xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bình yên ở miền sóng vỗ

Bài và ảnh: TRANG THY

Nhiều người dân ven biển Sa Huỳnh quen với hình ảnh những con khỉ bật nắp, cụng lon bia và uống đến lúc say lảo đảo rồi kéo nhau rời miếu cổ

Sớm Xuân, chị Võ Thị Sương (ngụ tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng tôi đến chiêm bái tại ngôi miếu cổ gần nhà chị.

Bốn mùa khói hương

Đó là miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và những vị thần trong tín ngưỡng dân gian bao đời ở vùng đất này. Cổ miếu nằm cạnh đồi núi cao, bên xóm nhỏ hướng ra đầm Nước Mặn chen chúc tàu cá neo đậu sau chuyến ra khơi.

Thoảng nghe rì rầm xa xa hòa cùng gió Xuân xào xạc. Bên kia đồi là biển cả bao la, đêm ngày cuộn sóng. Núi đồi tựa tường thành vững chãi ngăn cuồng phong từ biển tràn vào. Miếu cổ là chốn linh thiêng, chở che cho xóm làng yên vui. Người dân trong làng và du khách đến nơi đây khấn vái, bốn mùa khói hương bảng lảng.

Thấy tôi mang máy ảnh, nhiều người có nhà cạnh miếu gợi chuyện: "Chú tới chụp hình khỉ hả? Tụi nó vừa giỡn ầm ĩ rồi kéo nhau lên núi chẳng biết lúc nào quay lại. Rừng cây rậm rì nên chẳng biết tụi nó lẩn khuất nơi nào".

Tự nguyện trông nom miếu, cụ Hồ Thảo lắm khi rất mệt bởi lũ khỉ nghịch ngợm, thường tụ tập quấy phá làm náo động xóm nhỏ. Cành da rủ dài cùng mái che nghiêng là sân chơi ưa thích của lũ khỉ. Chúng leo tuốt ra ngọn cây chơi trò xích đu rồi buông tay, mông trượt dài trên mái. Trò chơi của chúng khiến tôn mỏng bị rách, tấm lợp fibro xi-măng bể làm dột nước ngày mưa gió. Người dân địa phương phải góp tiền của và công sức chắp vá, thay mới sau những lần mái miếu bị khỉ làm hư hại.

"Lũ khỉ nghịch ngợm nhưng vui lắm. Mỗi lần tụi nó tụ tập là bà con ở gần miếu đứng nhìn, trông thật vui mắt. Trưa hè nắng nóng, tôi mang võng đến nằm bên miếu cũng không yên với tụi nó" - cụ Thảo nói rồi cười.

Khi đu - trượt chán chê, lũ khỉ xếp hàng ngồi ngay ngắn trên mái vạch lông bắt chấy cho nhau, cử chỉ tràn đầy yêu thương. Hồi lâu, khỉ đầu đàn tát nhẹ vào mang tai con phía trước, ngầm bảo hết chấy. Thế là lần lượt, mỗi con đều nhận cái "tát yêu" như thế trước khi rời đi. Chúng thường di chuyển trên những ngọn cây trồng trong các vườn nhà. Ở khoảng trống không cây cối, chúng chạy nhảy dưới đất như trẻ thơ chơi trò đuổi bắt. Khỉ con bám trên mình mẹ, đôi mắt trong veo nhìn mọi vật xung quanh. Những học sinh của điểm trường Thạnh Đức 1 chỉ trỏ cười vui khi thấy lũ khỉ đến gần trường.

"Tụi nó đi ủn ỉn trông thật dễ thương. Mấy đứa nhỏ khoái chí reo hò khi thấy khỉ nhảy loi choi bằng hai chân sau" - chị Sương tâm sự.

Bình yên ở miền sóng vỗ - Ảnh 1.

Núi đồi ven biển Sa Huỳnh là nơi sinh sống của nhiều đàn khỉ

Tức cười muốn bể bụng

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, cho biết nhiều đàn khỉ đuôi ngắn và đuôi dài sống trên những dãy núi dọc bờ biển, cạnh xóm làng.

Nơi đây có vùng núi đồi được mệnh danh là đảo khỉ với rất nhiều khỉ đuôi dài sinh sống, thu hút du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình. "Chưa biết cụ thể bao nhiêu con nhưng nhiều lắm. Dân ở đây đã lâu không săn bắt động vật hoang dã nên chúng bình yên vô sự" - ông Thảo đoan chắc.

Mùng 10-8 âm lịch hằng năm, người dân trong vùng và khách phương xa góp tiền sửa soạn mâm cỗ dâng cúng Cửu Thiên Huyền Nữ cùng chư vị thánh thần. Họ cùng nhau ăn uống, nói cười râm ran dưới mái che cùng tán cây râm mát.

Những đấng mày râu bật nắp và cụng lon bia mời nhau trước khi uống cạn. Hình ảnh ấy in vào tâm trí lũ khỉ quẩn quanh bên miếu chờ được cho ăn bánh trái sau những buổi cúng bái. Thường ngày, những người thành tâm mang trái cây và hương hoa cùng bánh kẹo đến miếu cầu khấn cho gia đình bình an, ra khơi đánh bắt được nhiều cá tôm... Họ để lại lễ vật khi rời cổ miếu trước ánh mắt đợi chờ của lũ khỉ. Chúng xông đến và tranh giành nhau bánh trái rồi chén sạch, vứt vỏ bừa bãi quanh miếu cổ.

Cụ Thảo cặm cụi quét dọn rồi dõi mắt về phía rừng cây rậm rạp khi ánh chiều buông. "Lúc trước, đồ thờ cúng để bên ngoài thường bị đổ bể vì tụi nó tranh giành bánh trái và đùa giỡn. Giờ tôi phải mở cửa miếu khi có người đến thắp hương. Sau đó, lấy bánh trái bỏ ra ngoài cho tụi nó rồi đóng cửa chứ không thì bể hết" - cụ Thảo cho biết.

"Nhờ có ông Thảo trông nom, quét dọn chứ lũ khỉ xả bừa bộn lắm. Ăn xong, tụi nó vứt vỏ bánh, trái cây tùm lum rồi rung cây khiến lá rụng quá trời" - ông Lê Đức, nhà ở sát miếu, cho biết.

Ngày nọ, ông Đức phát hiện lũ khỉ lấy ghế nhựa trong góc xếp ngay ngắn cạnh bàn đá. Sau đó, chúng mang bia cùng bánh và trái cây trên những bàn thờ đặt lên bàn với cử chỉ chậm rãi so với thường ngày. Xong đâu đấy, chúng leo lên ghế rồi cùng nhau thưởng thức. Những con khỉ lớn bật nắp, cụng lon rồi uống như dân nhậu chính hiệu. Sau khi "dzô...", chúng cầm trái cây ăn ngon lành và tiếp tục uống đến lúc say lảo đảo rồi kéo nhau rời cổ miếu.

"Mấy con khỉ lớn uống bia như dân nhậu thứ thiệt. Uống say rồi đi nghiêng ngả, thấy tức cười muốn bể bụng" - ông Đức vừa kể vừa cười nắc nẻ, diễn tả sự việc. "Bây giờ, hễ có ai cúng bia rồi để lại là tụi nó uống xong ném lon lung tung. Khi uống, ngồi trên ghế y như người ngồi xung quanh bàn nhậu vậy" - cụ Thảo góp chuyện.

Trở về sau những ngày lênh đênh trên sóng nước khơi xa, ngư dân trẻ cùng nhau mua thuốc ngủ nhét vào quả chuối, mang lên đặt cạnh miếu để xem lũ khỉ có ngủ say không. Sau đó, họ vào nhà ông Đức nhìn sang, chờ xem lũ khỉ. Lát sau, chúng kéo đến, ngó nghiêng rồi thản nhiên ăn chuối, mặc cho tiếng nói cười từ nhà vọng sang. Khung cảnh yên ắng lạ thường khi mọi người bước sang khu miếu. Lũ khỉ mất dạng, những viên thuốc ngủ và vỏ chuối rơi vãi trên nền sân. "Tụi tui chưng hửng. Không ngờ tụi nó biết móc thuốc ngủ ra khỏi chuối trước khi ăn" - ông Đức kể.

Bởi có thức ăn nên lũ khỉ thường quẩn quanh bên miếu và "chào đón" những người đến khấn vái với hành động khá lạ đời. Chúng rung cây lá xào xạc, thoăn thoắt chuyền cành và vỗ 2 tay vào nhau như cổ vũ tinh thần. Mùa da chín, khỉ thường leo trèo hái quả và canh chừng, xua đuổi lũ chim bay đến tìm mồi. Sớm mai, chúng phát hiện bầy cu xanh đang ăn quả liền buông giọng "khéc... khéc..." dọa nạt và rung cây ầm ĩ khiến chim hốt hoảng tung cánh bay. Lúc đói, chúng hái trộm quả chín của người dân trồng trong vườn nhà.

"Tội lắm, khi đói quá, tụi nó phải ăn cả cơm khô vợ tôi phơi trên sân thượng. Lựa những trái xoài chín, hái vài quả rồi kẹp nách lên núi. Đợt bão vừa rồi khiến nhiều cây ăn trái ngã đổ, rồi đây sẽ thiếu trái cây cho tụi nó" - ông Đức xót xa.

Bình yên ở miền sóng vỗ - Ảnh 2.

Hằng ngày, cụ Hồ Thảo tự nguyện thắp hương và trông nom miếu cổ

Vô tư bên xóm làng yên vui

Không chỉ cây trái, khỉ nơi đây còn ăn cả hải sản sinh sống dưới biển, cạnh những ghềnh đá. Ngư dân đánh bắt ven bờ chứng kiến cảnh khỉ bơi lặn như vận động viên chuyên nghiệp.

Chúng nhảy ùm xuống nước rồi lặn sâu tránh sóng vỗ vào bờ đá tung bọt nước trắng xóa. Nước tràn qua đá, những con nha (một loại cua biển) cố bám chặt để khỏi trôi tuột, bị khỉ tóm rồi ăn ngon lành. Khi biển động, cây trái khan hiếm, chúng đến gần nhà có đám giỗ nhìn vào trong với ánh mắt đượm buồn. Nhiều người thương tình mang trái cây, bánh kẹo ra ngoài đặt trên nền đất để chúng nhặt lấy rồi mang lên núi.

"Bữa giỗ ở nhà cha chồng tôi, có mấy con khỉ đến đứng nhìn. Tôi vẫy tay ra hiệu cho tụi nó không được phá phách. Vậy là chúng kéo đi, lát sau quay lại lấy bánh trái. Tụi nó hiểu ý người nên đừng chọc giận thì chẳng đụng chạm gì đến mình" - chị Võ Thị Loan kể.

Mùa khô năm 2020, người dân trong xóm phát hiện thiếu một khỉ con trong đàn thường tụ tập quanh miếu. Khỉ mẹ buồn rầu, dõi mắt về phía rừng cây rậm rạp. Thế là họ chia nhau đi tìm và thấy xác khỉ chết đuối trong bể chứa nước mưa bỏ hoang trên núi. "Lúc trước, có mấy gia đình sống trên đó. Họ trồng cây trái và xây bể chứa nước mưa. Giờ họ chuyển xuống làng nhưng vườn cây vẫn còn nên khỉ đến ăn, cúi xuống uống nước rồi rơi vào bể, chết đuối" - ông Đức cho biết.

Nhiều bậc cao niên ở những làng chài ven biển Sa Huỳnh "từ nhỏ đã thấy khỉ rồi". Chúng sinh sống trên núi đồi bên biển rộng bốn mùa lộng gió, đêm ngày ầm ì sóng vỗ. Chúng vô tư chơi đùa bên xóm làng yên vui.

Phải bảo vệ để phát triển du lịch

Phổ Thạnh nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, với dân số hơn 25.000 người, chủ yếu sống phụ thuộc vào khai thác và chế biến hải sản. Nơi đây có bãi biển Sa Huỳnh hoang sơ và thơ mộng cùng nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Vùng đất này là nơi phát hiện di chỉ khảo cổ với nền văn hóa Sa Huỳnh khoảng 3.000 năm trước.

"Người dân ở đây không săn bắt động vật hoang dã nên lũ khỉ được bình yên. Chúng tôi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Sa Huỳnh thường nhắc nhở bà con đề phòng người ở nơi khác đến săn bắt. Phải bảo vệ chúng để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan" - ông Lượng cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo