xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải ngăn chặn bạo hành trẻ em

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Từ tổ dân phố, hội, đoàn thể, chính quyền đến mỗi người dân phải quan tâm hơn đến trẻ, hành động đến cùng để bảo vệ nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bạo hành

Sự việc bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) ra tay tàn độc với cháu N.T.V.A (SN 2013; ngụ quận 1, TP HCM) khiến cháu tử vong là nỗi đau chung của toàn xã hội. Đến nay, Công an TP HCM đang điều tra bà Trang về tội "Hành hạ trẻ em" và ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, cha ruột cháu A.) về hành vi đồng phạm.

Cô đơn chịu đựng

Cũng liên quan đến vụ bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong, vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử và tuyên án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989) về tội "Giết người" và "Tàng trữ trái phép chất ma túy"; 

Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991, vợ Tuấn, cùng trú ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) tù chung thân về tội "Giết người" và "Tàng trữ, sử dụng ma túy". Nạn nhân là cháu N.N.M (3 tuổi), con riêng của Lan Anh.

Bản án sơ thẩm nêu rõ, Tuấn thường xuyên đánh đập bằng cán chổi, bắt cháu M. quỳ trong chậu nước. 

Tối 29-3-2020, sau khi sử dụng ma túy, Tuấn hỏi cháu M. nhưng cháu không trả lời, Tuấn đánh đập dã man cháu M. vì cho rằng cháu không nghe lời; Lan Anh dùng kim châm vào tay cháu M. vài lần, thấy cháu kêu thì mới dừng lại. 

Sáng hôm sau, cháu M. tử vong do đa chấn thương, chấn thương sọ. Trước khi gây ra thảm án, Tuấn và Lan Anh đã mua ma túy đá mang về nhà và đã sử dụng nhiều lần.

Phải ngăn chặn bạo hành trẻ em - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị khởi tố tội “Hành hạ người khác”

TAND TP Hà Nội cũng vừa xét xử và tuyên phạt Phạm Thanh Tùng (SN 1990; trú ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) 19 năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1987; ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông) 3 năm tù tội "Hành hạ con". 

Theo cáo trạng, sau khi ly hôn, Huyền sống cùng 3 con ruột, trong đó có cháu B. Huyền thường xuyên có hành vi ngược đãi, hành hạ cháu B. bằng tay hoặc các vật dụng như ống nhựa, gậy gỗ, dây điện, gây nhiều vết bầm tím trên thân thể bé B. Còn Tùng lợi dụng không có ai ở nhà, nhiều lần khống chế hiếp dâm cháu B.

Quan tâm trẻ nhiều hơn

Trên đây chỉ là 3 vụ án điển hình, xảy ra trong thời gian gần đây. Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng tình trạng trẻ bị bạo hành về thể xác và tinh thần ngày càng phổ biến với mức độ ngày một nghiêm trọng.

"Chúng ta có truyền thông trên diện rộng nhưng có những người biết mà không làm vì cảm thấy đó không phải chuyện nhà mình nên không cần quan tâm. Không ít người nghĩ nếu động vào chuyện này nhỡ bị chửi, không được ơn lại mắc oán. 

Thay vì đau xót, tiếc thương cháu bé, tại sao khi nghe thấy cháu khóc, nghi bị bạo hành, chúng ta không giúp đỡ cháu đến cùng? Để xã hội quan tâm đến trẻ em và có hành động bảo vệ các cháu kịp thời, truyền thông cũng cần tăng cường thông tin tuyên truyền, cảnh báo" - bà Ninh Thị Hồng nói.

Theo bà Ninh Thị Hồng, tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống như vợ chồng hiện nay rất nhiều. Với những vợ chồng ly hôn, ly thân mà có con, ông bà, chú bác, dòng họ cần quan tâm đến con, cháu mình hơn, tìm hiểu xem trẻ có được bảo vệ tốt không.

"Một điều nữa là không phải chờ đến khi thấy cháu bé bị đánh đập, kêu khóc thì tổ dân phố mới vào cuộc. 

Tổ dân phố phải có trách nhiệm tìm hiểu, gặp riêng cháu bé để nghe cháu chia sẻ nỗi niềm, xem có cần trợ giúp gì không. Nếu phát hiện bé có dấu hiệu bị bạo hành, phải báo ngay với lực lượng chức năng. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được các cháu" - bà Ninh Thị Hồng nói thêm.

Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an quận Bình Thạnh (TP HCM), nói sự việc cháu N.T.V.A là nỗi đau chung của xã hội.

Biện pháp sắp tới của lực lượng công an là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có kiến thức về quy định pháp luật. Bên cạnh đó, hội phụ nữ và hệ thống chính quyền cũng cần tăng cường sự giám sát; ban quản lý chung cư cần gia tăng lực lượng bảo vệ để nắm tình hình, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi cần thiết.

Dạy trẻ cách tự vệ

Đánh giá về việc trẻ em bị bạo hành trong những năm qua, thạc sĩ Trần Minh Hải (Giám đốc Trung tâm Tương Lai) cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận mức độ trẻ bị bạo hành ngày càng nghiêm trọng, bằng chứng là đã có những trẻ em bị thiệt mạng do người thân, người quen gây ra.

"Để bảo vệ trẻ hiệu quả, hãy dạy cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, rằng cơ thể mình vô cùng quý giá, không ai được quyền xâm hại, dù là người lạ, người quen và cả người thân. Hãy dạy trẻ khi bị người khác xâm hại, bạo lực, tìm cách này hay cách khác thông báo cho người mà bé tin tưởng nhất biết về tình trạng hiện tại của bé" - ông Trần Minh Hải nói.

Thạc sĩ Trần Minh Hải gợi ý cha mẹ và người thân hãy cùng con trẻ thiết lập một tín hiệu (mật mã) khẩn cấp mà chỉ cha mẹ, ông bà và bé biết. Trong tình huống khẩn cấp, nguy hiểm, bé phát ngay tín hiệu đó cho gia đình biết để can thiệp kịp thời. Ví dụ bé đọc ngày sinh, nói ra một màu sắc yêu thích... 

Giáo viên hay những người làm việc trực tiếp với trẻ nếu nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ trẻ có khả năng bị xâm hại, bạo hành, thông báo ngay cho người thân hoặc công an địa phương để có giải pháp can thiệp kịp thời. 

Hàng xóm cũng cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương, ban quản lý chung cư nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường. 

Bên cạnh đó, đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111 phải được phổ biến để tất cả mọi người dân, từ trẻ em đến người lớn ở thành thị lẫn nông thôn phải biết để thông tin kịp thời khi phát hiện trẻ nghi ngờ có khả năng bị xâm hại, bạo hành.

Dấu hiệu giết người có dự mưu

Luật sư Đỗ Đức Vĩnh, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình - VKSND Cấp cao tại TP HCM, cho rằng hành vi của bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang có dấu hiệu tội "Giết người" với động cơ đê hèn.

"Bị can biết cháu bị thương tích nhưng không đưa đi bệnh viện, không cho chăm sóc y tế mà vẫn hành hạ thì đây không những tra tấn về thể chất mà còn tra tấn về tinh thần. Thương tích cũ chưa lành lại có thương tích mới thì lại càng củng cố thêm cho hành vi giết người.

Dù giết người có dự mưu thường rất khó phát hiện hành vi bởi về mặt khách quan thì không phải tác động trực tiếp để chết ngay. Nhưng ở đây, cơ thể bé đã bị tổn thương trầm trọng mà bị can vẫn bỏ mặc, tiếp tục hành hạ thì đó là yếu tố chủ quan cấu thành tội giết người" - luật sư Đỗ Đức Vĩnh phân tích.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tối 22-12-2021, cháu V.A được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong với nhiều vết bầm tím nghi bị đánh đập nên bệnh viện gọi điện trình báo công an.

Sau đó, Công an quận Bình Thạnh đã bắt khẩn cấp Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Sau khi phục hồi dữ liệu camera, công an tiếp tục bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái về hành vi đồng phạm với bà Trang.

Kết quả khôi phục camera cho thấy bà Trang đã dùng hung khí nguy hiểm (cây gỗ to và dài) quất liên tiếp vào người cháu V.A, trong đó có cả vùng đầu và trán; dùng chân đạp vào vùng bụng, mông, âm hộ, ngực cháu...

Việc hành hạ kéo dài suốt 4 giờ. Sau khi bé tử vong, ông Thái xóa dữ liệu camera. Tại cơ quan công an, ông Thái thừa nhận nhiều lần thấy Trang đánh cháu A. và một số lần ông Thái cũng đánh cháu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo