xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chúa Nguyễn và hành trình mở cõi về phương Nam

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Sự nghiệp mở đất hướng vào Đàng Trong của các triều đại chúa Nguyễn phù hợp với xu thế lịch sử và lòng dân

Một trong những công lao lớn của các chúa Nguyễn là để lại di sản chủ quyền, lãnh thổ cho hậu thế với công cuộc xác lập chủ quyền, khai thác kinh tế biển đảo.

Chúa Nguyễn và hành trình mở cõi về phương Nam - Ảnh 1.

Kinh thành Huế được vua Gia Long cho khảo sát địa hình để xây dựng sau khi thống nhất đất nước

Chúa Nguyễn với đất phương Nam

Ngày 3-6, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam tổ chức hội thảo "Chúa Nguyễn với đất phương Nam" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò và vị trí vùng đất phương Nam thời chúa Nguyễn. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia sử học trên cả nước đã nghiên cứu về Đàng Trong, nhằm nâng cao các công trình đã công bố và khẳng định thành tựu mới nhất về chúa Nguyễn với đất Đàng Trong.

PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, nói rằng Đàng Trong - Đàng Ngoài ra đời trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) và kết thúc sau khi Nguyễn Huệ chỉ huy quân đội Tây Sơn chiến thắng quân Xiêm năm 1786, lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ Đàng Trong - Đàng Ngoài và thống nhất đất nước. "Sự nghiệp mở đất Đàng Trong của các chúa Nguyễn phù hợp với xu thế lịch sử và lòng dân, lại được nhiều văn thần, võ tướng trung thành và đắc lực phò tá kể từ trước và trong thời gian các chúa xây dựng Quảng Nam dinh (vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Định) cho đến lúc hoàn thành công cuộc mở đất dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1757)" - ông khẳng định.

Sau việc thành lập phủ Phú Yên thời chúa Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu tiếp tục mở mang vùng đất Nam Trung Bộ. "Quá trình mở mang lãnh thổ ở vùng Nam Trung Bộ của các chúa Nguyễn diễn ra gần 120 năm tính từ thời điểm bắt đầu mở đất Phú Yên (năm 1578) cho đến khi có được phủ Bình Thuận (năm 1697) đã mang về cho Đàng Trong thêm một vùng lãnh thổ rộng lớn, vương quốc Champa dần dần bị thu hẹp và cuối cùng bị sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Có được phủ Bình Thuận, chúa Nguyễn có được vùng lãnh thổ liên hoàn từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Đồng Nai" - TS Đỗ Quỳnh Nga (ĐH Huế) phân tích.

Sau khi mở đất Nam Trung Bộ, chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu tiếp tục mở đất Đông Nam Bộ gắn liền với tên tuổi Nguyễn Hữu Cảnh - một trong những anh hùng mở cõi đất phương Nam. Theo PGS-TS Trần Nam Tiến, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền đầy đủ ở khu vực Đông Nam Bộ ngày nay, bao gồm cả vùng đất trên bộ lẫn các vùng biển đảo, qua đó thúc đẩy quá trình sáp nhập và quản lý vùng đất Đông Nam Bộ vào lãnh thổ Đại Việt, góp phần quan trọng thống nhất toàn bộ chủ quyền của Việt Nam như ngày nay.

Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Chu (Hà Tiên), Nguyễn Phúc Chú (Long Hồ) và chúa Nguyễn Phúc Khoát trên toàn bộ phần đất còn lại. TS Đỗ Quỳnh Nga khái quát: "Cho đến năm 1757, toàn bộ vùng đất giữa sông Tiền, sông Hậu từ phía Châu Đốc xuống Sóc Trăng, Trà Vinh đã thuộc về chúa Nguyễn. Tây Nam Bộ không còn gián cách giữa Mỹ Tho (1679), Long Hồ (1732) với Hà Tiên (1708) mà trở thành một vùng châu thổ rộng lớn đầy tiềm năng của chúa Nguyễn ở Đàng Trong".

Chúa Nguyễn và hành trình mở cõi về phương Nam - Ảnh 3.

Hội thảo “Chúa Nguyễn với đất phương Nam”, tổ chức ngày 3-6

Chú trọng an ninh biển đảo

PGS-TS Đỗ Bang khẳng định: "Song song với việc mở đất, các chúa Nguyễn cho quân và dân binh khai thác vùng biển đảo Đàng Trong và có biện pháp tích cực để quản lý và bảo vệ chủ quyền. An ninh biển thời chúa Nguyễn đã trở thành vấn đề quốc gia, được chú trọng trên nhiều phương diện".

Chúa Nguyễn Phúc Chu không những có công lớn mở đất trên bộ mà còn xác lập chủ quyền các vùng biển đảo miền Nam, Côn Đảo với sự kiện năm 1703 đánh tan quân Anh và Phú Quốc năm 1708. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi phân tích: "Việc khai thác kinh tế hai quần đảo này chỉ thực sự bắt đầu từ thời nhà Nguyễn, nhưng các chúa Nguyễn đã luôn nhận thức hai khu vực này là chỗ dựa nên thường xuyên cố gắng xác lập về chủ quyền, khẳng định về cương vực, nhất là ở vùng biển Tây Nam trong bối cảnh Cao Miên, Xiêm La luôn muốn xâm chiếm vùng đất này".

Trong tham luận "Chủ quyền quốc gia Việt Nam - Đại Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa dưới vương triều Minh Mệnh (1820-1841)", GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nêu: "Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong thế kỷ XIX được mở đầu bằng những trang sử hào hùng dưới thời vị vua khai sáng Gia Long, đã phát triển đến đỉnh cao nhất trong đời vua Minh Mệnh, rồi sau đó chìm dần vào trong im lặng khi đất nước không còn giữ được nền độc lập. Ngay trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp, không có bất cứ một vị hoàng đế hay một đại diện của vương triều nào tuyên bố từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa".

Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến: “Với vai trò là người thiết lập vương triều Nguyễn, vua Gia Long không chỉ tiếp nối công cuộc tổ chức khai thác, xác lập chủ quyền biển đảo trên khắp lãnh hải của quốc gia như các triều đại trước, mà còn tiến hành chiếm hữu chính thức về mặt nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả Trường Sa vào năm 1816, vẽ bản đồ cụ thể và ra sách ghi chép chi tiết về cửa biển, bờ biển, đường biển của toàn bộ vùng duyên hải Việt Nam”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo