xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sao để kẻ tâm thần làm bảo vệ dân phố?

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Nam bảo vệ dân phố từng được gia đình đưa đi chữa bệnh tâm thần và hiện vẫn đang điều trị bằng thuốc thường xuyên

Liên quan đến vụ cháu K. (SN 2011; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) bị sát hại, sáng 27-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM - xác nhận hiện Công an quận Tân Phú đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ và cơ quan liên quan lấy lời khai ban đầu của đối tượng Hoàng Nhất Giang (SN 1989; bảo vệ dân phố phường 5, quận 11) do có hành vi giết người.

Ám ảnh

"Theo báo cáo sơ bộ từ Công an quận Tân Phú thì Hoàng Nhất Giang có tiền sử bệnh tâm thần còn việc tại sao bị tâm thần mà tham gia lực lượng bảo vệ dân phố thì chúng tôi đang phối hợp xác minh thêm. Tuy nhiên, cần nói rõ lực lượng bảo vệ dân phố thuộc sự quản lý của UBND và tham gia giữ gìn an ninh chung ở khu vực" - đại tá Quang thông tin.

Trở lại hiện trường vụ án mạng thì người dân xung quanh khẳng định thường ngày Giang rất thương yêu bé K. "Thằng nhỏ hay qua chốt bảo vệ khu phố chơi. Chúng tôi thấy bình thường Giang yêu thương thằng nhỏ lắm, mua bánh, mua kẹo cho nó ăn và lau mặt cho thằng bé nữa nhưng không hiểu sao lại xảy ra sự việc tệ hại như vậy. Đúng là ám ảnh thật" - bà Trần Như Ngọc kể.

Sao để kẻ tâm thần làm bảo vệ dân phố? - Ảnh 1.

Bà Khúc Thị Ngọc (phải), người chứng kiến hoàn toàn vụ việc, cho hay vụ án mạng thực sự ám ảnh bà

Sau một đêm dài không ngủ vì ám ảnh hành vi của Hoàng Nhất Giang, bà chủ tiệm tạp hóa - Khúc Thị Ngọc (SN 1956) - mắt thâm quầng, sưng húp, kể: Lúc đó thằng bé vừa bước vào tiệm tạp hóa kêu tôi bán cho bịch bánh. Tôi ngẩng lên thì thấy Giang đi theo sau thằng bé, rồi thấy máu từ cổ thằng bé chảy ra lênh láng.

Quá bất ngờ, bà Ngọc chỉ biết tri hô những người xung quanh vì thấy máu chảy nhiều. "Thằng bé đi được 10 m rồi gục xuống đất, tôi không biết phải làm sao vì tôi bị tim nên khi thấy cảnh kinh hoàng đó là loạng choạng muốn ngất rồi. Kinh sợ hơn, sau khi sát hại cháu bé, thằng Giang bình thản đi về chốt bảo vệ dân phố như không có chuyện gì xảy ra. Nói thiệt chú, vụ việc này đã thực sự ám ảnh tôi" - bà Ngọc vừa nói vừa đưa tay ôm ngực.

Sau khi xảy ra sự việc và Giang bị bắt, cha mẹ Giang không dám bước ra khỏi nhà, cửa đóng kín bưng vì sợ người ngoài dị nghị. Khi chúng tôi đến, chần chừ mãi cha Giang mới trút nỗi niềm về cuộc sống gia đình cũng như bệnh tình của Giang. Khuôn mặt trầm ngâm, ông Hoàng Văn Sự (SN 1959, cha Hoàng Nhất Giang) nói ông có 3 người con, Giang là con đầu và không được may mắn như hai em vì Giang phát triển không bình thường, học đâu quên đó nên đến lớp 9 thôi học. Đến năm 2005, gia đình phát hiện Giang bị trầm cảm, tâm thần nên đưa đi khám bệnh. Sau đó, Giang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM 6 tháng và phải thường xuyên uống thuốc. "Bốn năm trước tôi có xin cho nó làm bảo vệ khu phố, một phần vì để nó tiếp xúc với xã hội; phần nữa cũng giúp nó ý thức trách nhiệm của mình, góp phần vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lương mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng; mới đây tăng thêm được 500.000 đồng nhưng vẫn không đủ chi tiêu cho bản thân nó"- ông Sự trải lòng và thông tin thêm: Ngoài việc mỗi ngày phải uống thuốc, Hoàng Nhất Giang phải đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM khám định kỳ.

Tuyển dụng trái luật

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích: Dư luận hết sức bàng hoàng khi một bảo vệ dân phố đã nhẫn tâm sát hại đứa trẻ 6 tuổi ngay ban ngày tại quận Tân Phú, TP HCM. Càng bàng hoàng hơn khi thông tin ngay sau đó cho thấy đối tượng gây án là người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt. Câu hỏi đặt ra là vì sao một người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt lại được tuyển dụng vào làm nhân viên bảo vệ dân phố? Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17-4-2006 của Chính phủ ban hành về lực lượng bảo vệ dân phố đã quy định rất rõ về điều kiện, tiêu chuẩn bảo vệ dân phố. Một trong những tiêu chuẩn của bảo vệ dân phố quy định tại điều 8 Nghị định 38 phải là người cư trú ổn định tại địa bàn; phải bảo đảm về sức khỏe, có lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Như vậy, một người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt là không đủ điều kiện để trở thành bảo vệ dân phố.

Sao để kẻ tâm thần làm bảo vệ dân phố? - Ảnh 2.

Đám tang của cháu K. diễn ra trong sự thương xót của hàng xóm

Điều 7 Nghị định 38 quy định trình tự, thủ tục để được công nhận bảo vệ dân phố cũng rất chặt chẽ. Theo đó, người được ứng cử vào ban bảo vệ dân phố phải do cư dân trên địa bàn bầu, sau đó trưởng công an phường chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định và trình cho chủ tịch UBND phường ra quyết định công nhận.

Thông tư liên tịch 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 1-3-2017, tại mục 4, phần V về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, quy định rất chi tiết: "Không đưa vào lực lượng bảo vệ dân phố những người không đủ năng lực hành vi". Người có tiền sử bệnh tâm thần, chắc chắn là không đủ năng lực hành vi.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, với các quy định trên, việc đưa một người có tiền sử bệnh tâm thần tham gia lực lượng bảo vệ dân phố là hoàn toàn trái luật. Việc làm này đã gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, một cháu bé vô tội đã bị chết oan.

Vì vậy, luật sư Đức cho rằng Công an TP HCM cần kiểm tra, rà soát lại và truy trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm ở địa phương này (cảnh sát khu vực, trưởng công an phường, cấp ủy chi bộ và ban điều hành khu phố và trách nhiệm liên đới của chủ tịch UBND phường). Đồng thời, qua vụ việc này, Công an TP HCM cũng cần rà soát lại toàn bộ lực lượng bảo vệ dân phố để chấn chỉnh, loại bỏ những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia lực lượng dân phố, tránh để xảy ra hậu quả như vừa rồi.

Nội dung vụ việc

Trưa 26-11, cháu K. đi bộ từ nhà sang tiệm tạp hóa ở số 96 Trịnh Đình Trọng (phường Phú Trung, quận Tân Phú) mua bánh thì Hoàng Nhất Giang đi từ chốt bảo vệ dân phố phường 5, quận 11 theo sau. Bất ngờ, Giang dùng dao cắt vào vùng cổ khiến cháu K. bị đứt động mạch chủ. Cháu K. chạy được một đoạn thì gục trên đường và tử vong trước khi nhập viện.

Đường Trịnh Đình Trọng là địa bàn giáp ranh giữa phường 5 (quận 11) và phường Phú Trung (quận Tân Phú). Chốt bảo vệ dân phố thuộc địa bàn quận 11, còn vụ án xảy ra ở quận Tân Phú nên khi xảy ra vụ việc Công an quận Tân Phú đã bắt khẩn cấp Hoàng Nhất Giang.

Tại cơ quan công an, Hoàng Nhất Giang khai rằng khi đang ngồi ở chốt thì trong đầu văng vẳng việc bé K. chửi mình nên đã dùng dao đi theo rồi ra tay. Hiện công an đang làm các thủ tục giám định tâm thần đối với hung thủ này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo