xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều người đi bộ vi phạm luật giao thông

PHẠM DŨNG - DI LÂM

Quy định xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông đã có, cũng không ít vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ nhưng một số người vẫn vi phạm, không quan tâm quy tắc, quy định về an toàn

"Lần sau qua đường phải quan sát, có cầu vượt sao không đi?" - một tài xế ôtô hạ kính xuống gắt gỏng bởi phải thắng gấp trước hành vi đi bộ băng qua đường cẩu thả của một nam thanh niên trước Bệnh viện Ung Bướu TP HCM (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh).

Thích thì băng ngang

Đây là hình ảnh diễn ra hầu như thường xuyên ở khu vực này. Nhiều ngày ở đây quan sát, chúng tôi nhận thấy dù BV có cầu bộ hành nhưng nhiều người không đi, vẫn chọn cách băng ngang qua đường, nơi không có vạch dành cho người đi bộ. Trước cổng bệnh viện, người đi bộ, người đẩy hàng thi nhau đi lách qua các phương tiện, chặn ngang đầu ôtô trong giờ cao điểm.

Ông Đỗ Như Lanh (50 tuổi, chạy xe ôm quanh khu vực này) kể: "Ai cũng lười leo cầu thang lên cầu bộ hành. Mấy ngày nay thời tiết nắng nóng, tôi chứng kiến nhiều người đi xe máy, ôtô bực bội khi phải thắng gấp vì người đi bộ bất ngờ băng qua. Có nhiều lần người điều khiển phương tiện và người đi bộ cãi nhau làm tắc đường". Tình trạng tương tự xảy ra ở giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (quận 1, TP HCM) và nhiều tuyến đường khác.

Nhiều người đi bộ vi phạm luật giao thông - Ảnh 1.

Người đi bộ băng ngang qua đường bất chấp nguy hiểm Ảnh: Di Lâm

Người tham gia giao thông chủ quan là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mới đây, xe container lưu thông trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh) lao lên vỉa hè, tông vào hàng loạt nhà dân, rất may không có người thương vong. Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế khai container đang đi trên đường, bất ngờ một người đi bộ băng ngang qua. Do xe container thuộc hạng siêu trường, siêu trọng, tài xế không thể phanh gấp mà phải đánh lái sang bên đường.

Theo Nghị định 46, từ ngày 1-1-2018, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách hoặc đi vào đường cao tốc có thể bị phạt hành chính. Ngoài ra, theo điều 260 Bộ Luật Hình sự, người đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông sẽ bị xử lý như người điều khiển phương tiện; nếu gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại tài sản hơn 1 tỉ đồng, làm chết người...), có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.

Dù vậy, tình trạng vi phạm, đi không đúng làn đi bộ, có cầu bộ hành không đi mà băng qua đường… vẫn diễn ra rất phổ biến. Nhiều người hầu như không quan tâm, thậm chí không biết đến những quy định của luật giao thông khi đi lại trên đường.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo thống kê của Công an TP HCM, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11-2018 đến giữa tháng 4-2019, trên địa bàn TP xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, làm chết 16 người, bị thương 2 người. Nguyên nhân phần lớn do người đi bộ không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, qua đường không đúng nơi quy định làm người điều khiển phương tiện khác không xử lý kịp, dẫn đến va chạm trực tiếp với người đi bộ hoặc do tránh người đi bộ mà gây tai nạn giao thông với các phương tiện khác.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ đã được lắp đặt tại các điểm nút giao thông trọng điểm, trước cổng một số bệnh viện, trường học hoặc bố trí thêm các vạch đi bộ qua đường. Tuy nhiên, chỉ vì tiện lợi cá nhân, một số người vẫn bất chấp, qua đường không đúng quy định.

"Nhiều người đi bộ vẫn có suy nghĩ mình là nhóm đối tượng ưu tiên, không bị xử phạt nên tiện đâu đi đấy, không cần tuân thủ quy định. Trên thực tế, dù luật đã quy định rõ ràng, cụ thể mức phạt đối với từng hành vi vi phạm nhưng hiếm khi người đi bộ vi phạm bị phạt, trừ khi có tai nạn xảy ra. Để người dân tuân thủ pháp luật, các ban ngành chức năng cần mạnh tay trong xử lý, răn đe. Chỉ khi mạnh tay và duy trì thường xuyên việc xử lý thì mới dần thay đổi nhận thức cho người đi bộ khi tham gia giao thông, tình trạng vi phạm mới giảm. Ngoài việc xử phạt nghiêm, cơ quan chức năng cũng phải tạo các điều kiện an toàn cho người đi bộ" - luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) nói.

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, gần đây đơn vị đã tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát tại các khu vực, tuyến đường trọng điểm có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, tình trạng người đi bộ vi phạm nhiều để kiểm tra, lập biên bản xử lý nghiêm đối với các trường hợp người đi bộ vi phạm.

Bên cạnh đó, Công an TP tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, tại các trường học, cộng đồng dân cư.

Không có đường cho người đi bộ

Ở nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn TP, việc người đi bộ phải bất đắc dĩ đi xuống lòng lề đường là chuyện thường. Cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Tri Phương... đều không có phần đường dành riêng cho người đi bộ. Nhiều vỉa hè bị chiếm dụng kinh doanh, người đi bộ buộc phải bước xuống lòng lề đường (đường Nguyễn Tri Phương, Trần Phú...).

Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: "Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường". Ngoài ra, quy chuẩn 41/2016 về kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định: "Để báo đường cấm người đi bộ qua lại, phải đặt biển số P.112 "Cấm người đi bộ". Nếu tuân thủ quy định trên và đường không có biển cấm người đi bộ thì người đi bộ không vi phạm luật.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo