xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạ Long đâu phải của riêng mà làm điều phi lý!

NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG

(NLĐO) - Báo chí, mạng xã hội và các công ty lữ hành Việt Nam mấy ngày qua dậy sóng vì Ban Quản lý vịnh Hạ Long đột ngột trình dự thảo tăng giá vé tham quan di sản thiên nhiên thế giới này từ 22% đến 73% cho từng dịch vụ.

Trong kinh doanh, bất ngờ luôn là yếu tố tích cực - từ sản phẩm mới, giảm giá, khuyến mại cho đến quà tặng, thái độ phục vụ… Song, chuyện tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long cũng như nhiều vụ việc trước đây, không biết là do muốn hay bị, cứ bất ngờ là… bất ổn!

Sợ dư luận phản ứng, Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long mời các doanh nghiệp tham gia ý kiến thần tốc. Hạn chót góp ý là ngày 25-10 nhưng nhiều đơn vị mãi tới ngày 24-10 mới… nhận công văn. Đa phần đều biết thông tin qua báo chí nên có người ví von "hỏi ý kiến mà như chạy giặc". Làm như doanh nghiệp ngồi không chờ đề đạt nguyện vọng. Cách làm như thế ẩn chứa nhiều bất ổn về văn hóa ứng xử trong du lịch. Đáng nói là năm 2018, Hạ Long từng tăng giá vé từ 20% đến 85% tùy sản phẩm.

Trước áp lực dư luận, ngày 25-10 (hạn chót các doanh nghiệp phản hồi cho BQLvịnh Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh có công văn hỏa tốc yêu cầm tạm dừng việc triển khai tăng giá vé. Lại có thêm bất ngờ!

Giá vé tham quan muốn tăng phải trình HĐND cùng cấp và do UBND quyết định. Chẳng lẽ BQL vịnh Hạ Long tự quyết định tăng giá vé nên UBND tỉnh Quảng Ninh mới vội vàng tuýt còi? Là cấp trên trực tiếp, tại sao không ra lệnh mà chỉ yêu cầu?

Hạ Long đâu phải của riêng mà làm điều phi lý! - Ảnh 1.

Một góc vịnh Hạ Long - Ảnh: Trọng Đức

Tăng giá vé tham quan, dịch vụ là chuyện bình thường trong du lịch. Các nước thường xếp loại danh thắng với mức giá vé tham quan tương ứng do cơ quan quản lý thực hiện theo quy chuẩn thống nhất. Còn ở ta, có điểm do địa phương quản lý, có điểm do các ban ngành hay đoàn thể quản lý, giá vé thì cứ tự định theo cảm tính. Tăng giá lại càng cảm tính, kể cả việc phải thông qua HĐND cũng cảm tính luôn.

Làm gì cũng phải có kế hoạch, đặc biệt là đi du lịch, không thể tùy hứng. Người trong nước cần chuẩn bị trước 5-7 tháng, có khi cả năm; còn người nước ngoài thường cả năm. Hợp đồng đã ký, tiền đã đặt cọc. Đùng một cái, tăng giá vé! Doanh nghiệp khóc ròng, làm thì lỗ, không làm thì bị kiện, càng chết.

Mà nào chỉ có vé tham quan. Vé máy bay, tàu hỏa, phòng khách sạn, điện nước… cứ "đùng một cái" tăng giá, làm khó cho doanh nghiệp lẫn người dân. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng không chịu lớn.

Các nước tăng giá vé tham quan du lịch là để tăng chất lượng dịch vụ hoặc do lạm phát. Còn ở ta, lạm phát một nhưng tăng giá gấp mấy lần..

Lý do tăng giá của BQL vịnh Hạ Long là phi lý và thiển cận. Nguồn thu chính của du lịch các nước là shopping, dịch vụ vui chơi giải trí… - làm sao để khách lưu trú lâu hơn và tiêu xài nhiều hơn. Hiếm nơi nào chỉ chăm bẳm vào vé tham quan như ở ta. Có người bảo "bệnh nan y" rồi, khó chữa lắm. Tôi không tin vậy. Quan trọng là muốn chữa dứt điểm hay thích nuôi bệnh. Tùy tiện như vậy là quá đủ, cần phải chấm dứt trước khi quá muộn.

Về chuyện đột ngột tăng giá vé tham quan, Ninh Bình vốn vô địch với Tràng An, Bái Đính; gần đây thì Hạ Long soán ngôi. Tham gia "CLB tăng giá - đùng một cái" còn có các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… Dư luận băn khoăn vì sao không nghe Tổng cục Du lịch có ý kiến và "kê toa" trị dứt điểm, không để lây lan mà cứ dửng dưng như người ngoài cuộc. Các hiệp hội du lịch, lữ hành trung ương và 63 hiệp hội các tỉnh, thành cũng án binh bất động, kiên quyết giữ thái độ "im lặng là vàng", mặc cho doanh nghiệp kêu trời và báo chí bức xúc.

Cách đây mấy năm, KDL Tràng An tăng giá 60% mà không thèm thông báo, dù công ty du lịch đã ký hợp đồng và đặt vé trước 2 tháng. Lúc đi, giá tăng mới té ngửa! Cự cãi cũng vô ích, công ty đành tốn thêm hơn 6 triệu đồng tiền chênh lệch cho sinh viên du lịch đi thực tập. Tức vì tour lỗ thì ít mà vì cách làm tùy tiện thì nhiều. Song, sinh viên có thêm thực tế về chuyện bất cập dịch vụ của du lịch Việt Nam.

Cũng năm đó, BQL Di tích Tháp Bà (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tăng giá vé từ 21.000 lên 22.000 đồng. Chỉ tăng 1.000 đồng nhưng thông báo được gửi  trước mấy tháng và ghi rõ mục đích là để tăng mức bảo hiểm cho du khách. Dù chỉ 1.000 đồng nhưng thông báo ghi "Nhằm giúp doanh nghiệp chủ động đưa vào giá thành sản phẩm. Rất mong nhận được sự thông cảm, tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của doanh nghiệp lữ hành". Đọc xong muốn rơi nước mắt vì mừng, vì mình được tôn trọng thật sự.

Nếu các địa phương bế tắc trước bài toán tăng doanh thu từ du lịch và thật lòng cầu thị thì cần tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp để cùng nhau tìm lối ra, tìm tiếng nói chung, hợp lực giải quyết. Cách hành xử của BQL Di tích Tháp Bà rất cần được các khu du lịch, các địa phương học hỏi. Trong khi đó, cách làm vừa rồi của BQL vịnh Hạ Long vừa thiếu tôn trọng doanh nghiệp vừa xem thường khách hàng. Ép quá, coi chừng doanh nghiệp đồng loạt tẩy chay sản phẩm thì lúc đó, lợi bất cập hại! Bởi, Hạ Long đâu phải tài sản  riêng của Quảng Ninh hay của BQL vịnh Hạ Long; mà là báu vật Quốc gia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo