xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đền tiền, ai đền mạng?

DẠ LỮ

Tuyệt đại đa số các vụ thiệt mạng vì té cống không được khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự. Lẽ nào, khởi tố... cái nắp cống?!

Đọc mấy bài báo kể về đám tang của em Vũ Thảo Uyên - nữ sinh lớp 11 Trường THPT thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước - có lẽ nhiều người không cầm được nước mắt.

Chiều 20-9, trời mưa to, em cùng bạn bè dắt xe đi bên lề đường ĐT759 thì lọt chân xuống miệng cống không nắp, bị dòng nước xoáy cuốn mất, hơn một ngày sau mới tìm thấy xác.

Một gia đình mất con, một mái trường mất học trò, bao người mất bạn bè và họ hàng; tuổi thanh xuân tươi xanh và tương lai phía trước của một thiếu nữ thoáng chốc bị tước đoạt bởi một cơn mưa, bởi một cái miệng cống không nắp đậy.

Đâu chỉ vậy, "thủ phạm" còn là sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương!

Tuyến đường ĐT759 qua thị xã Phước Long do chính quyền địa phương này quản lý, ông Mai Xuân Cường - chủ tịch UBND thị xã Phước Long - xác nhận.

Sau "cơn mưa tội lỗi" chiều 20-9, dọc tuyến đường ĐT759 "hiện ra" nhiều miệng cống lộ thiên, như những cái bẫy chết người. Và, sau tai nạn của em Uyên, UBND thị xã Phước Long chỉ đạo các đơn vị chức năng khắc phục tình trạng hệ thống cống.

Người có trách nhiệm của chính quyền bảo rằng cống có nắp nhưng do sau mỗi lần nghẹt rác, người dân tháo nắp để khai thông, dẫn tới.. cống không nắp (!).

Nói vậy đâu có được. Tháo nắp cống có thể là chuyện của ai đó nhưng bảo đảm cống thoát được nước và an toàn tuyệt đối là nhiệm vụ của nhà chức trách. Tình trạng hệ thống cống bị mở nắp, thiếu nắp diễn ra đã lâu rồi, sờ sờ ra đó, chính quyền địa phương lẽ nào không thấy, không biết?

Có chăng, phải chờ đến những cái chết như thế mới khiến các vị thức tỉnh?

Tháng 6-2017, em Ngô Hoàng Nam (10 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM) cũng bị nắp cống đè chết. Cha mẹ em đề nghị phải xử lý trách nhiệm đơn vị thi công đã gián tiếp gây ra cái chết tức tưởi của con mình nhưng ý kiến của họ bị dìm vào im lặng.

Trước đó, đã có hàng chục trường hợp tử vong vì té cống hoặc sụp chân miệng cống bị nước cuốn trôi, xảy ra ở khắp nơi: Bình Dương, TP HCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Kiên Giang...

Hồi tháng 3-2017, có trường hợp hy hữu: Một người chạy theo đón xe buýt sụp chân xuống miệng cống đang thi công dang dở ở quận Bình Tân, TP HCM và tử vong.

Hầu hết đều do đơn bị thi công công trình bất cẩn hoặc do đơn vị quản lý thiếu sâu sát, chậm khắc phục. Sau tai nạn, các bên liên quan đến nhà nạn nhân thăm hỏi, thương lượng, đền tiền, rồi thôi...!

Đền tiền. Nhưng ai đền mạng cho họ? Sinh mạng con người mới là tối thượng. Đòi hỏi lớn nhất của một cuộc sống an toàn, có chất lượng phải là: Bao giờ chấm dứt những cái chết oan uổng như thế?

Không thể trả lời được câu hỏi đó nếu như tất cả các vụ tử vong vì nắp cống không được khởi tố để điều tra, xử lý đến nơi đến chốn nhằm răn đe cái thói vô trách nhiệm.

Vụ mới nhất - cái chết của em Vũ Thảo Uyên - nếu cũng trôi tuột như thường lệ thì quả thật, có thể nói sinh mạng của người dân tiếp tục bị xem thường.

Thật buồn khi "điệp khúc" sau mỗi cái chết, các cơ quan hữu trách mới chỉ đạo kiểm tra, khắc phục - cứ diễn đi diễn lại.

Bế tắc thật sự, đến mức phải tự hỏi: Hay là, thử khởi tố... cái nắp cống?!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo