xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cầu Cấm... dần vào lãng quên

Đức Ngọc

Trong năm 1967, máy bay Mỹ trút xuống cầu Cấm 27.000 quả bom các loại; ngoài ra, tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ bắn vào đó 5.000 quả đạn pháo từ 175 ly đến 230 ly

Mùa hè năm nay, tôi có dịp về thăm cầu Cấm, thuộc địa bàn 2 xã Nghi Yên và Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tọa độ lửa

Cầu Cấm dài hơn 123 m, rộng 24 m, bắc qua con sông Cấm - nơi thắt nút 3 huyết mạch giao thông: đường bộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường thủy (kênh Nhà Lê) - là điểm huyết mạnh trong việc chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam thời chiến tranh chống Mỹ.

Vì vị trí chiến lược này mà cầu Cấm từng được ví là "xương sống", "túi đựng bom đạn Mỹ". Để cắt đứt điểm huyết mạch này, máy bay và tàu chiến Mỹ có nhiều thời điểm ngày đêm thay nhau trút bom, đạn xuống cầu Cấm. Mặt đất, triền núi, mặt sông khu vực cầu Cấm trong những năm chiến tranh luôn rung lên bần bật bởi bom đạn.

Thuở còn cắp sách đến trường, thế hệ chúng tôi đã biết gọi cầu Cấm là "Tọa độ lửa". Đã có rất nhiều chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đã ngã xuống để bảo đảm cho sự lưu thông qua cầu này, nhằm không bị cắt đứt "mạch máu" chi viện cho chiến trường trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam.

Để bảo vệ trọng điểm cầu Cấm, nhà nước đã huy động nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, các đại đội Thanh niên xung phong cùng dân quân địa phương ngày đêm cắm chốt. Mỗi lần máy bay Mỹ đến thả bom xuống cầu Cấm, các trận địa phòng không K8, K9, K10 (thuộc Tiểu đoàn 16 chốt tại những địa danh ở vùng này như Cống Hóp, vườn Mít, trại Chè) đồng loạt nổ súng. Rồi sau những đợt bom, pháo kích như thế, từ nơi trú quân ở các xã quanh đó như Diễn Thọ, Diễn Lộc, Nghi Yên, Nghi Thuận, Nghi Long…, nam nữ của các đại đội Thanh niên xung phong lao ra san lấp hố bom để bảo đảm giao thông không bị chia cắt.

Theo thống kê từ năm 1966 đến 1968, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại trận địa này. Tổn thất lớn nhất là vào ngày 5-2-1967, khi lực lượng Thanh niên xung phong thuộc đội 69 và 65 đang hối hả san lấp hố bom phía Bắc cầu Cấm, bất ngờ một đợt pháo kích tọa độ dội xuống đội hình. Mặt đất rung chuyển, mịt mù. Trong giây lát, 15 chiến sĩ hy sinh khi tất cả đều đang độ tuổi thanh xuân.

Bà Phạm Thị Dương (ngụ xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) chia sẻ: "Đau đớn lắm, sau trận pháo kích ấy, Thanh niên xung phong hy sinh nhiều lắm. Người dân xã Nghi Yên ra đào bới tìm thấy nhiều thi thể không nguyên vẹn, nằm lẫn đất đá".

Cầu Cấm... dần vào lãng quên - Ảnh 1.

Cầu Cấm - trọng điểm đánh phá của B52 trong kháng chiến chống Mỹ Ảnh: ĐỨC NGỌC

Ông Trần Văn Hiền (SN 1948; ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An) nhớ lại: "Bấy giờ, tôi là công nhân quốc phòng. Từ tháng 2-1966 đến tháng 3-1967, đơn vị chúng tôi trực tiếp có mặt tại tọa độ lửa cầu Cấm. Thời gian đó khủng khiếp lắm, ngày cũng như đêm, máy bay tàu chiến Mỹ liên tục bắn phá nhằm cắt đứt tuyến vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy chi viện cho chiến trường. Khu vực cầu Cấm và những vùng xung quanh bị bom, đạn pháo cày nát. Bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân địa phương bảo vệ cầu hy sinh rất nhiều. Có ngày hơn 30 người hy sinh để bảo vệ sự an toàn cho cầu Cấm".

Người dân địa phương cũng kiên quyết bám đất, bám làng bằng cách đào hầm ở trong vách núi để sát cánh cùng các chiến sĩ quân đội và lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ cầu Cấm. "Máy bay đánh phá ác liệt lắm, có rất nhiều người dân địa phương chết vì bom đạn. Những nhà dân ở gần khu vực cầu Cấm, ban đêm không dám thắp đèn. Cứ nghe tiếng máy bay gầm rú là mẹ cõng con, chị cõng em chạy vào các hầm trong núi để tránh bom" - bà Phạm Thị Hoàng (ngụ xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) kể.

Theo tư liệu lịch sử, năm 1965, cầu Cấm bị máy bay Mỹ đánh 800 trận, năm 1966 là 1.200 trận. Đặc biệt, trong năm 1967, máy bay Mỹ trút xuống cầu Cấm 27.000 quả bom các loại; ngoài ra, tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ bắn vào 5.000 quả đạn pháo từ 175 ly đến 230 ly.

Cầu Cấm... dần vào lãng quên - Ảnh 2.

Thanh niên xung phong ra quân thông đường, thông cầu Cấm năm 1966 Ảnh: TƯ LIỆU

Chỉ còn dấu tích nhạt nhòa

Trở lại di tích càu Cấm lần này, tràn ngập lòng tôi là cảm giác của sự lãng quên.

Ông Trần Văn Hiền cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi cầu Cấm có quá khứ oai hùng như vậy nhưng không rõ vì sao di tích này đang bị lãng quên. "Cuối năm 2020, địa điểm lịch sử cầu Cấm mới được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Sau khi được xếp hạng, chẳng thấy ai đoái hoài gì cả, ngay cả cái bia hướng dẫn khu vực cầu Cấm cũng không có.

Ông Hiền nói: "Trong chiến tranh chống Mỹ, những địa danh như cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, Ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh, phà Long Đại và đường 20 Quyết thắng ở Quảng Bình, Truông Bồn và cầu Cấm ở Nghệ An… đều là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ. Nhưng giờ đây, trừ cầu Cấm, tất cả di tích còn lại đều đã được xây dựng những công trình tưởng niệm, ghi nhận công lao của các chiến sĩ và nhân dân đã quên mình bảo vệ Tổ quốc".

Ông Đậu Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, cũng cho biết rất nhiều người dân xã Nghi Yên đã tham gia bảo vệ cầu Cấm và hy sinh nhưng di tích này đang dần bị lãng quên. Người thân, đồng đội khi trở lại thăm địa danh này, mỗi khi thắp nén nhang đều thầm ước có một đài tưởng niệm cho những người đã hy sinh".

Các đồng nghiệp đi cùng tôi đều thuộc thế hệ 7X, 8X. Khi có mặt tại khu vực cầu Cấm, nếu không được nghe ông Trần Văn Hiền và những người dân ở đây kể chuyện thì họ hoàn toàn không biết là đang đứng ở một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ.

Những địa danh như bến phà, trận địa pháo, đài quan sát trên các dãy núi xung quanh khu vực cầu Cấm giờ chỉ còn lại vài dấu tích nhạt nhòa. Bên cạnh cầu Cấm lịch sử này đã có thêm một cây cầu lớn bằng bê-tông ngày ngày tấp nập phương tiện qua lại.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An, địa danh cầu Cấm gắn liền với nhiều chiến công của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày 4-11-2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3241/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia địa điểm cầu Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Địa điểm lịch sử cầu Cấm thuộc địa phận 2 xã Nghi Quang và Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Vì thế, hiện việc xây dựng đài tưởng niệm hay một số cụm công trình ở đây để ghi nhận, tôn vinh những hy sinh lớn lao của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ là rất cần thiết. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước. 

Rất khó nhận ra?

Liên quan đến việc xây dựng điểm di tích cầu Cấm, ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, cũng khẳng định với chúng tôi là địa điểm cầu Cấm tuy đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia nhưng hiện chưa có dự án gì về xây dựng các công trình để bảo tồn hay phục vụ công tác tưởng niệm.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, thông tin di tích cầu Cấm không có bia tưởng niệm, bảng dẫn tích nên rất khó nhận ra. Vì vậy, huyện đang cho làm thiết kế để trước mắt, trong thời gian sắp tới sẽ triển khai dựng ít ra là một bia tưởng niệm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo