹ thuật nên hầu hết hộ tham gia dự án đã áp dụng vào quá trình chăn nuôi hiệu quả. Qua đó, đàn gia súc của địa phương phát triển ổn định. Thu nhập của bà con được nâng lên".

Sẽ nhân rộng

Qua gần 2 năm thực hiện dự án, anh Trần Lập Kim nhận xét: "Đây là một trong nhiều dự án chúng tôi triển khai tại miền núi, thu được hiệu quả thiết thực. Nhất là đã góp phần làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất lạc hậu của bà con dân tộc. Từ kết quả này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng ra các địa phương miền núi".

Còn ông Mẫu Thái Phương thì phấn khởi: "Đã có những kết quả bước đầu chứng minh nhận thức của đồng bào dân tộc Raglai trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã có nhiều chuyển biến. Dự án đã góp phần nâng cao trình độ canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con. Qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của dự án và sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các địa phương trên địa bàn nhân rộng hơn nữa".

Xanh một vùng cao - Ảnh 4.

Đồng bào Raglai ở Bác Ái đã biết sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn lên men cho gia súc có sừng

Mùa no ấm đang về. Suốt dọc Quốc lộ 27B xuyên qua huyện Bác Ái là hình ảnh cuộc sống của đồng bào Raglai đầy khởi sắc. San sát những mái ngói đỏ tươi. Những hàng cây xanh mát. Xa xa là ngút ngàn đồng ruộng. Chiếc ôtô già cỗi nhẫn nại bò qua các ngọn đồi, con suối, đưa chúng tôi trở về phố thị trong nắng chiều...

Bác Ái là huyện miền núi có lượng mưa thấp nên thường xuyên thiếu nước. Toàn huyện có 9 xã, 5.423 hộ với 25.140 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Đây là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Xanh một vùng cao - Ảnh 6.
Xanh một vùng cao - Ảnh 7.
Xanh một vùng cao - Ảnh 8.
Xanh một vùng cao - Ảnh 9.
Xanh một vùng cao - Ảnh 10.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo