xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năng lượng sạch cho tương lai xanh

Bài và ảnh: Ngọc Giang

Việc đưa khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas - LNG) vào sản xuất công nghiệp và cung cấp cho sản xuất điện đánh dấu bước ngoặt của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, thân thiện với môi trường

Vào đầu tháng 4-2024, tàu Al Jassasiya chở gần 70.000 tấn LNG từ cảng Ras Laffan (Qatar) đã cập bến cảng của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt đầu chuyển giao nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô.

Sản xuất điện xanh bằng LNG

Đây là chuyến tàu chở LNG thứ 2 và là chuyến tàu đầu tiên được PV GAS nhập khẩu về Việt Nam để sử dụng phục vụ sản xuất điện.

Vào năm 2023, PV GAS đã hoàn thiện công trình kho LNG 1 MMTPA Thị Vải. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam với bến cảng xăng dầu Cái Mép có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn. Bồn chứa có sức chứa 180.000 m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm cùng với 2 cụm tái hóa khí với công suất tối đa 171 tấn/giờ, hệ thống trạm nạp xe bồn, trạm giảm áp, hệ thống đường ống dẫn khí kết nối, trung tâm điều khiển toàn bộ quá trình vận hành dự án, hệ thống phòng cháy chữa cháy…

PV GAS cho biết gần 70.000 tấn LNG lần này sẽ được tiếp nhận vào kho, sau đó sẽ được cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tháng 4, tháng 5 năm nay, bổ sung thêm khoảng 500 triệu KWh cho hệ thống điện. Đây cũng là lần đầu LNG được PV GAS cung cấp phục vụ sản xuất điện tại Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức về cơ chế chính sách cho nguồn nhiên liệu này.

Trước đó, PV GAS đã phát hành hồ sơ mời chào mua rộng rãi quốc tế và nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà cung cấp LNG uy tín trên thế giới. Trải qua quá trình đánh giá các hồ sơ chào bán, QatarEnergy LNG đã được lựa chọn. Đây là nhà cung cấp thuộc Tập đoàn QatarEnergy - nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới với tổng sản lượng 77 triệu tấn LNG/năm, chiếm khoảng 1/5 sản lượng toàn cầu.

Trước đó, giữa tháng 3-2024, PV GAS chính thức cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp với những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên, phục vụ nhu cầu các khách hàng tại Khu Công nghiệp Thuận Đạo (Long An).

Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải chính thức vận hành vào năm 2023

Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải chính thức vận hành vào năm 2023

Chuyển dịch năng lượng

LNG là nhiên liệu được nhiều quốc gia lựa chọn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Tại những nước phát triển đang tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon, LNG vẫn là nguồn nhiên liệu cốt lõi vì có mức phát thải thấp nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế hữu hiệu các nguồn năng lượng truyền thống khác. Đến nay loại khí này ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới; trong đó, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia thị trường LNG từ năm 2023.

Theo PV GAS, đơn vị này nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất xanh, năng lượng xanh, trong bối cảnh phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường Việt Nam, việc tiên phong nhập khẩu LNG khẳng định cam kết của PV GAS đối với đất nước trong vai trò bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khẳng định cam kết bảo đảm nguồn khí đáp ứng nhu cầu sản xuất điện cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, hiện thực hóa khát vọng về một lộ trình "chuyển đổi xanh", phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tính đến nay, PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.

Xe bồn chở khí LNG phục vụ sản xuất công nghiệp

Xe bồn chở khí LNG phục vụ sản xuất công nghiệp

Theo Phó Tổng Giám đốc PV GAS Nguyễn Phúc Tuệ, cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 là mục tiêu đầy thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà kể cả đối với các nước phát triển. Hành trình đó đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển công nghệ xanh và chuyển dịch năng lượng.

Ông Tuệ cho biết trong định hướng dài hạn hơn, PV GAS đã bắt đầu triển khai nghiên cứu các phương hướng khả thi trong việc sản xuất và phối trộn các sản phẩm khí không phát thải như hydro xanh, amonia xanh để sử dụng thử nghiệm trên hệ thống hạ tầng hiện hữu của PV GAS và Petrovietnam.

"Với tầm nhìn chiến lược ở vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng trên hành trình năng lượng xanh, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ" - ông Nguyễn Phúc Tuệ nhấn mạnh.

Để có nguồn cung với khối lượng và giá cả ổn định, PV GAS đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất, cung cấp LNG hàng đầu thế giới trong việc thu xếp nguồn LNG nhập khẩu cho thị trường nội địa. Mở rộng đầu tư, phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG và nhanh chóng hoàn thiện chuỗi cung ứng rộng khắp các vùng miền trên cả nước cũng là giải pháp quan trọng để tối ưu hóa chi phí phân phối LNG của PV GAS.

Thời gian tới, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026; triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Nhiên liệu sạch nhất

LNG đã được thế giới đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua, với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí. Hiện nay trên thế giới, LNG được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như sản xuất điện, thép, kim loại... LNG cũng có thể được sử dụng trong các phương tiện giao thông, cũng như cung cấp năng lượng cho các khách sạn, nhà hàng và các khu du lịch...

LNG có thành phần chủ yếu là CH4 - methane (94,3%), không màu, không mùi, không độc hại, được làm lạnh tại nhiệt độ -162ºC để chuyển sang thể lỏng, do vậy chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí tự nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 0C, 1 atm), thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển đến các hộ tiêu thụ xa với sức chứa gấp 2,4 lần khí thiên nhiên nén CNG.

Khi cháy, LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880 0C) và có khả năng cháy hoàn toàn mà không để lại cặn giúp các loại thiết bị, máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, ít phải bảo trì và tăng tuổi thọ. LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; điều này khiến LNG trở thành nhiên liệu sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo