xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo thêm giá trị cho trái dừa quê hương

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Làm ra được chiếc bánh dừa xuất khẩu, vợ chồng anh kỹ sư hóa thực phẩm đã tạo nên giá trị gia tăng cho trái dừa của quê hương mình

Khởi nghiệp bằng lò bánh mì tươi tại TP Đà Nẵng, vợ chồng chị Mai Thị Ý Nhi (cùng SN 1980; quê phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) luôn ấp ủ sẽ tạo ra một thương hiệu thực phẩm của riêng mình.

Không để bỏ phí của trời

Chồng chị Nhi, anh Nguyễn Văn Tân, là kỹ sư hóa thực phẩm, có nhiều năm làm việc cho một công ty của Nhật Bản. Sinh ra và lớn lên ở vùng dừa lớn thứ 2 trên cả nước nên vợ chồng chị Nhi rất quen thuộc với trái dừa tươi, những sản phẩm bánh kẹo làm thủ công được chế biến từ cơm dừa. Dù lập nghiệp ở Đà Nẵng nhưng anh chị vẫn nặng nợ với quê hương. Trong những lần về quê, thấy dừa vào mùa thu hoạch, người dân không bán được hết, nhiều chỗ vứt lăn lóc hay dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị Nhi - anh Tân cảm thấy tiếc và thương cho người nông dân. Từ đó, hai vợ chồng bàn với nhau tận dụng nguyên liệu cơm dừa để làm bánh. Bánh dừa này không phải làm thủ công như người dân ở quê nhà mà bằng máy móc, công nghệ.

Bắt đầu thử nghiệm từ năm 2016 với chiếc máy có sẵn tại lò bánh mì tươi ở TP Đà Nẵng, những chiếc bánh dừa đầu tiên của anh chị ra đời. Cũng là nguyên liệu chính từ dừa, bột gạo, bột nếp, đường mía và khi ấy có thêm hương va-ni nhưng chiếc bánh làm ra dày, ít giòn, vị ngọt đậm. Anh chị dùng làm quà khuyến mãi cho khách mua bánh mì hay mang về quê biếu người thân ăn thử nhưng ai nấy đều chê dở. Chị Nhi cảm thấy buồn nhưng không hề nản. Qua vài mẻ bánh đầu tiên, hai vợ chồng cùng ghi chú lại để rút kinh nghiệm, cải tiến. Khi những mẻ bánh về sau vừa miệng hơn, anh chị quyết định đầu tư máy móc mới, công nghệ hiện đại hơn rồi lập xưởng sản xuất bánh dừa, thực hiện những đơn hàng đầu tiên cho các cơ sở bán hàng đặc sản phục vụ khách du lịch tại TP Đà Nẵng.

Khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào của chiếc bánh khá chặt chẽ, chị Nhi làm việc với một số chủ vườn dừa lớn ở Tam Quan để đặt mua dài hạn. Dừa vào mùa sẽ được thu mua, sơ chế cơm, rửa sạch và trộn với đường mía Quảng Ngãi rồi trữ lạnh để vận chuyển ra TP Đà Nẵng. "Khâu chế biến nguyên liệu hoàn toàn sạch và an toàn. Các vườn dừa ở Tam Quan hầu hết lâu đời, cây dừa có tuổi trên 10 năm nên bảo đảm độ ngọt, béo tự nhiên của cơm. Thu hái dừa cũng chọn lựa kỹ để có được dừa vừa già mà không quá cứng" - chị Nhi cho hay.

Tạo thêm giá trị cho trái dừa quê hương - Ảnh 1.

Bánh dừa được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam

Tạo thêm giá trị cho trái dừa quê hương - Ảnh 2.

Chị Mai Thị Ý Nhi với gói bánh dừa thành phẩm

Kỳ vọng chiếc bánh có thể vươn xa hơn

Dừa Tam Quan, bột gạo, đường mía Quảng Ngãi… làm thành chiếc bánh dừa khá mỏng, màu cánh gián, giòn, thơm, vị ngọt vừa, béo và hoàn toàn không có chất phụ gia. Bánh dừa thương hiệu Top Coco của Công ty TNHH Mỹ Phương Food tại TP Đà Nẵng do anh chị làm chủ đã vượt qua các khâu kiểm soát về an toàn thực phẩm khắt khe của nhiều nước. Theo chị Nhi, chính nhờ thay đổi công nghệ bằng những loại máy móc hiện đại khiến chiếc bánh dừa trở nên thơm ngon hơn. Bánh dừa có thể bảo quản trong 12 tháng vẫn giữ nguyên vị, không bị hôi ê mùi dầu dù không thêm phụ gia và chất bảo quản.

Với hàng chục năm làm trong ngành chế biến thực phẩm, anh Tân luôn chú trọng khâu chế biến và kiểm tra kỹ lưỡng từng chiếc bánh thành phẩm. "Một số nước kiểm soát khắt khe về thực phẩm nguyên bản, chỉ cần phát hiện có chất phụ gia hay hương liệu là lập tức trả hàng về" - anh Tân cho hay.

Hiện bánh dừa của Công ty TNHH Mỹ Phương Food đã được xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… và một số quốc gia trong khu vực. Đầu tháng 3-2023, chị Nhi cho biết vừa thực hiện xong một đơn hàng gồm 7 container bánh dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên của TP Đà Nẵng xuất khẩu sang quốc gia này.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Tân, vì mong muốn nguyên liệu của ngành nông sản Việt Nam được chế biến thành phẩm, được giới thiệu ra nhiều nước trên thế giới nên anh kỳ vọng chiếc bánh dừa có thể vươn xa hơn nữa. Hiện vợ chồng anh sẽ đặt mua dừa ở Bến Tre để có nguồn nguyên liệu ổn định khi dừa Tam Quan không cung cấp đủ.

"Nguyên liệu làm bánh dừa rất đơn giản và hoàn toàn từ những sản phẩm của ngành nông nghiệp. Dừa, bột gạo, bột nếp, đường mía… Nếu càng có nhiều nước ưa chuộng bánh dừa do chúng tôi làm ra thì đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam được tiêu thụ nhiều hơn. Đó là mong ước của vợ chồng tôi khi tạo nên xưởng bánh này" - anh Tân bày tỏ. 

Tiếp tục cải tiến bánh dừa

Theo chị Nhi, thời gian tới, xưởng bánh của anh chị sẽ tiếp tục làm thêm loại bánh dừa mới để phù hợp hơn với nhiều người dùng đa dạng. Theo đó, thay vì đường mía Quảng Ngãi, bánh sẽ dùng mật hoa dừa Trà Vinh; bột gạo, bột nếp sẽ chuyển một ít sang bột gạo lức. "Bánh được làm từ những nguyên liệu trên có thể phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường hoặc người có chế độ ăn ít tinh bột... mà vẫn bảo đảm nguyên liệu hoàn toàn đến từ tự nhiên, tốt cho sức khỏe" - chị Nhi kỳ vọng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo